.

Chôn chân trên những sòng bài

.
Thời gian bên ngoài giảng đường đã được không ít sinh viên (SV) dành trọn cho... trò đỏ đen.

Mô tả ảnh.
Không hiếm nữ SV trở thành con bạc.
 
Cận cảnh chiếu bài S.V

Theo chân V.B (năm 3 khoa Điện-ĐH Bách khoa Đà Nẵng), tôi đến với một chiếu bài SV. Lúc chúng tôi vào, căn phòng chưa đầy 12m2 đã lờn vờn mùi khói thuốc lá, dưới sàn nhà vương vãi mấy cái tô bẩn dính vài sợi mỳ tôm. 4 SV đang ngồi quanh chiếu “tiến lên”, 2 SV khác đứng xem. Không ai nói với ai lời nào. Xong một ván, hai người thua phải bỏ ra 30 nghìn đồng. B. quay sang bảo tôi: “Chừ tụi nó mới xin được tiền ba mẹ nộp học nên mới đánh “mạnh”, chứ thường ngày đánh bằng nửa khoản này thôi”. Thỉnh thoảng, trong chiếu bài lại văng ra vài câu chửi tục khi người đánh bị lỡ nước bài. Tôi thắc mắc: “Không sợ công an hay chủ trọ sao?”. B. cười khẩy: “Trong hẻm mà! Đánh vài chục thì công an nào vào”. Theo B., sàn này “họp” từ sáng tới giờ, thi thoảng mới chơi đêm.

Những sòng bài tương tự thường hoạt động mạnh nhất vào ban ngày. Cũng có chu kỳ hoạt động “tăng ca” ban đêm vào những dịp dày “đạn” như sau Tết Nguyên đán hoặc ở quê mới ra. Chiếu bạc chỉ tàn khi có một trong các SV cùng chơi hết tiền, còn không, ai mệt có thể nghỉ, ăn uống lấy sức rồi lại “chiến đấu” tiếp. Nếu gặp lúc có nhiều “con bạc” đứng chờ thì bán chỗ kiếm mấy đồng gỡ gạc.

 Chuyện SV làm bạn với bài bạc đã trở nên phổ biến. Lý do tìm đến bài bạc của từng người cũng rất khác nhau: Có thể do có máu mê cờ bạc, để giết thời gian, hoặc vì thiếu tiền… Có những lý do hết sức nực cười như của T.T (SV ĐH Sư phạm Đà Nẵng): “Hồi đó vào mùa thi, mấy anh em trong xóm học bài khuya nên rủ đánh bài kiếm chút gì ăn khuya, ai thua trả tiền. Vài lần rồi thành ghiền đến chừ”.

Nữ  SV cũng “xòe quạt”

Không chỉ có nam SV làm bạn với “bác thằng bần”, mà trong số đó còn có một lực lượng không nhỏ là các nữ SV.

Quán cà-phê Bảo Bảo trên đường Tôn Đức Thắng (đối diện cổng Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng) là địa chỉ yêu thích của T.L.V (SV Trường CĐ Kinh tế-Kế hoạch Đà Nẵng). Người ta thường xuyên bắt gặp sự có mặt của V. và nhóm bạn nữ đến đây để chơi bài. V. cho biết: “Khi nào cao hứng bọn mình mới chơi tiền, nhưng không nhiều, chỉ 2-3 ngàn đồng một ván thôi. Cả buổi ai đen đủi lắm cũng chỉ mất 50 ngàn đồng là cùng. Còn lại bọn mình thường chơi bài để chia người trả tiền cà-phê thôi”. 

Không rôm rả như nhóm bạn của V., nhưng nhóm của T.H (đang trọ học trên đường Phạm Như Xương - Liên Chiểu) cũng thường xuyên lên chiếu bạc. Thậm chí, theo H., ngày nào không đụng đến quân bài thì y như ngày đó chân tay lóng ngóng, làm việc gì cũng không xong. H. cho biết, công việc đầu tiên của H. sau vệ sinh răng miệng mỗi sáng là cầm bài bói xem ngày hôm nay mình thế nào. Cũng từ chỗ bói toán mà H. đâm ra thích chơi bài lúc nào không hay. Các công việc thường ngày như giặt quần áo, đi chợ, nấu ăn của H. và bạn cùng phòng thường xuyên được phân công trên chiếu bài. Thỉnh thoảng thì rủ thêm bạn bên phòng sang chơi cho đủ hội ăn chè, ăn ổi…

Các chiếu bài SV rải khắp các quán cà-phê cóc, các khu trọ. Ng.Th (ĐH Bách khoa Đà Nẵng) kể: “Hồi trước mình ở trọ ngay sau quán cà-phê. Cứ ngủ dậy là nghe tiếng bài đập chan chát trên bàn nên ức chế, chịu không nổi đành phải chuyển trọ”. Trong lớp Th. có không ít SV đến lớp với đôi mắt lờ đờ hoặc bỏ học vì đánh bài. Vậy mà họ vẫn cứ chơi.

Nguyễn Trường Trung
;
.
.
.
.
.