.

Lênh đênh nghề hến

.

Từ quốc lộ 1A đoạn qua thị trấn Nam Phước, theo đường liên xã đi về phía biển, qua khỏi ba-ra ngăn mặn trên sông Ly Ly thuộc xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, là gặp ngay làng Hến thôn An Lạc sát liền bên trái. Đó là một trong những làng nghề truyền thống của miền sông nước Duy Xuyên còn tồn tại đến ngày nay.

Làng nghề “sót” lại bên sông

Sông Ly Ly đã nuôi sống nhiều thế hệ người làng Hến An Lạc. 

Buổi trưa, làng Hến vắng người. Một đoạn bãi sông Ly Ly trải đầy vỏ hến, chứng tích cuộc mưu sinh nhọc nhằn dầm mình trên nắng, dưới nước của những thế hệ người dân nơi này. Mấy chiếc ảng to dùng để chao hến nằm chơ vơ cạnh những đống vỏ hến. Trong cái chòi nhỏ lợp lá dừa, bên cái lò nấu hến vừa mới tàn tro, chị Lê Thị Liễu sắp lại mấy gói hến và nước hến vào chiếc giỏ xách ni-lông, chuẩn bị ra chợ. Nghe tôi hỏi, một người đàn ông khoảng gần 50 tuổi từ trong nhà đi ra, giới thiệu tên là Nguyễn Văn Tư, một trong những người lớn tuổi còn bám nghề hến ở An Lạc.

Nghề hến xuất hiện ở An Lạc lâu rồi, không ai biết có từ bao giờ - ông Tư kể. Một thời gian cả làng nghỉ nghề do chiến tranh, sau hòa bình mới làm lại. Mấy ông già từ nhỏ đã lội sông cào hến như ông Đính, ông Quyến chừ cũng qua đời rồi. Cùng thời với các ông, trong làng chỉ còn mỗi bà Điểm, bà nhớ nguyên cả bài ca xưa nói về nghề hến, không biết nhan đề như thế nào, chỉ biết nó mở đầu bằng hai câu mà bất cứ người làng Hến nào cũng thuộc nằm lòng: Trời sinh ra cái nghề hến thậm no/ Cái ruột cũng bán, cái vỏ cũng bán, cái tro cũng có tiền.

Cả làng hiện có 14 hộ chuyên nghề cào hến, một số làm thêm nghề nông, chứ bu không nghề hến ni là thả tay – ông Tư nói gióng một. Trời lặng đi cào được, chứ chuyển trời một chút là hến rúc xuống sâu trong cát, không làm ăn chi được. Nói rồi, ông kéo chiếc cào xuống sát mé sông, sửa lại cái nịt cào để chuẩn bị cho cuộc “xuống sông” sáng hôm sau. Đi cào – ông bảo, nửa đêm hay nửa trưa, sớm hay muộn tùy theo con nước, nước cạn giờ nào thì đi giờ đó. Nước bình (nước lớn), hến nó nhẩm (trốn) sâu xuống dưới cát là chịu.

Xưa, toàn thân cái cào (có nơi gọi là cái nhủi) đều làm bằng tre. Cái nịt được làm bằng miếng tre bự choàng quanh thân cào, cái “lưới” để giữ hến, gọi là rẽ lường, làm bằng nan tre vót nhỏ. Cào bề ngang khoảng 80cm, người có sức thì làm cào lớn hơn. Lớn hay nhỏ tùy vào lúc bẻ nịt, bẻ càng rộng, cào càng to, và ngược lại. Cào tre để trên cạn thì khô, thả xuống nước lại nổi, nên mỗi lần găm xuống đáy sông rất cực. Chừ, cả nịtrẽ lường được thay bằng sắt, thả cào xuống nước nhẹ hơn xưa nhiều. Có điều, sắt dễ bị nước mặn làm gỉ rét.

