.
Giới thiệu sách

Trần Trung Sáng ăn Tết cùng... “Nữ hoàng nhạc Twist”

.
Chân dung và sự nghiệp ca hát của cố danh ca Túy Phượng đã được nhà văn Trần Trung Sáng tái hiện trong tiểu thuyết “Nữ hoàng nhạc Twist” (NXB Lao động) và trình làng từ ngày 15-1 tại các hiệu sách ở TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Mô tả ảnh.
Trần Trung Sáng từng xuất hiện trên các tạp chí Bách Khoa, tuần báo Tuổi Ngọc... ở Sài Gòn trước năm 1975 với bút danh Tần Hoa, Trần Sao Hoa cùng những bài thơ tình yêu đậm chất thân phận. Từ sau 1975, anh vào bộ đội rồi làm báo, viết văn tại Đà Nẵng. Có lúc đứng chủ biên tạp chí văn nghệ Nắng Sớm cho thiếu nhi với một nhà xuất bản và sáng tác tranh. Dưới mắt mọi người, Trần Trung Sáng là một nhà báo, nhà văn viết đều tay, cẩn thận và ít gây ồn ào.

“Nữ hoàng nhạc Twist” viết về ca sĩ Túy Phượng cùng ban nhạc Huỳnh Hoa-Túy Phượng từng gây sóng gió trong giới sân khấu miền Nam một thời. Nhân vật nữ Túy Phượng từng có biệt danh “Hoa hậu Đông Phương” hay “Hoa hậu Lambretta” từ 1957. Sau năm 1975, chị cùng chồng quyết định ở lại Sài Gòn và qua đời vì bệnh tật vào ngày 13-11-2001. Tuy không còn ca hát trong một thời gian dài, nhưng biệt danh “Nữ hoàng nhạc Twist” vẫn còn trong trí nhớ của nhiều người yêu nhạc lớn tuổi hiện nay. Cuộc đời của chị, ngoài sân khấu còn có nhiều phức tạp vì nó gắn liền với bối cảnh cuộc chiến tranh ở miền Trung cũng như sự chọn lựa không dễ dàng của chị trước những vấn đề cá nhân và thời cuộc.
 
Cuốn sách chỉ dày khoảng 250 trang, gồm 6 chương lấy bối cảnh chính là vùng ngoại thành Hội An– nơi Túy Phượng theo chồng là tiểu đoàn trưởng một đơn vị công binh chế độ cũ. Tại một cuộc giao chiến trước Tết Mậu Thân, viên tiểu đoàn trưởng bị quân giải phóng bắt sống, ca sĩ Túy Phượng trở lại sân khấu Sài Gòn... Sau 1975, đôi vợ chồng này đoàn tụ trong một tâm trạng phức tạp, khi lựa chọn giữa “đi và ở”, kéo dài cho đến ngày “Nữ hoàng nhạc Twist” qua đời. Qua đó, với nhiều tình tiết, Trần Trung Sáng cũng phản ánh cuộc chiến tranh khốc liệt dưới cái nhìn của người đô thị.

Trần Trung Sáng lần đầu tiên bước vào lĩnh vực tiểu thuyết, nhưng anh tỏ ra tin tưởng vì thông qua số phận một nghệ sĩ sân khấu như Túy Phượng, cả một xã hội các đô thị miền Nam trong chiến tranh và các sinh hoạt văn nghệ thời đó lại được tái hiện với những gương mặt sáng danh một thời với Túy Phượng như Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh…

Nói như một nhà phê bình văn học: Viết tiểu thuyết là công việc “tổ chức đánh cướp ngân hàng”, cần những tính toán chi li, sức làm việc dài hơi… Trần Trung Sáng lại có sẵn những tố chất đó, nên hy vọng cuốn sách sẽ lôi cuốn được người đọc. Tặng sách cho những người thân, Sáng nói vui: “Coi như năm nay tôi ăn Tết cùng... “Nữ hoàng nhạc Twist” vậy!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG
;
.
.
.
.
.