.
Hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26-12

Duy trì mức sinh hợp lý, nâng cao chất lượng dân số

.

Tháng hành động Quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam năm nay được Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) chọn chủ đề: “Duy trì mức sinh thấp hợp lý - Vì sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước”.

Xe cổ động tuyên truyền về dân số - kế hoạch hóa gia đình trên đường phố.
Xe cổ động tuyên truyền về dân số - kế hoạch hóa gia đình trên đường phố.

Nước ta đang thực hiện Chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu chủ động điều chỉnh tốc độ gia tăng dân số và duy trì mức sinh thấp hợp lý, tập trung nâng cao chất lượng dân số để có quy mô và cơ cấu dân số hài hòa nhất, vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Thực tế hiện nay, số con trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở Việt Nam giảm từ 6,39 con năm 1960 xuống còn 2,09 con năm 2006 (dưới mức sinh thay thế 2,1 con và duy trì từ đó đến nay). Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu dân số “vàng” với hơn 62 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm 69% tổng dân số và đang bắt đầu bước vào thời kỳ “già hóa dân số” với số người 60 tuổi trở lên chiếm 10,5%.

Chiến lược Dân số Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng phê duyệt đặt ra mục tiêu “duy trì mức sinh thấp hợp lý”. Nếu duy trì được mức sinh thấp hợp lý với tổng tỷ suất sinh khoảng từ 1,8 - 2,0 con/phụ nữ thì đến năm 2050, quy mô dân số nước ta sẽ ổn định ở mức 115 - 120 triệu người và điều này phát huy được các lợi thế của dân số. Đó là quy mô dân số sẽ ổn định ở mức thấp, cơ cấu tuổi của dân số sẽ cân bằng hơn, giảm dần sự mất cân bằng về mức sinh, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, bức tranh dân số Việt Nam khác nhau giữa các vùng, miền và các tỉnh, thành phố. Các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ có mức sinh thấp, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh năm 2013 giảm rất nhanh, chỉ còn 1,33 con; trong khi ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và miền Trung, mức sinh còn khá cao (trên dưới 3 con). Muốn giảm tỷ lệ từ 3 con xuống 1,9 con là con đường dài, gian nan, phải có sự đồng đều trong cả nước với việc duy trì mức sinh thấp hợp lý.

Thành phố Đà Nẵng duy trì mức sinh thay thế trung bình mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ có khoảng 2,06 con/năm (thống kê năm 2013). Dân số của thành phố năm 2013 là 992.849 người. Dự kiến quy mô dân số đạt mức dưới 1,2 triệu dân vào năm 2015.

Chất lượng dân số từng bước được cải thiện rõ rệt: tuổi thọ bình quân của người dân 75,6 tuổi; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi là 17,9 % năm 2005, giảm xuống còn 5,2% năm 2013; tỷ lệ phụ nữ mang thai tham gia sàng lọc trước sinh đạt trên 10% và tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc đạt trên 25% trong năm 2013. Trong giai đoạn 2011-2020, Đà Nẵng đặt ra mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, duy trì mức sinh thấp hợp lý và kiểm soát tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh.

Theo Chi cục DS-KHHGĐ thành phố, để duy trì mức sinh thấp hợp lý, cần tăng cường tuyên truyền, vận động tạo dư luận xã hội ủng hộ, chấp nhận và thực hiện quy mô gia đình ít con; tổ chức các mô hình truyền thông phù hợp với tính chất, đặc điểm và điều kiện của từng địa phương; đảm bảo số lượng, chất lượng dịch vụ, KHHGĐ, tạo sự thuận tiện, kịp thời thông qua nhiều kênh cung cấp hiệu quả và đến mọi đối tượng sử dụng, có biện pháp cụ thể đối với vùng mức sinh thấp và vùng có mức sinh cao.

Hiện nay, quan niệm “gia đình nhỏ” và ít con đã được chấp nhận. Vì vậy, việc chủ động duy trì mức sinh thấp hợp lý để trong tương lai sẽ có quy mô dân số phù hợp với diện tích lãnh thổ, cơ cấu dân số hợp lý nhất, đảm bảo sự cân đối, hài hòa giữa các độ tuổi. Trong thời gian tới, tiếp tục thực hiện mục tiêu duy trì ổn định tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động, kéo dài cơ cấu “dân số vàng”, làm chậm lại thời gian chuyển sang giai đoạn “già hóa dân số”, có cơ hội phát triển dịch vụ an sinh xã hội, chăm sóc người cao tuổi tốt hơn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để khống chế sự gia tăng tỷ số giới tính khi sinh.

Bài và ảnh: MINH PHÚC

;
.
.
.
.
.