.

Phương án năm nay có gì mới?

.

Năm nào cũng bị tai trời ách nước giáng xuống nên người miền Trung nói chung, Đà Nẵng nói riêng, có thừa kinh nghiệm phòng, chống lụt bão (PCLB). “Kịch bản” PCLB tuy không thay đổi gì nhiều qua các năm kế tiếp nhau, nhưng năm sau bao giờ cũng rút kinh nghiệm năm trước và đề ra những cái mới thiết thực để giảm thiểu thiệt hại về người và của khi thiên tai xảy ra.

Mô tả ảnh.
Từ khi có bờ kè, sông Túy Loan hết tình trạng sạt lở mỗi khi lũ về.

Ứng phó với “họng lũ” Cu Đê

Sông Cu Đê được xem là “họng lũ”, tác nhân gây nên ngập lụt tại các thôn Trường Định, Quan Nam 2, Quan Nam 5, Quan Nam 6 và một phần thôn Trung Sơn của xã Hòa Liên - một trong những địa phương thấp trũng nhất huyện Hòa Vang. Bà Trần Thị Kim, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, trước kia gần như dân Hòa Liên không biết đến chạy lũ, khi bão số 6 (Xangsane) năm 2006 xảy ra, bà con mới thấy “thủy thần” dữ dằn đến mức nào. Các năm sau đó, một phần do bà con xây nhà cao ứng phó với lũ, một phần do có chạy bão, chạy lũ, nhưng lũ không lớn nên một số người đâm ra chủ quan.

Năm ngoái, nhận lệnh báo động trước bão số 9 (Ketsana) cuối tháng 9, bà Kim nhớ lại, xã xuống vận động thì có 3 hộ ở thôn Quan Nam 5 và một hộ ở thôn Trường Định không chịu đi. Tất cả đều chủ quan, cho rằng nhà mình cao, lụt làm chi lên tới được. Không ngờ, lũ xuống cái rầm, tứ bề nước giăng. Đến lúc đó mới hoảng hồn, gọi điện thoại đi khắp nơi kêu cứu. Cũng may là nước chỉ ngập trên sàn nhà khoảng 1,5m rồi từ từ rút, nếu lên nữa thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra?!

Năm nay, phương án PCLB ở Hòa Liên có mấy nét mới. Trong xã có nhiều hộ mới mua xe tải, Ban Chỉ huy PCLB xã lập danh sách các chủ xe, có lệnh là xuống các “điểm nóng” đưa dân lên vùng cao. Đặc biệt, cầu Trường Định vừa thông xe kỹ thuật hôm 6-10 vừa rồi, nếu bão xảy ra sẽ cho xe đưa 986 nhân khẩu người dân Trường Định về các trường học ở thôn Quan Nam 1 bên kia sông Cu Đê.

Phường Hòa Hiệp Nam nằm ở cuối sông Cu Đê, chỉ có 2 điểm ngập lụt nhưng có đến 888 hộ bị ảnh hưởng, nhiều nhất quận Liên Chiểu. Ông Lê Duy Du, Chủ tịch UBND phường cho biết, đoàn ghe 15 chiếc của HTX Vận tải đường sông sẵn sàng “ứng chiến” để sơ tán người dân nếu lũ về. Ở tổ 44 ngay bên cửa sông Cu Đê có 18 hộ nằm trong khu vực bị nước biển trực tiếp xâm thực, đã được UBND thành phố phê duyệt phương án di dời lên khu dân cư Xuân Thiều trong thời gian tới, khi cơ sở hạ tầng nơi đây hoàn thiện. Trước mắt, ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết, quận đã xây dựng phương án PCLB đối với các hộ này, khi có thông báo sơ tán thì chuyển 8 hộ về các phòng trống của Đồn Biên phòng 244 cũ, động viên 10 hộ còn lại về tá túc tạm thời ở nhà người thân của mình.

Vẫn phòng là chính

Hai vấn đề đang lo ở Liên Chiểu

Về phương án PCLB của quận Liên Chiểu năm nay, ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó Chủ tịch UBND quận, lo lắng hai vấn đề.