Lội xuống sông, nước có khi phả ngang vai, có khi chỉ lúp xúp trên dưới đầu gối. Choàng ngang thắt lưng sợi dây cột hai đầu cái nịt, tay cầm cán cào, lắc đều lưng và tay trong lúc đi thụt lùi. Cào phớt, chỉ cho miệng cào “ăn” xuống khoảng 2cm trên mặt cát đáy sông; nếu sâu quá, vừa mất sức vì nặng, vừa bị đùn cát không rút cào lên được. Mỗi lần giở cào lên, không chỉ có hến mà lẫn lộn trăm thứ bà giằng: sạn, vỏ ốc, cây gỗ mục... phải lọc lấy riêng hến.

Gần đây, có một số người dùng ghe máy, nước sâu mấy cũng cào được. Mình cào thủ công, sâu lắm cũng chỉ phả vai – ông Tư nói, lút đầu thì mùa hè còn ráng được, chứ trời lạnh không chịu nổi: Tiết đông thiên anh cào dựa trên bờ/ Trên lạnh, dưới lạnh, mắt mờ, da nhăn. Hến ngày càng ít dần. Cũng không hẳn do cào máy mà hến tuyệt chủng. Theo ông Tư, mấy công ty dọc theo thượng nguồn Thu Bồn nói là khai thác đá, nhưng thực tế đi khai thác vàng, thải hóa chất xuống sông, cá tôm còn chết, huống chi hến. Sông Thu Bồn từ Cẩm Hà, Hội An, ngược lên thượng nguồn mấy năm trước hến không biết làm chi cho hết. 3-4 năm trở lại đây, hến bỏ đi biệt tăm. Hỏi nghề hến răng không bế tắc?!

Có lần, nghe ông Trịnh Sơn Hải, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Duy Xuyên kể, thời còn làm bên ngành Giáo dục huyện, ông từng lấy rổ xúc hến dọc theo kênh cấp 1 của trạm bơm thủy điện về lai rai rượu gạo với anh em giáo viên. Nay thì tìm đỏ mắt không ra một con.

Nghề xưa và câu ca cũ

Cả nhà làm hến (*)

Trời sinh ra cái nghề hến thậm no
Cái ruột cũng bán, cái vỏ cũng bán, cái tro cũng có tiền
Vợ ở nhà cào rác cho siêng
Chồng thời chẻ tre đan rổ liên miên tối ngày
Cào sưa (bắt hến to) cho chí những cào dày (bắt hến nhỏ)
Chẻ tre đan rổ không ngày tiện công
Ăn nhờ một chút nước sông
Đàn bà đi bán, đàn ông đi cào
Nửa đêm thức dậy lao xao
Bà đâu cháu đó, chồng nào vợ đây
Gà gáy đầu, lửa đỏ một giây
Chồng sàn, vợ đãi, con cầm cây đưa lò
Hai bên những gióng với vò
Nghề này không có ế đâu mà lo
Ông gia cào, rể nạy, con dâu gánh chạy hỏi ai mua hến không?
Công việc này, nó giặn (bận rộn) tợ như bông/
Nó có té ra một trăm, năm bảy chục, cũng đắp đổi ngày công thuốc chè(**)
Mấy lời anh dặn em nghe
Thịt heo, bánh đúc, muối mè em cũng làm lơ
Tiết đông thiên anh cào dựa trên bờ
Trên lạnh, dưới lạnh, mắt mờ, da nhăn.
Dãi dầu chồng đó, vợ đăng
Nó có té ra một trăm, năm bảy chục, họ cũng khen hai đứa mình.

(*) Đầu đề chúng tôi tạm đặt
(**) Hai câu này, theo bản của bà Trần Thị Út cung cấp, có khác: “Công chuyện làm không kịp Miếu Bông/ Ngày ba bữa chợ cũng đủ công thuốc chè”

Ông Tư nhìn ra khúc sông Ly Ly, con sông từ Hương An chảy ra, nhập với sông Thu Bồn dưới Duy Vinh, giọng chùng hẳn: Nghề quá cực, nhưng vì nồi cơm hằng ngày nên phải làm. Chỉ đàn ông mới đi cào, trong bài ca chép theo ký ức của bà Điểm có câu: Đàn bà đi bán, đàn ông đi cào. Ai có khỏe chi thì lội riết một chặp năm, sáu vòng là đớ giò.

