.

Ô nhiễm thực phẩm: Chỉ giám sát... phần ngọn

.

Hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng Trung Quốc tràn lan... là những vấn đề được cử tri thành phố đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Không riêng người tiêu dùng lo lắng mà việc kiểm soát chất lượng, nguồn gốc của thực phẩm cũng là vấn đề nan giải đối với các cơ quan chức năng.

Chuối Khánh Hòa đổ về chợ Đầu mối (ảnh chụp sáng 5-12-2014).
Chuối Khánh Hòa đổ về chợ Đầu mối (ảnh chụp sáng 5-12-2014).

Trên đây là một đoạn trao đổi giữa người mua và người bán mít trên đường Võ Văn Tần, gần Chợ Siêu thị Đà Nẵng. Có thể thấy, vì nguồn gốc thực phẩm không rõ ràng nên chuyện tưởng đơn giản như nói ra “quê” của món hàng đó ở đâu cũng trở nên vòng vo, khó hiểu và thích nói kiểu gì thì nói.

Biết rồi, khổ lắm,… lo mãi!

Hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng Trung Quốc tràn lan… là những vấn đề được cử tri thành phố đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Không riêng người tiêu dùng lo lắng mà việc kiểm soát chất lượng, nguồn gốc của thực phẩm cũng là vấn đề nan giải đối với các cơ quan chức năng.

Khâu kiểm tra nguồn gốc chủ yếu dừng ở mức độ nắm thực phẩm xuất xứ từ đâu; còn việc xử lý, can thiệp hay phối hợp nâng cao chất lượng thực phẩm ngay tại tất cả nơi sản xuất vẫn chưa thể làm được.

Các cuộc họp về an toàn thực phẩm (ATTP) trước đây đều đề cập một trong những cái khó trong kiểm soát thực phẩm là Đà Nẵng chưa có trạm xét nghiệm nhanh, xác định chất lượng thực phẩm kịp thời. Cụ thể là xây dựng trạm kiểm soát ngay tại chợ Đầu mối - nơi phân phối hầu hết thực phẩm rau, củ, quả cho các chợ khác trên địa bàn thành phố.

Ông Nguyễn Công An, Trưởng Ban quản lý chợ Đầu mối cho biết, mỗi ngày trung bình chợ nhập về 300 tấn rau, củ, quả, cao điểm lên đến 500 tấn/ngày. Riêng những ngày trước Tết đến 17.000 tấn/ngày. Trong đó, 10% là hàng Trung Quốc.

Với lượng hàng lớn, việc kiểm soát khâu đầu vào tại chợ sẽ giúp sàng lọc rau, củ, quả sạch sớm hơn. Tuy nhiên, chuyện xây dựng trạm này vẫn còn là điều trên lý thuyết.

Giám sát ô nhiễm thực phẩm: Nhiều khó khăn!

Một cán bộ Công ty Quản lý hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng cho biết, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật thành phố Đà Nẵng là đơn vị chính chịu trách nhiệm kiểm soát ATTP tại chợ Đầu mối. Trụ sở của Ban quản lý chợ bố trí phòng làm việc riêng cho các cán bộ của chi cục chuyên làm công việc này. Như vậy, chúng ta đã có “trạm” kiểm soát rồi. Nhưng cái chính là thiết bị xét nghiệm, thí nghiệm như mong ước lại thuộc vấn đề lớn lao khác.

Hiện nay, việc kiểm tra, lấy mẫu thử được thực hiện liên tục tại chợ Đầu mối theo hai hình thức lấy theo chuyên đề và theo hiện tượng người dân phản ánh. Các mẫu này sau đó được gửi đến các viện kiểm nghiệm ở thành phố khác và có kết quả sau từ 10-15 ngày. “Lúc đó, nếu phát hiện có hóa chất độc hại trong mẫu thử, lô hàng được chọn lấy mẫu cũng… vào bụng người tiêu dùng rồi. Nếu giữ lô hàng trước khi có kết quả, đợi kết luận chính thức mới trả hàng cho tiểu thương thì lúc đó chỉ còn cách… bồi thường thiệt hại vì rau củ đã hư hết sau nhiều ngày “tạm giam””, một cán bộ tham gia trong công tác bảo đảm ATTP chợ cho biết.

Kiểm soát vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được thực hiện dưới sự phối hợp của nhiều sở, ngành. Bên nào cũng cật lực “kiểm” và “soát”, nhưng để khẳng định cuối cùng thực phẩm đến tay người tiêu dùng có hoàn toàn an toàn không thì không đơn vị nào tự tin nhận là “có”.

Tại buổi làm việc với Ban Văn hóa - Xã hội trước khi diễn ra kỳ họp thứ 11 HĐND thành phố, Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố cũng thẳng thắn thừa nhận riêng ngành y tế khó có thể trả lời về thực phẩm sạch và an toàn, dù mỗi năm Chi cục kiểm tra chỉ tiêu vi sinh vật, hóa chất, phụ gia của từ 400-500 mẫu đã qua chế biến.

Lý do để các cơ quan chức năng lúng túng trong việc đưa ra kết luận về thực phẩm là thứ nhất, mỗi nơi chỉ chịu trách nhiệm một khâu trong toàn bộ quy trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ, v.v… Lấy ví dụ trên một miếng thịt bò, nếu con bò được đem đến lò giết mổ thì thuộc sự giám sát của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Miếng thịt bò có đóng dấu kiểm định an toàn khi mang ra chợ hay không lại thuộc ngành quản lý thị trường. Và từ bếp, miếng thịt bò đến bàn ăn của người dùng thuộc quản lý của ngành y tế.

Thứ hai, đối với khâu kiểm tra, giám sát, chúng ta mới chỉ chạm vào “phần ngọn”, tức là kiểm tra, giám sát phần phân phối, trung chuyển và sử dụng; còn “phần gốc” là nơi sản xuất thì chưa thể với tay tới một cách đồng bộ. Một cán bộ thuộc đơn vị quản lý chợ Đầu mối trăn trở: “Chúng tôi mong muốn liên kết, phối hợp với các vườn rau, củ, quả ở những địa phương chuyên cung cấp mặt hàng này cho thị trường Đà Nẵng để có thể kiểm soát chất lượng thực phẩm ngay tại gốc. Nhưng để làm được việc như vậy rất khó khăn và tốn kém”.

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.