Thứ nhất, cầu Nam Ô đang thi công, khi bão, lũ về, nếu không kịp di dời các sà-lan và thiết bị thi công thì dòng chảy sẽ bị thu hẹp, thêm các loại củi rều từ thượng lưu đổ xuống, sẽ dẫn đến nguy cơ vỡ cầu hoặc sà-lan đánh vào nhà dân. Ban Chỉ huy PCLB quận đã mời đại diện đơn vị trực tiếp thi công cùng họp bàn phương án phòng chống nguy cơ này, nhưng phía thi công cầu vẫn chưa tỏ thiện chí.
Thứ hai, Khu đô thị Quan Nam - Thủy Tú đã đổ đất san lấp mặt bằng nhưng còn 65 hộ ở Thủy Tú (chưa kể Quan Nam) chưa di dời. Lũ mấy năm trước, ở đây ngập sâu từ 1,2 - 1,5m, năm nay có khả năng sẽ ngập sâu hơn vì không có lối thoát nước.
LÊ HUỲNH (ghi)

Ông Huỳnh Văn Thới, Trưởng phòng NN-PTNT, Thường trực Ban Chỉ huy PCLB huyện Hòa Vang kể, mấy năm trước, một thuê bao di động gọi vào đường dây nóng của UBND thành phố báo rằng Hòa Liên bị ngập hết. Trực đường dây nóng gọi về Ban Chỉ huy PCLB huyện Hòa Vang, huyện đánh xe lên thì không thấy nước non gì, gặp một nhóm thanh niên ngồi nhậu tưng tưng, mặt mày đỏ gay như Quan Công. Đi tìm nguồn cơn, mới hay trong nhóm có người uống “đã” quá, nổi hứng rút “dế” ra, giọng rất anh chị: “Bay có đứa mô dám gọi cho đường dây nóng không? Tau gọi đây!”. Tin thất thiệt bắt đầu từ đó.

Trước mùa mưa bão năm nay, Ban Chỉ huy PCLB huyện Hòa Vang đã lấy số điện thoại (cả để bàn lẫn di động) tất cả cán bộ chủ chốt 11 xã, bí thư chi bộ, thôn trưởng 118 thôn trên địa bàn. Như thế, khi thiên tai xảy ra, sẽ nhanh chóng kiểm tra thông tin, biết được tình hình thực tế từng thôn, khắc phục được tình trạng tung tin đồn thất thiệt. Thêm vào đó, theo ông Thới, địa bàn Hòa Vang có nhiều công trình đang thi công nên năm nay khó đoán biết được mức nước lũ từng nơi như thế nào, danh sách điện thoại này sẽ giúp các lực lượng PCLB nhanh chóng nắm bắt tình hình để đưa ra những giải pháp ứng phó, cứu hộ kịp thời nhằm giảm thiểu thiệt hại từ thiên tai.

Nhiều công trình thi công trên địa bàn cũng là nguyên do để Ban Chỉ huy PCLB và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng đưa ra mực nước lũ báo động mới.

Trước đây, mực nước tương ứng với cấp báo động 3 tại Trạm Thủy văn Cẩm Lệ trên sông Cẩm Lệ được quy định là 1,70m; khi nước lũ dâng cao 1,60m trên báo động 3 thì sẽ phát lệnh sơ tán dân vùng thấp trũng (1,70m + 1,60m = 3,30m). Ngày 10-5-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 632/QĐ-TTg về việc quy định mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ trên các sông thuộc phạm vi cả nước. Theo đó, mực nước tương ứng với cấp báo động 3 tại sông Cẩm Lệ là 2,50m.

Ông Văn Công Lưỡng, Trưởng phòng PCLB - Chi cục Thủy lợi và PCLB thành phố Đà Nẵng cho hay, do trên địa bàn có nhiều nơi san lấp mặt bằng dẫn đến nước lũ có thể lên rất nhanh, nên phương án PCLB năm nay đã đưa ra mực nước để sơ tán dân là 0,50m trên báo động 3 mới (2,50m + 0,50m = 3m), nghĩa là thấp thua mức cũ 0,30m. Ông Lưỡng nhận định, mức nước mới này sẽ giúp cho các nơi chủ động được việc sơ tán dân đến nơi an toàn, tránh tình trạng trở tay không kịp khi nước lũ dâng lên quá nhanh.

Theo nhận định sơ bộ của Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Trung Trung bộ, “năm nay có từ 6-7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, trong đó có từ 2-3 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến Đà Nẵng. Trên các sông ở Đà Nẵng có khả năng xuất hiện 3-4 đợt lũ, hầu hết xuất hiện từ giữa tháng 9 đến đầu tháng 12”. Các lực lượng PCLB ở Đà Nẵng luôn ở vào vị trí sẵn sàng “tác chiến”. Không thể nói trước được gì với thiên tai, phương án PCLB dù có mới thế nào thì cũng vẫn lấy phòng là chính – ông Văn Công Lưỡng nhấn mạnh.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.