.

Chiếc gậy cho người già

.

Để đứng vững trong cuộc sống, người già vin vào sự chăm sóc của người thân và xã hội, trong đó một số chính sách nhân văn sẽ giúp họ vơi đi nỗi cô đơn tuổi già và vui sống với cuộc đời xế bóng.

Người già tự bảo hiểm

Những hoạt động như lễ mừng thọ sẽ giúp cho NCT vơi đi nỗi cô đơn tuổi già.  

Sau khi chia tách, Hội Người cao tuổi (NCT) phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu có 1.004 hội viên sinh hoạt tại 5 chi hội với tổng quỹ hội vẻn vẹn 38 triệu đồng. Với số tiền quá ít ỏi này, làm sao có thể làm tốt được các hoạt động chăm sóc hội viên như tổ chức mừng thọ các cụ tròn 70, 75 tuổi ngày một nhiều (các cụ tròn 80 tuổi trở lên do UBND phường, quận và thành phố mừng thọ), thăm viếng hội viên gặp ốm đau, hoạn nạn hoặc chia buồn, phúng viếng khi các cụ chẳng may qua đời?... Ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch Hội NCT phường nhớ lại: Muốn giải bài toán khó này, không còn cách nào khác ngoài việc vận động xây dựng nguồn quỹ riêng để chăm sóc NCT tại chỗ.

Qua 5 năm vận động, tính đến cuối quý 1-2010, Quỹ NCT của Hòa Hiệp Nam đã đạt con số cao bất ngờ: 523 triệu đồng, trong đó các nhà hảo tâm ủng hộ 255 triệu đồng; hội viên đóng chân quỹ hội, lãi từ ngân hàng và dịch vụ khác 268 triệu đồng. Có một tổ hội và 3 chi hội có số quỹ cao nhất. Tổ hội 1 Thạch Sơn trước đó tự vận động làm một số công trình công cộng, khi giải tỏa, được đền bù 100 triệu đồng, các cụ bàn nhau gửi vào ngân hàng để lập quỹ hội. Chi hội Xuân Thiều tổ chức dịch vụ tang lễ phục vụ hội viên và người ngoài, thu được 118 triệu đồng đưa vào quỹ hội. Chi hội Nam Ô 2 thu quỹ được 110 triệu đồng, và cao nhất là Chi hội Nam Ô 1 với 170 triệu đồng.

Có được nguồn quỹ kha khá, công tác chăm sóc NCT ở Hòa Hiệp Nam trở nên dễ dàng, hiệu quả hơn, cụ thể như tăng giá trị suất quà thăm viếng người ốm đau, hoạn nạn; từ nguồn hỗ trợ của UBND phường và sự giúp đỡ của các tổ chức nhân đạo từ thiện trong và ngoài nước, tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí cho gần 700 lượt hội viên NCT, trong đó ưu tiên cho các cụ thường xuyên ốm đau, có hoàn cảnh khó khăn và chưa có bảo hiểm y tế. Tất cả NCT trong phường, không phân biệt đã hội viên hay chưa, khi qua đời đều được hỗ trợ một xe đưa tang và lễ vật phúng điếu trị giá 700 nghìn đồng. Riêng ở Chi hội Nam Ô 1 thì bất kể ai, từ người trẻ đến người già, đều được hưởng “chế độ” hỗ trợ này.

Người già, trước khi được xã hội quan tâm, đã tìm cách “bảo hiểm” cho chính mình, trong đó không ít cụ có con cháu hiện ăn nên làm ra và những người này đã không ngần ngại trở thành nhà hảo tâm cho các hoạt động chăm sóc cho chính người thân của mình.

Nếu Quỹ NCT của phường Hòa Hiệp Nam là tự thân vận động thì Quỹ Chăm sóc NCT ở phường Hòa Minh được thành lập dựa vào phong trào toàn dân chăm sóc NCT với mức đóng góp tự nguyện mỗi hộ từ 5.000 đồng trở lên. Là địa phương đầu tiên của quận Liên Chiểu triển khai thành lập quỹ, đến nay Hòa Minh đã thu được ở 23 chi hội gần 90 triệu đồng, trong đó chi hội NCT Trung Nghĩa 1-4 có số thu gần 43 triệu đồng. Điều gì đã giúp cho chi hội này với chỉ 121 hội viên (cả phường có gần 1.500 hội viên) lại có nguồn quỹ cao ngất ngưỡng đến vậy?

