.
Phương hay Thuốc quý

Ngũ vị tử Ngọc Linh

.

Ngũ vị tử là vị thuốc Đông y, dùng chữa ho lâu ngày, phế hư, ho tức ngực, hen suyễn, khí hư, mỏi mệt, di mộng, hoạt tinh, miệng khô khát, mồ hôi nhiều, hay mất ngủ...

Quả tươi Ngũ vị tử Ngọc Linh có thể ngâm rượu làm thuốc bổ rất tốt Ảnh: P.C.T
Quả tươi Ngũ vị tử Ngọc Linh có thể ngâm rượu làm thuốc bổ rất tốt Ảnh: P.C.T

Ngũ vị tử dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Thần Nông Bản thảo kinh, có tên gọi là Ngũ vị tử vì thuốc có đủ 5 vị chua, cay, mặn, ngọt, đắng. Theo Trung dược đại từ điển, Ngũ vị tử là quả chín phơi hay sấy khô của cây Ngũ vị tử bắc (Schisandra chinensis) hoặc của cây Ngũ vị tử Hoa Nam (Schisandra sphenanthera).

Nước ta lâu nay phải nhập khẩu mỗi năm 50 - 70 tấn Ngũ vị tử từ Trung Quốc. Gần đây chúng ta đã phát hiện 1 loài Ngũ vị tử  mọc hoang ở núi Ngọc Linh (giữa 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam) đã mở ra hy vọng có thể phát triển thay thế vị thuốc nhập khẩu.

Theo điều tra của các nhà thực vật học thì đồng bào dân tộc ở Trà My (Quảng Nam) và đồng bào Tây Nguyên, dùng hạt cây này có tác dụng tăng lực, tăng sức chống chịu khi đi núi rừng và chữa trị bệnh gan rất tốt. Nước sắc hạt cây có thể làm giảm men gan đến 55% trong trường hợp bị bệnh.

Theo nghiên cứu của TS. Nguyễn Bá Hoạt và một số tác giả ở Viện Dược liệu, Ngũ vị tử Ngọc Linh so với Ngũ vị tử bắc (S.chinensis) và vị thuốc Ngũ vị tử thương phẩm mua tại TP. Hồ Chí Minh và Bắc Kinh về thành phần hoạt chất khá tương đồng. Nghiên cứu đánh giá tác dụng dược lý cho thấy Ngũ vị tử Ngọc Linh có độc tính cấp đường uống thấp với LD50 là 13,4g cao chiết/kg thể trọng (tương đương với 140g dược liệu/kg thể trọng). Cao Ngũ vị Ngọc Linh khi sử dụng một liều duy nhất có tác dụng kéo dài giấc ngủ gây bởi pentobarbital, thể hiện tác động an thần (liều càng cao thì tác dụng gây an thần càng rõ), tác động phục hồi chức năng giải độc của gan, chữa bệnh và dự phòng bảo vệ tế bào gan.

Đã có một số luận văn nghiên cứu thành phần hóa học và thăm dò hoạt tính sinh học của Ngũ vị tử Ngọc Linh tại Đại học Đà Nẵng (Nguyễn Bá Khoa, 2011), Đại học Thái Nguyên (Đỗ Tiến Lâm, 2012). Kết quả thử hoạt tính chống ung thư cho thấy hoạt chất từ cặn dịch chiết Ngũ vị tử Ngọc Linh có hoạt tính mạnh đối với cả 4 dòng tế bào ung thư biểu mô, ung thư gan, ung thư phổi và ung thư vú.

Ngũ vị tử là một cây thuốc quý có nhiều tác dụng trong y học, được nhiều nước nghiên cứu sử dụng cả trong Đông y và Tây y. Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy:

- Đối với trung khu thần kinh: Thuốc có tác dụng làm cân bằng 2 quá trình hưng phấn và ức chế của vỏ não, đối với các cấp thần kinh trung ương đều có tác dụng hưng phấn. Thuốc có tác dụng nâng cao trí lực, hiệu suất và chất lượng công tác, schisandrin trong quả Ngũ vị tử có tác dụng giảm đau, an thần và giải nhiệt.

- Nước sắc Ngũ vị tử có tác dụng hưng phấn hô hấp rõ, đồng thời có tác dụng hạ áp, hóa đàm giảm ho.

- Thuốc có giá trị như Nhân sâm có chất gây thích nghi (adaptogen), có tác dụng điều hòa các chức năng khác nhau của cơ thể, tăng cường khả năng phòng vệ của cơ thể đối với các kích thích không đặc hiệu.

- Thuốc có tác dụng hạ áp nhưng lúc suy tuần hoàn thuốc lại có tác dụng nâng áp, như vậy là có tác dụng điều tiết huyết áp. Trên thực nghiệm cũng chứng minh thuốc có tác dụng giãn mạch và cường tim.

- Thuốc sắc Ngũ vị tử có tác dụng tăng thị lực và thị trường của những người bình thường tình nguyện và ở những người đau mắt. Thuốc có tác dụng tăng xúc giác.

Đơn thuốc:

1. Chữa thận hư, đái trắng đục, đau eo lưng, cứng xương sống: Dùng Ngũ vị tử 1 lạng, sấy khô, tán nhỏ làm viên bằng hạt đậu xanh, uống mỗi lần 30 viên, với giấm (Nam dược thần hiệu).

2. Chữa liệt dương: Dùng Ngũ vị tử 100g, sấy khô, tán nhỏ, uống mỗi lần 4g, ngày uống 3 lần (Nam dược thần hiệu).

3. Chữa ho suyễn: Ngũ vị tử và phèn phi bằng nhau, tán bột, dùng mỗi lần 3 đồng cân (12g), cho vào giữa phổi lợn luộc mà ăn hằng ngày thì tiêu đờm bớt ho hen (Nam dược thần hiệu).

4. Chữa viêm gan mạn tính dùng Ngũ vị tử sao khô tán mịn, mỗi lần uống 3g, ngày 3 lần. Đợt dùng 30 ngày, uống với nước sôi hoặc nước cơm, thêm chút muối đường.

Xin lưu ý, theo một số tài liệu đã công bố, Ngũ vị tử Ngọc Linh có tên khoa học Schisandra sphenanthera. Tuy nhiên, mới đây chúng tôi đã nhờ người thu mẫu cây, lá và quả chín của loài Ngũ vị tử này gửi cho một nhà thực vật học có uy tín hàng đầu về định danh cây thuốc ở TP. Hồ Chí Minh, và đã nhận được kết quả cho biết đó là loài Schisandra arisanensis, là loài Ngũ vị tử Đài Loan đã được nhà thực vật Hayata định danh lần đầu từ năm 1915. Rất mong các nhà khoa học có dịp ngồi lại xác định chính xác và thống nhất tên khoa học cũng như tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu hơn loài Ngũ vị tử này để ứng dụng rộng rãi trong chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

PHAN CÔNG TUẤN

;
.
.
.
.
.