.

Hết lòng chăm sóc người nghiện

.

Chỉ với đôi bàn tay và tình yêu thương, những người thầy thuốc đã quên đi sự nguy hiểm, sợ hãi để giúp người nghiện uống thuốc, cắt cơn và giành lại họ từ tay “cái chết trắng”.

Châm cứu cho người nghiện tại Bệnh viện y học cổ truyền Đà Nẵng.
Châm cứu cho người nghiện tại Bệnh viện y học cổ truyền Đà Nẵng.

Bác sĩ kiêm... tư vấn tâm lý

Bác sĩ Nguyễn Phú Đoan Trinh, Trưởng cơ sở điều trị methadone số 2 thuộc Trung tâm Phòng chống HIV Đà Nẵng, chia sẻ: “Các y, bác sĩ ở đây luôn tự dặn mình phải luôn… nở nụ cười trên môi, gác mọi vui buồn riêng tư lại. Phải tạo mọi điều kiện, tâm lý thật thoải mái để họ có thể đến điều trị nghiện bằng methadone”.

Cơ sở này hiện có 13 cán bộ công nhân viên (trong đó đa phần là nữ) đang chăm sóc, điều trị cho hơn 300 bệnh nhân đang nghiện heroin, đa phần trong số họ có trình độ thấp, chủ yếu là lao động phổ thông. Bác sĩ Trinh cho biết, bình thường người nghiện rất hiền lành và dễ thương.

Có những chuyện họ không bộc bạch được với gia đình thì đều đến đây thổ lộ với các y, bác sĩ và nhờ “tư vấn” về cách giải quyết những vướng mắc trong cuộc sống. Như trường hợp một người nghiện hàng đá bị hoang tưởng, anh này cứ suốt ngày ca cẩm chuyện vợ mình ngoại tình. Rồi câu chuyện đến tai mẹ của anh.

Bà mẹ chồng liền chửi và đuổi con dâu về nhà mẹ đẻ. Cuối cùng các bác sĩ phải đến nhà hòa giải đồng thời phối hợp với Bệnh viện tâm thần điều trị cho anh. Bây giờ, sức khỏe anh đã được cải thiện và gia đình trở lại thuận hòa. Mẹ anh đã hiểu ra vấn đề và không ghét bỏ con dâu như trước.

Là một trong những cán bộ trẻ nhất nơi đây, kỹ thuật viên Lê Thị Thanh Nga (22 tuổi), công tác được hơn 1 năm thổ lộ: “Có lúc người nghiện phản ứng gay gắt do bị cán bộ y tế nhắc nhở khi quên thẻ hoặc không chịu xét nghiệm nước tiểu. Lúc đó tụi mình phải thật mềm mỏng giải thích và nếu cần thì nhờ bộ phận tư vấn giải quyết giúp”. Cũng có lần có đối tượng bệnh nhân hung hăng do trước đó bỏ liều điều trị nên lên cơn cầm dao dọa cán bộ nơi đây…

Các cán bộ nơi đây luôn phải có mặt 365 ngày/năm, kể cả khi trời mưa bão để luôn duy trì liều điều trị (người nghiện heroin ngày nào cũng phải uống thuốc) cho bệnh nhân, đảm bảo hiệu quả điều trị cao nhất. Quên đi những nguy hiểm đối với bản thân, quên cả niềm vui riêng tư dành cho gia đình vào dịp nghỉ lễ, những người thầy thuốc vẫn lặng lẽ trên hành trình đưa người nghiện trở lại con đường thiện lương.

Ăn, ngủ cùng bệnh nhân

Các y, bác sĩ ở Bệnh viện Y học cổ truyền thành phố Đà Nẵng luôn phải xử lý thật nhanh khi người nghiện lên cơn. Nơi đây đã điều trị hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy bằng châm cứu phối hợp thuốc nam cho hơn 80 người nghiện. Theo khảo sát bước đầu, kết quả thành công trên 80%.  

Thường thì trong thời gian đầu, đối phó với các cơn nghiện của người bệnh, y, bác sĩ phải xử lý nhanh các thao tác châm cứu để ổn định cơn nghiện. Có ca phải châm cứu liên tục 7-10 lần/ngày. Khác với những nơi khác thường cách ly người nghiện để giúp họ cai, Bệnh viện Y học cổ truyền thành phố lại để người nghiện sinh hoạt chung và tiếp xúc trực tiếp với thầy thuốc. Lương y Phan Công Tuấn, Trưởng đơn vị thừa kế thuốc nam, phụ trách công tác cai nghiện của bệnh viện cho biết, căng thẳng nhất là ngày đầu tiên và ngày thứ 2 khi thực hiện điều trị cắt cơn cho người nghiện.

Khi họ lên cơn sẽ nôn thốc nôn tháo và co cứng bụng. Nhiều khi y, bác sĩ phải thức cả đêm để phòng người nghiện lên cơn bất ngờ. Sau khi điều trị cắt cơn từ 7-10 ngày, người nghiện sẽ được châm cứu thêm 2 tháng theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Ngoài châm cứu, người bệnh còn được uống 18 vị thuốc giúp an thần, giải độc, thông kinh… Bởi vậy, hầu hết người nghiện điều trị ở đây một thời gian sức khỏe được cải thiện rõ rệt.

Y sĩ Lê Sỹ Hùng đang làm việc tại đây cho biết, các nhân viên y tế  phải theo dõi bệnh nhân liên tục 24/24 giờ/ngày bởi họ lên cơn rất bất thường. Vì thế, anh em cán bộ nơi đây phải ngủ cùng phòng với người bệnh y như những người thân trong gia đình để kịp thời xử lý khi cần. Khi được hỏi, không có biện pháp phòng bị liệu có sợ nguy hiểm khi người nghiện lên cơn? Anh Hùng trả lời giản dị: “Lúc đó đâu còn thấy sợ nữa, chỉ tìm cách nhanh nhất châm cứu để giảm cơn nghiện cho người bệnh. Ở đây, tụi mình đã coi họ như người nhà rồi”.

Bài và ảnh: Phương Trà

;
.
.
.
.
.