Pháp luật & Công dân

"Mẹ ơi, mẹ ở đâu?"

.

Từ quê ra phố, ba người mẹ trẻ mang theo khát vọng đổi đời, thoát khỏi cái nghèo đeo bám và mưu cầu cuộc sống đủ đầy hơn cho con thơ. Nhưng sự lạc lối của tuổi trẻ đã khiến tương lai của họ phải dừng chân ở chốn lao tù, để lại những đứa trẻ nheo nhóc vốn đã thiếu vắng tình thương của cha nay lại xa cách sự quan tâm, bảo bọc của mẹ…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ba người phụ nữ cùng phạm tội trộm cắp tài sản trong một vụ án đứng khúm núm trước vành móng ngựa của TAND quận Cẩm Lệ. Họ cúi gằm mặt, giọng thều thào trả lời mỗi khi nhận được câu thẩm vấn của Hội đồng xét xử. Những lời đáp run rẩy của họ dần hé mở những bi kịch cuộc đời cũng như hoàn cảnh đưa đẩy các bị cáo vào con đường sai trái.

C.T.T (SN 1992) vừa chào đời được vài tháng thì cha và mẹ nảy sinh mâu thuẫn. Khi T. chỉ vừa chập chững đi, chưa kịp tròn môi tiếng gọi mẹ cha thì đấng sinh thành kéo nhau ra tòa ly hôn. Hai năm sau, mẹ của T. thêm lần nữa yêu thương. Quả ngọt của tình yêu lần này cũng là một bé gái kháu khỉnh Đ.T.N.V (SN 1995).

Thương T. chịu nhiều thiệt thòi khi sớm thiếu vắng tình thương của cha, người mẹ luôn cố gắng bù đắp cho con gái. Nhưng sự quan tâm của người mẹ vẫn không thể lấp đầy khoảng trống hẫng hụt trong T. Cùng với đó, người chồng mới cũng không mặn nồng gì với T., luôn có sự thiên vị giữa con ruột và con riêng của vợ. T. chẳng còn đếm nỗi số lần tìm vào góc tối ngồi khóc tức tưởi vì bị mắng vô cớ.

Cách cư xử của người lớn vô tình khiến khoảng cách của con trẻ cũng ngày một xa dần. T. luôn ganh tị với em gái vì có đủ đầy cả cha lẫn mẹ. Tuổi nhỏ ngây thơ, T. cho rằng V. đã cướp đi tình cảm của mẹ dành cho mình. Trong khi đó, V. hồn nhiên nên đôi lần “ăn hiếp” chị gái.

Cứ thế, tình cảm giữa hai chị em ngày càng phai nhạt. Cho đến khi lớn lên, đủ đầy nhận thức, hai đứa trẻ mới bất giác nhận ra mẹ là người đau khổ nhất. Bà cam chịu, nhẫn nhịn, cố gắng kết nối tình cảm giữa hai chị em. Cũng từ đây, họ dần trò chuyện, hàn gắn và xóa bỏ những mâu thuẫn trong quá khứ.

Cũng lúc này, V. vừa tròn 18, lần đầu biết yêu và mang thai. Đám cưới vội vàng diễn ra. Đứa con đầu lòng chào đời không lâu thì V. tiếp tục mang thai. Cặp vợ chồng trẻ đang ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nên thường xuyên mâu thuẫn, cãi vã. Khi nụ cười của trẻ thơ không còn có thể nối họ lại gần nhau, cuộc hôn nhân vỡ tan. Lúc này, V. đang mang thai lần thứ ba nên chuyển về nhà mẹ ruột sống. Còn T., cũng đang nuôi dưỡng đứa con lên 4.

Người phụ nữ thứ ba đứng trước vành móng ngựa là H.T.P.H (SN 1990), đồng hương của T. và V., cũng từng tan vỡ trong hôn nhân, một mình gồng gánh mưu sinh nuôi đứa con 4 tuổi. Cùng quê, lại đồng cảnh ngộ, vào đầu năm 2017, cả ba rủ nhau từ tỉnh Quảng Nam ra Đà Nẵng kiếm việc làm với khát vọng về cuộc sống sung túc hơn cho những đứa con.

Nghĩ về con, họ cật lực làm việc, đi làm thuê, làm mướn nhiều nơi. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, cả ba nhanh chóng chán nản rồi nghỉ việc. Tháng 5-2017, trong một lần ngồi cà-phê, ba người mẹ rủ nhau lập thành nhóm trộm cắp để nhanh có tiền.

Tại phiên tòa, các bị cáo thừa nhận có bàn bạc, phân công nhiệm vụ một cách chặt chẽ. V. là người chủ mưu, rủ rê và phân công nhiệm vụ cho từng người. Theo đó, H. giả vờ chen lấn, gây mất tập trung cho người có tài sản. T. đứng phía sau che chắn để V. có cơ hội tiếp cận, móc túi lấy trộm tài sản.

Sau khi lấy được tài sản, cả ba sẽ chuyển tài sản cho nhau rồi chia ra nhiều hướng khác nhau để tẩu thoát. Theo kế hoạch này, trong hai ngày 27 và 28-5-2017, 3 bị cáo đến chợ Cẩm Lệ (phường Khuê Trung) rình “con mồi”. Họ đã thực hiện trót lọt hai vụ trộm cắp, “bỏ túi” hai chiếc điện thoại di động với tổng giá trị gần 7 triệu đồng. Đáng nói, khi phạm tội, V. đang mang thai 5 tháng. Hôm tòa xử, con nhỏ nhất của V. tròm trèm 1 tháng tuổi.

Biện minh cho hành vi sai trái, cả ba đều đổ lỗi cho hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải nuôi con nhỏ, nên mới làm liều. Tòa hỏi: “Cuộc sống này vẫn còn nhiều người khốn khó hơn nhưng họ vẫn lựa chọn lao động chân chính. Nếu người nào khó khăn cũng đi trộm cắp như các bị cáo thì xã hội này sẽ ra sao?”. Những mái đầu cúi thấp, thinh lặng.

Tòa giải thích: “Khi thực hiện trộm cắp, các bị cáo có nghĩ đến những đứa trẻ đã thiếu vắng tình thương của cha nay lại không có sự quan tâm của mẹ thì sẽ lớn lên như thế nào không?”. Lúc này, cả ba òa khóc nức nở. Sau khi xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, tòa tuyên phạt V. 18 tháng tù, T. và H. mỗi bị cáo 15 tháng tù cùng về tội “Trộm cắp tài sản”.

Rời phiên xử, tôi cứ mường tượng đến những đứa trẻ với đôi mắt xoe tròn đứng nơi cửa nhà ngóng hình bóng của mẹ. Đứa lớn hẳn sẽ níu áo người nhà, ngây thơ hỏi: “Mẹ con đang ở đâu?”. Đứa nhỏ chắc sẽ bập bẹ tiếng “mẹ”, thảng hoặc lại khóc váng, ằng ặc vì nhớ mùi hương của mẹ. Giá mà những người mẹ trước khi phạm tội có thể nghĩ đến quãng thời gian chênh vênh của con thơ để bình tĩnh và suy nghĩ chín chắn hơn thì đâu phải vướng vòng lao lý.

DUY AN – NAM BÌNH

;
.
.
.
.
.