Đây là vùng nước lợ. Qua đầu tháng chạp là hết hến, tới đầu tháng 3 lại có mùa hến lại. Hến đầu mùa còn nhỏ, dần dần mới lớn lên, nhưng thỉnh thoảng cũng cào được loại hến to còn sót lại từ năm trước. Hết hến thì làm thuê, ai kêu chi làm nấy, chứ biết kiếm nghề chi mà sống. Mấy hồ nuôi tôm, đúng ra là phải để cho hến có chỗ sinh sôi, nhưng có vốn thì họ đầu tư làm hồ. Một hồ 50-60 triệu đồng thì mình tiền mô, đành phải dầm mình trên nắng dưới nước kiếm cái ăn – giọng ông Tư đượm buồn.

Trời sinh ra cái nghề hến thậm no/ Cái ruột cũng bán, cái vỏ cũng bán, cái tro cũng có tiền. Câu ca nói quá lên một chút cho vui cuộc đời, chứ nghề hến, không ai giàu lên được. Đi khoảng 5 tiếng đồng hồ, về nấu được một chảo, quy ra được 3 lường ruột hến, hiện nay mỗi lường bán được 25 nghìn, vị chi cả thảy 75 nghìn đồng. Trong đó còn công của phụ nữ nấu, đãi, rồi tiền củi lửa nữa... Vỏ hến bán cho người ta về nung vôi, nhưng một gánh nặng ứ hự mà bữa nay chỉ 5.500 đồng thì cũng chẳng bõ bèn gì. Tro, ngày trước có nhiều vì nấu bằng rơm, lá tre, lá dương liễu... Nông dân các xã lân cận thường mua tro nấu hến về bón khoai lang hoặc rải lên cải để giữ ấm mùa đông.

Quanh đi quẩn lại, nghề hến vẫn chỉ là cái nghề qua ngày như lời ông Tư: Mấy năm trước, lấp lỗ (lo cái ăn - NV) xong còn thừa chút ít mua sắm cho gia đình, lo việc phải không, quanh năm suốt tháng rồi cũng quay về chỗ cũ. Không khá, xầm xầy qua ngày là may rồi, anh mô tiện tặn lắm làm được cái nhà có chỗ vô ra che mưa tránh nắng là quý rồi.

Tôi đã từng về xóm Hến ở thôn Đông Hòa, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Bà Trần Thị Út, người từng theo cha mẹ làm hến ở Đông Hòa khi mới mười mấy tuổi đầu, còn nhớ một thời người Hội An ra tổ chức nấu hến trên bến sông Cẩm Lệ gần nhà bà. Nghề xưa giờ chỉ còn trong câu ca cũ mà bà thường hát theo điệu hò khoan trong lúc làm hến. So với bản của bà Điểm làng Hến An Lạc, bản của bà Út có đôi chỗ khác biệt.

Vất vả, nhưng nghề hến vẫn tồn tại ở An Lạc giữa thời buổi kinh tế thị trường, một phần do không còn nghề nào khác, một phần muốn níu giữ cái nghề của cha ông. Hến về, cả nhà xúm xít ngâm, lóng, đãi, luộc... rồi còn chia nhau đi tiêu thụ. Nghe tiếng rao quanh đường làng, chạy ra mua 1-2 nghìn đồng hến là đã nấu được bữa canh, ngon nhất là nấu với rau muống hoặc rau tập tàng. Thêm ít nữa là có món cháo, món hến xào. Có lẽ vì nét đẹp dân gian, vì nghĩa tình làng quê mà cái nghề thấm đẫm chất nhân văn này vẫn tồn tại ở An Lạc. Ở đó, mọi người lấy sự Yên Vui như tên gọi làng mình để sớm chiều buồn vui cùng con nước…

Ghi chép của VĂN THÀNH LÊ

 

;
.
.
.
.
.