.

Cảm xúc Hà Nội

.
Hà Nội đêm nay lung linh muôn sắc màu, Tháp Rùa thâm nghiêm cũng lộng lẫy trong muôn hồng ngàn tía. Thành phố nghìn năm tuổi trở nên khác lạ trong những cung bậc âm thanh sôi động đang lan tỏa trên phố phường, trên những khuôn mặt hân hoan, những nụ cười rạng rỡ của bao người.

Mô tả ảnh.
Lung linh Hồ Gươm trong Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. (Ảnh tư liệu)
 
Hà Nội nơi hội tụ của tinh hoa ngàn năm, đất linh thiêng bao đời, nơi mỗi ngôi nhà, góc phố cũng gợi lên bao kỷ niệm, cũng mang trong mình những dấu ấn tiền nhân, đêm nay như không ngủ. Một không gian lịch sử văn hóa trải qua bao biến thiên thời cuộc vẫn hiện hữu khí phách kiêu hùng của một thời khai hoang mở cõi, của một vùng địa linh nhân kiệt, nơi muôn đời con dân đất Việt vẫn hướng về như hồn thiêng sông núi.

Nhà thơ Chế Lan Viên có lý khi viết: “Nơi ta ở chỉ là nơi đất ở, nơi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Hà Nội đấy, cuộc sống muôn màu giữa chen chúc và chật chội, giữa kẹt xe và khói bụi của con đường phát triển, Hà Nội của ồn ào và xô bồ trong bon chen thời mở cửa, Hà Nội của “cháo quát” và “phở chửi”, của những mệt mỏi mỗi sớm mai ra đường, mỗi buổi chiều tan sở nhưng rồi thật khó để người ta xa mảnh đất này. Hà Nội đấy, vẫn còn đây những mái nghiêng nhà cổ, vẫn còn kia những con đường mướt xanh bóng sấu, có “cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ” để một ai đó “vội vã ra đi” lại “vội vã trở về cùng tháng năm xưa”.

Nơi tôi sinh Hà Nội. Thành phố ký ức tuổi thơ trong tôi là tiếng tàu điện leng keng từ cửa ô Cầu Giấy, bên đền Voi Phục vào Bờ Hồ, là cây gạo thả hoa đỏ chói bên bờ đê, lũ trẻ chúng tôi vẫn đi tìm những hạt li ti như hòn bi chơi trò chi chi chành chành, là tiếng gầm rú của B52 trong những ngày tháng chạp năm 1972 đỏ lửa, là những khu tập thể nghèo nàn rêu mốc, nơi người ta nuôi lợn trong nhà tắm, dì tôi lạch xạch cả đêm bên chiếc máy khâu cũ kỹ may áo quần gia công nuôi gia đình thời bao cấp. Hà Nội đấy, trong tôi ký ức ngày chia xa, những đứa trẻ thút thít trong tiếng còi tàu ga Hàng Cỏ.

Đã bao lần tôi trở về Hà Nội, khi tôi không còn được gọi là người Hà Nội. Những lối cũ, hồn xưa cũng khác xa rồi. Hà Nội hôm nay bao khuôn mặt mới trong những ngôi nhà mới, nhịp điệu thành phố cũng nhanh hơn trên những con phố hẹp, từng tấc đất Hà Nội đã biến thành bạc, thành vàng, Hà Nội dường như trở thành nơi để người ta bon chen kiếm sống làm giàu, để tìm cơ hội và khẳng định mình.
 
Nhưng vẫn còn đấy, một Hà Nội của con phố Phan Đình Phùng, Trần Phú rợp bóng cây, những hàng sấu sang hè trĩu quả mà mỗi lần trở về tôi phải một lần dạo qua, còn đấy một Hồ Gươm có cây lộc vừng nôn nao trong bao nỗi nhớ, có triền đê Yên Phụ giờ đã đẹp hơn với con đường gốm sứ, Hà Nội vẫn có mùa thu với cốm Vòng, còn quả hồng chín đỏ, nải chuối vàng, những người phụ nữ thôn quê chở hoa đi trên phố như nét duyên của một thời quá vãng.

Bao người đi xa đã nhớ
Những con đường rất xanh của Hà Nội,
Những cây bàng, cây me, cây cơm nguội,
Những con đường ngoại ô nắng chói,
Những con đường đầy hoa tháng sáu hè sang
                                                              (Dương Thụ)

Thành phố nơi tôi ở bên bờ sóng giờ cũng mướt xanh bóng sấu, cũng thơm nồng hoa sữa, cũng đã hình thành nên những khu dân cư của cư dân Hà Nội đến sinh cơ lập nghiệp, rồi sẽ có quán Hà Nội, có cà-phê phố cổ, có những đồ ăn thức uống của đất Hà thành. Nhưng tôi biết sẽ chẳng bao giờ có một không gian đích thực của Hà Nội, sẽ chẳng bao giờ có hương thơm nhẹ nhàng của hoa sữa chớm thu. Và như thế, vẫn biết bao người “vội vã trở về” dù “vội vã ra đi”.

Về “để nghe gió sông Hồng thổi, để thương áo len cài vội một chiều đông rét mướt”, và nỗi nhớ vẫn muôn đời như thế...

 Hà Nội, đêm tháng 10-2010

Trà Xuân Phương
;
.
.
.
.
.