Ông Phạm Văn Mợi, Chủ tịch Hội NCT phường Hòa Minh, giải thích: “Tất cả là do công của anh Chi hội trưởng Nguyễn Thành Long. Anh lấy nhà của mình làm nơi sinh hoạt của NCT trong chi hội, mở cửa thường xuyên để hội viên đến đọc sách báo, chơi cờ tướng, tập thể dục dưỡng sinh, rèn luyện sức khỏe trên máy đa năng, chữa bệnh bằng máy ion... Thấy anh nhiệt tình bỏ tiền túi ra hơn 10 triệu đồng để mua các loại máy móc phục vụ mình, hội viên nhiều người đóng quỹ từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng. Nhờ đó, chỉ trong năm 2009 đã có tới 225 lượt hội viên chi hội được 6 lần đi tham quan du lịch”.

Bảo hiểm cho người già

Với mong ước NCT Chi hội Trung Nghĩa 1-4 ai cũng có sức khỏe tốt, ông Nguyễn Thành Long bỏ tiền nhà mua sắm máy móc, thiết bị. 

Theo số liệu của Sở Lao động-TB&XH thành phố, Đà Nẵng hiện có 6.844 người tuổi từ 85 trở lên, 1.177 người tuổi từ 60 trở lên không nơi nương tựa, 44 người già bị tàn tật nặng. Tất cả đều được hưởng trợ cấp hằng tháng theo Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13-4-2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, từ thực tế địa phương, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 19/2008/QĐ-UBND ngày 17-3-2008 với một số chính sách trợ giúp cao hơn (so với Nghị định 67) đối với một số đối tượng.

Theo Quyết định 19, NCT cô đơn không nơi nương tựa ở Đà Nẵng được trợ cấp hằng tháng 150 nghìn đồng thay vì mức 120 nghìn đồng như Nghị định 67. Về mức trợ cấp hằng tháng cho người từ 85 tuổi trở lên không có lương hưu hoặc trợ cấp BHXH, theo Nghị định 67, là 120 nghìn đồng/người; nhưng theo Quyết định 19, mỗi tháng, người từ 85 tuổi đến 94 tuổi được trợ cấp 120 nghìn đồng, từ 95 đến 99 tuổi được trợ cấp 200 nghìn đồng, trên 100 tuổi được trợ cấp 300 nghìn đồng.

Mới đây, ngày 27-2-2010, Chính phủ ban hành Nghị định 13/2010/NĐ-CP, mở rộng thêm đối tượng được hưởng bảo trợ xã hội với mức cao hơn khoảng 50% so với quy định cũ tại Nghị định 67. Theo đó, người từ 85 tuổi trở lên không có lương hưu hoặc trợ cấp BHXH sẽ được trợ cấp hằng tháng 180 nghìn đồng thay vì 120 nghìn đồng như Nghị định 67.

Bà Kiều Thị Thanh Trang, Quyền Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động – TB&XH thành phố Đà Nẵng) cho biết, chiều ngày 15-6 vừa qua, tại buổi làm việc với Sở Lao động – TB&XH, Sở Tài chính và Sở Tư pháp, UBND thành phố đã thông qua kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 13, tất cả các đối tượng sẽ được truy lĩnh tiền trợ cấp từ ngày 1-1-2010. Theo bà Trang, thành phố chi mỗi năm hơn 30 tỷ đồng cho Quyết định 19, nay thực hiện Nghị định 13 sẽ phải chi thêm mỗi năm 10 tỷ đồng nữa.

Quyết định 19 đã thể hiện chính sách xã hội đầy tính nhân văn của thành phố Đà Nẵng, giải quyết khó khăn và đem lại an sinh cho hàng loạt các đối tượng. Khi Nghị định 13 được triển khai thực hiện, người già sẽ được sống vui, sống khỏe, sống có ích hơn trên chiếc gậy nhân văn mà xã hội tặng cho mình.

VĂN THÀNH LÊ

 

 

;
.
.
.
.
.