.

Đề phòng biến chứng từ bệnh sởi

.

ĐNĐT - Trước tình hình bệnh sởi đang xuất hiện và lan rộng với khoảng 25 ca tử vong trong cả nước, nhiều phụ huynh đã thấy được tầm quan trọng của việc tiêm phòng sởi và đưa con đến các trạm y tế, trung tâm y tế dự phòng để chủng ngừa. Tuy nhiên, ở thời điểm giao mùa, nhiều trẻ vẫn bị mắc bệnh. Tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, hiện có 31 trẻ đang được điều trị nội trú bệnh dịch này.

Trung bình mỗi ngày khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Sản phụ - Nhi Đà Nẵng có khoảng 5-10 bệnh nhân ra, vào điều trị bệnh sởi
Trung bình mỗi ngày khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng có khoảng 5-10 bệnh nhân ra, vào điều trị bệnh sởi

Chích ngừa rồi vẫn mắc bệnh

Thấy con bị sốt liên tục 3 ngày, trong vòm miệng lại nổi mụn, nghi cháu bị bệnh tay-chân-miệng, vợ chồng anh Lê Văn Nhân (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) đã đưa cháu Lê Văn Công Nghĩa (6 tuổi) đi khám và điều trị nhưng không hết bệnh. Các bác sĩ đã chuyển cháu xuống khoa Y học nhiệt đới trong tình trạng tiếp tục bị sốt, viêm kết mạc mắt, ho nhiều… Tại đây, cháu được chẩn đoán mắc bệnh sởi.

Anh Nhân cho hay: “Mấy bữa trước mắt cháu không mở được, sau hơn 1 tuần điều trị, đến nay cháu đã gần khỏi, mắt không còn nhiều dử như trước nữa.” Điều đáng nói là bé Nghĩa đã được vợ chồng anh Nhân cho đi tiêm chủng ngừa đầy đủ 2 mũi sởi theo lịch nhưng bé vẫn mắc bệnh.

Trẻ đang được điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng
Trẻ đang được điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng

Cũng thấy con gái mới 8 tháng tuổi bị sốt, phát ban, ho và tiêu chảy, đưa con đi bệnh viện, vợ chồng anh Phan Hiếu (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) mới biết con mắc bệnh sởi. Theo anh Hiếu, sở dĩ anh không biết con bị bệnh sởi do bé mới dưới 9 tháng, chưa tiêm mũi sởi nào nên cứ nghĩ là cháu khó có thể mắc bệnh này. Đến khi nhập viện rồi mới hay không riêng gì con anh mà có nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi cũng mắc sởi. Nguyên do là các bé không được truyền khả năng miễn dịch từ mẹ và cũng chưa được tiêm phòng dẫn đến cơ thể trẻ không có khả năng kháng lại virus, vi khuẩn.

Nguy cơ lan rộng

Ghi nhận của PV tại khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, trung bình mỗi ngày có khoảng 5-10 bệnh nhân ra, vào viện để điều trị bệnh sởi. Đa phần trẻ nhập viện điều trị đều có các dấu hiệu sốt, phát ban, viêm kết mạc mắt, ho, tiêu chảy ở độ tuổi từ 2 tháng đến 10 tuổi.

Theo bác sĩ Nguyễn Công Cảnh, Trưởng khoa Y học nhiệt đới, sởi là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp do virrus sởi. Tình hình bệnh sởi rất khó lường, do số người chủng ngừa sởi không phải là 100% nên vẫn có nguy cơ bùng phát cao nếu giám sát không kỹ. Trong số 28/31 trẻ đang được điều trị tại khoa Y học nhiệt đới, có tới 20 cháu bị các biến chứng tiêu chảy, viêm phổi, đa số các trẻ đều được theo dõi điều trị và chích thuốc.

Tiêm vắc-xin sởi là biện pháp hiệu quả nhất. Tuy nhiên, tại Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng, các loại vắc-xin đang trong tình trạng hết hàng (ảnh chụp sáng ngày 10-4-2014).
Tiêm vắc-xin sởi là biện pháp hiệu quả nhất. Tuy nhiên, tại Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng, các loại vắc-xin đang trong tình trạng hết hàng (ảnh chụp sáng ngày 10-4-2014).

Các bác sĩ cũng cho biết, hiện nay tiêm vắc-xin sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Trẻ cần được tiêm hai mũi, mũi thứ nhất được tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ 18 tháng tuổi. Nếu chỉ được tiêm một mũi vắc-xin sởi lúc 9 tháng tuổi, chỉ có 80- 85% trẻ có miễn dịch.

Nếu được tiêm thêm mũi vắc-xin sởi thứ hai lúc 18 tháng tuổi thì tỷ lệ bảo vệ là 90-95%. Sau khi mắc sởi xong hoặc sau khi được tiêm đủ hai mũi vắc-xin theo lịch tiêm chủng thì có thể miễn dịch suốt đời. Với những người chưa miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh, nhất là trẻ nhỏ do không còn miễn dịch từ mẹ truyền sang nhưng chưa được tiêm vắc-xin hoặc chưa từng mắc sởi. Vì vậy, khi trẻ nghi mắc sởi cần được theo dõi diễn biến bệnh lý một cách kỹ càng để tránh lây lan trong cộng đồng và biến chứng khó lường.

Coi trọng công tác phòng bệnh:

Bà Huỳnh Thị Thọ, Hiệu trưởng Trường mầm non Bé Thông Minh cho biết, từ đầu năm đến nay, trường chưa có trường hợp nào bị mắc bệnh sởi. Trường rất coi trọng công tác phòng bệnh. Mỗi sáng trẻ đến trường, ngoài cô giáo đón trẻ còn có một nhân viên y tế phối hợp soi cổ họng, kiểm tra chân, tay, thân nhiệt của trẻ để nếu có điều gì bất thường ở trẻ, sẽ sớm phát hiện và báo cho phụ huynh biết. Ngoài ra, công tác vệ sinh cho trẻ là nguyên tắc hằng ngày, không chỉ trên các trẻ mà cả với đồ dùng sinh hoạt hằng ngày của trẻ. Sau mỗi buổi học, các cô phải rửa đồ chơi, đồ dùng, dụng cụ của trẻ bằng nước sát trùng sạch sẽ rồi mới cho trẻ chơi lại vào ngày hôm sau.

Tại nhiều trường mầm non khác, cùng với dinh dưỡng trong các bữa ăn, trẻ cũng được cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất, tăng cường chất bổ, chất đạm để tăng sức đề kháng trong nước hoa quả, sữa chua… Đồng thời, các trường cũng theo dõi lịch tiêm chủng của từng trẻ để nhắc phụ huynh đưa trẻ đi tiêm đúng lịch, đủ các mũi tiêm phòng cơ bản.

Bài, ảnh: Thu Hà

;
.
.
.
.
.