.
Ký sự pháp đình

Lửa giận mất khôn

.

Người lớn giận, con cháu đau, kết thúc cuối cùng là một người vĩnh viễn không thể sống lại, kẻ phải vào vòng lao lý.

Vụ án Nguyễn Minh Nhựt (SN 1990) giết người, gây rúng động đêm 30 Tết Giáp Ngọ được TAND thành phố Đà Nẵng xử lưu động tại UBND phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) vào đầu tháng 8 này. Phòng xử chật kín, không còn chỗ trống, kể cả bên ngoài hành lang, dù thời tiết khá oi nồng.

Bi kịch

Bà H.T.N là chị, bà H.T.H là em (cùng sống tại tổ 30A, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà). Tối 30-1-2014, trong khi nhà nhà, người người vui vẻ chuẩn bị đón giao thừa, cả hai lại nảy sinh mâu thuẫn. Xích mích của người lớn nhanh chóng biến thành lửa giận của con trẻ. Bi kịch bắt nguồn từ đây.
Sau khi cãi nhau với chị gái, bà H. bỏ về nhà.

Một lát sau, N.X.A (SN 1990, con của bà N.) đến nhà dì, lớn tiếng gây sự. Tức giận, Nguyễn Minh Nhựt (con của bà H.) từ trong nhà chạy ra, dùng tay đánh vào mặt anh họ. A. bỏ về nhưng ấm ức nên mang theo dao quay lại nhà bà H. Lúc này, anh Đặng Văn Điểm (SN 1991, bạn của A.) đang chơi tại nhà A. Nghe nói bạn cầm dao đi tìm em họ, anh Điểm vội vã chạy theo để can ngăn.

Đến nơi, thấy A. đập cửa nhà, thách thức đánh nhau, anh Điểm can ngăn và đưa bạn về. Bực tức, Nhựt trốn gia đình, đi bằng lối cửa sau, vào chợ lấy một con dao Thái Lan ở quầy vật dụng rồi đến thẳng nhà anh họ. Lúc này, A. đang chuẩn bị đi chơi Tết cùng bạn. Khi thấy em họ cầm dao, A. sợ hãi lùi vào trong nhà.

Đứng đối diện với Nhựt, anh Điểm vội vàng gạt tay cầm dao của Nhựt và nói: “Thôi, đều là anh em trong nhà hết”. Nhựt không nghe, cầm dao chỉ vào mặt anh Điểm nói: “Mày muốn chơi tao hả?”. Lo sợ, anh Điểm bỏ chạy, Nhựt cầm dao đuổi theo. Được khoảng 50m, anh Điểm gặp anh rể của Nhựt đang đi hướng ngược lại và bị người này đánh vào mặt. Hốt hoảng, anh Điểm chạy ngược lại thì bị Nhựt đâm một nhát. Sau khi đâm, Nhựt vật anh Điểm ngã tại chỗ, vứt dao rồi bỏ về nhà. Anh Điểm tử vong trên đường đi cấp cứu.

Nỗi đau còn lại

 18 năm tù

Hội đồng xét xử nhận định hành vi của bị cáo đặc biệt nghiêm trọng, có tính chất côn đồ, vô cớ giết người nên cần xử nghiêm để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung, nhưng cũng cần xem xét bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối lỗi và đã bồi thường hậu quả. Từ đó, TAND thành phố Đà Nẵng tuyên phạt Nguyễn Minh Nhựt 18 năm tù về tội “giết người”.

Đứng sau vành móng ngựa, bị cáo rúm ró và dường như càng co lại khi bắt gặp ánh mắt của hàng trăm người dự khán. Vị chủ tọa hỏi: “Tại sao bị cáo đâm chết anh Điểm?”. Ấp úng hồi lâu, Nhựt khai: “Tối đó, bị cáo đang ở nhà thì có bạn đến chơi. Bị cáo thấy buồn nên nói bạn đi mua vài chai bia về uống cho vui. Hai đứa uống khoảng 10 chai bia và một ít rượu.

Một lát sau, mẹ bị cáo về, kể chuyện dì chửi mẹ bị cáo. Thấy mẹ bị cáo khóc, bị cáo không chịu được. Lúc này, anh A. còn đến nhà, có những lời lẽ xúc phạm cha mẹ bị cáo, đòi đánh bị cáo. Thấy anh A. là cháu mà hỗn xược, xúc phạm cha mẹ mình nên bị cáo tức giận, không kiềm chế được mà đánh anh A. một cái vào mặt…”. Nói đến đây, Nhựt bật khóc.

