.
Chuyện xưa xứ Quảng

Đô đốc Long và mùa xuân Thăng Long xưa

.

Chiều mồng 5 Tết Kỷ Dậu, 1789, khi tiết xuân đang se lạnh, có một dũng tướng chiến bào còn vương mùi thuốc súng, cưỡi voi dẫn đầu đoàn quân ra đón Hoàng đế Quang Trung vào thành Thăng Long đang ngập trong hoa đào và chiến thắng.

Nghệ nhân Võ Thị Thuận (giữa) biểu diễn trống trận Quang Trung tại Bảo tàng Quang Trung, Bình Định. (Ảnh minh họa của VTL). 

Đó là Đô đốc Long. Theo Nguyễn Khắc Thuần (trong Danh tướng Việt Nam - tập 3) thì Đô đốc Long là Nguyễn Tăng Long, người Quảng Ngãi. Theo Thượng tướng Hoàng Minh Thảo (trong Almanach Những nền văn minh thế giới, trang 169) thì đó là Đô đốc Đặng Tiến Đông, quê Hà Tây. Theo Nguyễn Q.Thắng (Quảng Nam – Đất nước và Nhân vật) thì đó lại là Lê Văn Long, con trai của Thủ tài hầu Lê Văn Thủ, người làng Phú Xuân Trung (Trường Xuân), huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa, đạo Quảng Nam; nay thuộc phường Trường Xuân, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Cuộc tiến quân thần tốc

Ngày 20-11 năm Mậu Thân (16-12-1788), hơn 20 vạn quân Mãn Thanh dưới sự chỉ huy của Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị tiến chiếm thành Thăng Long. Nhận thấy lực lượng của mình còn mỏng (chỉ độ 8.000 quân), Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân phải lui binh để bảo toàn lực lượng, về án ngữ ở núi Tam Điệp và cấp báo vào Phú Xuân cho Nguyễn Huệ.

5 ngày sau, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, trở thành vua Quang Trung, kéo đại quân ra Bắc. Đầu tháng chạp, đến Tam Điệp, nhà vua cho quân nghỉ ngơi để chuẩn bị tiến vào giải phóng Thăng Long. Vua chia quân làm 5 đạo với hai lực lượng cụ thể. Lực lượng bao vây gồm hai đạo: một đạo theo đường thủy tiến vào sông Hồng, mai phục ở các điểm xung yếu để đánh chặn đường rút quân của địch; một đạo (do Đô đốc Tuyết chỉ huy) theo sông Hồng tiến vào đánh phá Hải Dương sau đó hội cùng các cánh quân khác bao vây Thăng Long.

Lực lượng tiến công gồm ba đạo. Đạo thứ nhất do vua Quang Trung trực tiếp chỉ huy, có các tướng làm tiên phong và hậu quân, đánh trực diện vào Thăng Long. Đạo thứ hai do Đô đốc Bảo chỉ huy, đi phía bên trái của đạo chính diện có nhiệm vụ hỗ trợ cho hai đạo hữu quân và tiêu diệt tàn quân Thanh chạy trốn. Đạo thứ ba do Đô đốc Long chỉ huy, là đạo quân đặc biệt có nhiệm vụ thọc sâu, tiêu diệt đồn Khương Thượng rồi đánh vu hồi vào Thăng Long, làm cho các mặt trận của địch hoang mang, chóng tan rã. Sự thành bại của chiến dịch phụ thuộc rất nhiều vào đạo quân này.

Ngày mồng 3 Tết Kỷ Dậu (28-1-1789), vua Quang Trung dẫn quân hạ đồn Hà Hồi trong khoảnh khắc. Sáng mồng 5 tiến công vây đồn Ngọc Hồi, trận đánh diễn ra rất khốc liệt do đây là đồn giặc lớn và đông quân nhất, có nhiều tướng giỏi (Hứa Thế Hanh, Trương Triều Long) lại được bố phòng cẩn thận có cả địa lôi, chông sắt, nên mãi đến trưa trận chiến mới kết thúc.

Tối mồng 4, Đô đốc Long đem quân vây đồn Khương Thượng, khiến tướng nhà Thanh là Sầm Nghi Đống phải treo cổ chết. Tiến nhanh về cửa Tây thành Thăng Long, Đô đốc Long vây gọn đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị, đúng lúc binh thuyền của Đô đốc Tuyết theo sông Hồng ồ ạt tiến vào bến Tây Long. Tôn Sĩ Nghị bỏ cả ấn tín mà chạy, quân Thanh tan tác, cầu phao qua sông Hồng bị gãy, xác quân giặc nghẽn cả nước sông.

Chiều mồng 5 Tết Kỷ Dậu, Hoàng đế Quang Trung tiến vào Thăng Long, Đô đốc Long từ trong thành cưỡi voi trận ra đón. Chiến dịch thần tốc giải phóng Thăng Long đã hoàn tất, toàn bộ 20 vạn quân Thanh và gần 10 vạn quân của Lê Chiêu Thống hoàn toàn tan rã.

Mùa xuân rực nét son vàng

Đô đốc Long (theo cách gọi của các nhà viết sử thời đó) là người chỉ huy đạo quân đặc biệt đánh vu hồi vào Thăng Long, góp phần quyết định cho chiến thắng mùa xuân năm Kỷ Dậu. Dù hiện vẫn còn nhiều tồn nghi về nhân vật lịch sử này, nhưng người dân phường Trường Xuân, thành phố Tam Kỳ vẫn nghĩ đó là Lê Văn Long, người con của quê mình. Ông là con của Thủ tài hầu Lê Văn Thủ, một trong những tướng tài của Tây Sơn.

Năm Quang Trung thứ hai (1789), Lê Văn Long được sắc phong là Võ tướng hữu quân tại Phú Xuân. Sắc viết (tạm dịch): “Sắc! Sắc phong Lê Văn Long ở xã Phú Xuân Trung, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa, người đã trải qua nhiều chiến trận, lắm công lao khó nhọc. Nay bổ giữ chức Võ tướng hữu quân để sai khiến việc quân. Nếu công việc trễ nải, thiếu cần mẫn sẽ theo quân pháp triều đình mà xử lý”. (Theo Nguyễn Q.Thắng và Nguyễn Bá Thế, trong Tự điển nhân vật lịch sử, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, trang 540-541).

Khi nhà Tây Sơn sụp đổ, tuy là võ quan nhưng ông vẫn được vua Gia Long lưu dụng trong quân đội. Năm 1820, đời Gia Long thứ mười tám, ông được Tổng trấn Bắc thành là Lê Chất cử thống lĩnh quân đội của Trấn Sơn Nam hạ (Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình). Con cháu ông vẫn tiếp tục phục vụ trong các triều đại nhà Nguyễn. Hậu duệ của ông là Lê Văn Cốc tham gia Nghĩa hội Quảng Nam, được cử giữ chức Đội trưởng Đội xung phong, đội quân được lãnh tụ Trần Văn Dư và Nguyễn Duy Hiệu lần lượt chỉ huy trực tiếp.

Ngày nay, mộ của Đô đốc Lê Văn Long còn ở phường Trường Xuân, các sắc phong và bài vị của ông được thờ tại từ đường Lê tộc ở phường Trường Xuân. Gì thì gì, người dân Trường Xuân nói riêng, Tam Kỳ nói chung vẫn tự hào về một người con xứ Quảng đã kiên cường cùng vua đánh đuổi giặc Mãn Thanh, làm nên mùa xuân Thăng Long rực nét son vàng trong lịch sử dân tộc.

LÊ THÍ

 

;
.
.
.
.
.