.

Bắt đầu từ niềm vui công chúng

.
“Sân cỏ thêm nhiều khán giả”, còn lời chúc nào thiết thực hơn với bóng đá Việt Nam lúc bóng vừa lăn vào mùa giải mới! Hắt hiu các khán đài trống vắng qua mấy vòng đầu, lơ thơ người hâm mộ vây quanh những cuộc đàm đạo hào hứng chiều tà trước các cổng sân vận động, hình ảnh ấy khác xa không khí sôi động đông vui lúc trái bóng bắt đầu lăn ở nhiều mùa giải năm nào.
 
Mô tả ảnh.
Chất nồng nhiệt xem chừng nguội lạnh, những háo hức trông chờ dường như không còn nữa, trách sao được khán giả bây giờ! Họ có quyền chọn lựa nơi chốn để tin yêu. Và vào lúc sân cỏ trong nước không cung cấp được cho họ niềm hứng khởi cần thiết thì chuyện khán giả tìm đến với các giải vô địch ở châu Âu qua các kênh truyền hình là điều làm sao tránh khỏi. Ở đó , họ tìm thấy niềm vui đích thực, tìm thấy cảm hứng ngồn ngộn từ vẻ đẹp của môn thể thao vua. Ở đó, họ ít khi thất vọng hoặc nhận ra mình phung phí oan uổng thời gian cho những vở kịch ỡm ờ trên sân bóng.

Khán đài kín khán giả, người hâm mộ không quay lưng với trái bóng quê mình, mỗi vòng đấu là mỗi vòng chất chứa mê say, hồi hộp, còn gì hạnh phúc bằng cho sân cỏ V-League, hạng Nhất quốc gia mùa này! Lời chúc ấy không dành cho các quan chức vốn xem bóng đá như phương tiện tiến thân, coi thường công lao, sức lực cầu thủ, bỏ ngoài tai ước muốn chân thành của người hâm mộ. Lời chúc như tâm huyết của người hâm mộ thao thức với hình ảnh chững lại của bóng đá xứ sở năm qua, càng nhìn càng thấy cuộc chơi ngày càng lún sâu vào cái ao làng chật hẹp hoặc quanh quẩn bên đồng tiền và danh vị phù phiếm. Lời chúc ấy khán giả dành riêng cho chính mình và cho những ai tâm huyết với trái bóng quê mình.

Một đúc kết khá thao thức vừa được một trong những chuyên gia có tiếng đưa ra mang giá trị cảnh báo: Những người làm bóng đá bây giờ ít chăm chút tài năng chuyên môn, quá ỉ lại vào sức mạnh đồng tiền. Họ dùng bóng đá như bàn đạp khuếch trương thanh thế, quảng bá thương hiệu, rất hiếm người mất ăn mất ngủ vì chất lượng bóng đá xứ mình thụt lùi hoặc kém xa bè bạn. Họ chỉ lồng lên cay cú khi cái danh cá nhân bị ai đó tìm cách vượt mặt, uy tín thương hiệu mình đứng trước nguy cơ sứt mẻ.
 
Trong nhiều trường hợp, giải pháp duy nhất của họ để vượt qua các khó khăn về chuyên môn là dựa vào sức mạnh của đồng tiền. Không gian “ăn xổi ở thì”, môi trường làm bóng đá không dựa trên sức mạnh tự tạo dự phần rất nhiều vào việc tạo ra một V-League thiếu sức sống và một giải hạng Nhất thầm lặng trôi qua trong sự thờ ơ của công chúng. Các vòng đấu thiếu vắng tính cạnh tranh đến ngôi vị cao nhất (trụ hạng với V-League, lên hạng với giải hạng Nhất là mục tiêu tối thượng), cầu thủ tìm chiến thắng vì nghĩ đến mớ tiền thưởng của ông bầu nhiều hơn hướng đến niềm vui hồn nhiên của khán giả, đến các giá trị truyền thống, mong làm sao được những pha bóng giàu hứng khởi, những bàn thắng ngoạn mục!
 
Trong thế lấn lướt của các “đại gia làm bóng đá không vì bóng đá”, nhiều quan chức điều hành cũng làm việc trong thế cho xong việc, chú mục vào sự tròn trĩnh, tránh để lại tì vết, sự cố, còn đâu thời gian cho sáng tạo, cách tân. Lời cảnh báo về một nền bóng đá không hồn, thiếu sức sống khởi đi từ các mùa giải thiếu tính cạnh tranh và từ cách làm bóng đá không đặt trên nền tảng khoa học, bài bản, không trông cậy vào sự tiếp sức của công chúng thật đáng suy ngẫm.

Hãy bắt đầu từ niềm vui của công chúng, để ý nhiều hơn đến ý nguyện của họ mỗi lúc ra sân, mỗi bận toan tính tăng cường nội lực! Chỉ khi biết coi trọng buồn vui khán giả, biết làm bóng đá bằng niềm say mê chân chất, không vụ lợi, không chạy theo cái danh phù phiếm, mùa giải mới hy vọng tìm lại chất hào hứng sôi động ngày nào. Khi ấy, các khán đài từ Nam chí Bắc may ra mới kín chỗ vào dịp cuối tuần.

Đình xê
;
.
.
.
.
.