Chủ tọa chất vấn: “Thực tế anh A. có đánh bị cáo không?”. Nhựt run rẩy: “Gia đình bị cáo sợ có chuyện không hay nên khóa cửa. Anh A. chưa đánh được bị cáo”. “Giữa bị cáo và A., ai là anh, ai là em?”. “Dạ, A. là anh”. “Xét về góc độ gia đình hay đạo đức xã hội, em đánh anh trước có đúng không?”.

Nhựt cúi gằm mặt, đáp khẽ: “Dạ không”. Chủ tọa tiếp tục: “Mục đích bị cáo mang theo dao làm gì?”. “Dạ, để  hù dọa anh A”, Nhựt trả lời. “Anh em dì ruột, tại sao lại mang theo dao? Hù dọa anh A., tại sao lại đâm anh Điểm?”, chủ tọa hỏi dồn. “Trong cơn tức giận, bị cáo tưởng anh Điểm tấn công mình. Bị cáo mất bình tĩnh nên mới…”, Nhựt lí nhí. Chủ tọa lớn tiếng: “Ai làm gì bị cáo mà mất bình tĩnh, bị cáo là người rượt đuổi người khác mà?”. Nhựt im lặng, đan tay vào nhau bối rối.

Thở dài, vị chủ tọa phân tích: “Anh Điểm là người bạn tốt mới khuyên can bị cáo. Lẽ ra, bị cáo phải nghe lời khuyên tốt chứ, đằng này lại dùng dao đâm chết anh Điểm…”. “Bị cáo rất ân hận…”, Nhựt nức nở.

Quay sang A., chủ tọa hỏi: “Anh thấy trách nhiệm của mình ở đâu trong vụ án này?”. Lặng im hồi lâu, A. đáp nhỏ: “Con kéo lên nhà dì dượng để nói chuyện thôi…”. Chủ tọa cắt ngang: “Mâu thuẫn của người lớn thì để người lớn giải quyết. Anh là con cháu trong gia đình, tại sao lại can thiệp? Máu mủ đi nói chuyện mà vác theo dao thì với người xa lạ anh còn cư xử như thế nào nữa?...”. A. cúi đầu thấp dần theo mỗi lời nói của chủ tọa.

Chủ tọa hướng về bà N. và bà H.: “Tết là thời điểm đoàn tụ gia đình, mọi người vui vẻ chúc phúc nhau thì chị em trong gia đình lại cãi vã. Nếu hai chị đừng gây gổ, hoặc nếu lỡ có xích mích mà không lôi kéo con cái vào thì đâu có chuyện thương tâm như thế này. Đây là bài học nhớ đời không chỉ cho riêng hai chị mà còn cho cả mọi người…”. Cả hai người mẹ chỉ biết cúi đầu.

Phiên xử kết thúc, bị cáo như muốn ngã dúi dụi trên bậc tam cấp từ phòng xử xuống dưới sân để ra xe chở phạm nhân. Bà H. chạy với theo đứa con trai duy nhất trong nhà, nước mắt ngắn dài. Thấy em gái khóc, bà N. chạy vội đến, tính nói gì đó nhưng tần ngần hồi lâu lại thôi, thở dài ra về. Bất giác, tôi nhớ đến ánh mắt trách móc của bà H. dành cho chị mình trong lúc tòa xử. Văng vẳng câu nói của bà N. trong phiên tòa: “Từ sau khi vụ án xảy ra, hai chị em hay gia đình hai bên không có trao đổi hay nhìn mặt nhau gì hết. Em mình hắn đang giận, đang buồn bực, mình cũng chẳng làm chi được hết…”.

Sau phiên xử, tôi tìm đến nhà của bị hại. Cha mẹ anh Điểm ngồi gục mặt nơi góc nhà. Rệu rã. Dăm ba người bạn thân thắp nén nhang rồi thẫn thờ nhìn di ảnh anh Điểm. Căn nhà hoang hoải mùi hương quyện cùng nỗi đau. Lau vội dòng nước mắt, mẹ anh Điểm cứ tức tưởi: “Mất đứa con đau lắm con ơi…”. Dằn cơn xúc động hồi lâu, bà cho hay, Điểm là con trai út trong gia đình có năm anh chị em. “Bình thường, Điểm đi biển với ba. Hôm nào ở nhà thì đi sửa đồ điện tử cho người ta. Điểm ngoan lắm, ngoan lắm!”. Nói đến đây, người mẹ bần thần. Cạnh bên, đôi mắt của người cha đã ướt tự bao giờ…

TRÂM ANH

;
.
.
.
.
.