.
Chuyện tổ, chuyện thôn

Chuyện học ở "Xóm hoàn lương"

.

Chúng tôi trở lại thôn Lộc Mỹ (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) - nơi một thời được biết đến với tên gọi “Xóm hoàn lương” vào một ngày đầu tháng 7.

Con đường bê-tông nối từ đường ADB5 (giáp Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề 05-06) vắt qua suối bằng hệ thống ngầm, chạy thẳng vào thôn như mời gọi khách xa. Về Lộc Mỹ hôm nay, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi thấy sự đổi thay diệu kỳ, nhất là sự học nơi đây đang khởi sắc từng ngày.

Câu chuyện “Xóm hoàn lương” giờ người ta không còn kể. Vẫn còn đấy 8 chị em một thời lầm lỡ, nay về đây đùm bọc nhau gầy dựng cuộc sống mới. Họ đã hoàn lương từ hàng chục năm nay, giờ sống thủy chung với xóm, chăm chỉ làm ăn, dẫu còn nhiều vất vả. Chuyện xưa đã khép, về Lộc Mỹ, nay người ta chỉ hỏi làm được bao nhiêu mét đường bê-tông, trồng được bao nhiêu ớt, mè, cây rừng; nuôi được bao nhiêu con trâu, bò; đời sống kinh tế người dân phát triển lên bao nhiêu; và hơn hết là có bao nhiêu học sinh học đại học, cao đẳng, THPT…

Chúng tôi ghé thăm nhà ông Nguyễn Văn Sáu, trưởng thôn Lộc Mỹ. Toàn thôn hiện có 70 hộ với 267 nhân khẩu, một con số ấn tượng so với 5-10 năm về trước, gần như tăng gấp rưỡi về số hộ. Hơn 2.000 mét đường bê-tông đã được thảm đều đến từng ngõ, hẻm; 100% đường bê-tông giao thông nông thôn được hoàn thành.

Câu chuyện trâu, bò phá ruộng vườn, cây rừng cách đây chưa lâu giờ cũng đã là quá khứ. Lộc Mỹ bây giờ có đàn trâu 125 con và đàn bò gần 190 con. “Mỗi hộ dân nuôi trâu đều phải cam kết không thả rông trâu, bò. Cùng với đó, chính quyền các cấp đã hỗ trợ mỗi hộ dân nuôi trâu, bò 1 triệu đồng để làm chuồng trại”, ông Sáu kể.

Kinh tế Lộc Mỹ đang phất lên, dù chưa mạnh mẽ. Ông Sáu cho biết, trong tổng số 70 hộ, gần ½ được lợp mái tôn, đổ trụ. Dĩ nhiên, điều khiến chúng tôi quan tâm hơn là trong sự phát triển cả về kinh tế lẫn tinh thần của người dân, hiện toàn thôn có hơn 10 em đang theo học các trường đại học uy tín trên địa bàn Đà Nẵng. Nghe đã thấy mừng rơn.

Ngoài 10 em học đại học, 30 em học cao đẳng, còn có hàng chục em đang học THPT, THCS và tiểu học. Quan trọng hơn, không hề có học sinh các bậc học bỏ học giữa chừng. “Ở đây xa trung tâm thành phố, các cháu học THPT phải thuê trọ gần trường, cuối tuần mới có dịp về nhà. Điều kiện kinh tế các gia đình chưa khá giả nhưng ý thức đầu tư cho con em học tập rất tốt, bản thân mỗi em đều tự chăm lo học hành. Đó là điều mừng và là sự trở mình đáng kể của Lộc Mỹ hôm nay và mai sau”, ông Sáu vui mừng kể.

Chia tay Lộc Mỹ, sự ám ảnh của “Xóm hoàn lương” năm nào đã được thay nếp. Lộc Mỹ đang thay đổi hằng ngày. Chúng tôi, cũng như ngày trước, muốn gọi lại tên mới cho Lộc Mỹ, nhưng hôm nay là “Xóm hiếu học”.

KHANG NINH

;
.
.
.
.
.