.

Quá nhiều chiêu trò

.

Ngay cả với những người ít am tường bóng đá và không quan tâm nhiều đến bóng đá Việt Nam, hẳn cũng biết được những rối rắm khi V-League 2015 bước vào những chặng cuối. Bởi lẽ, thông tin về những trận cầu “bê bối” xuất hiện với tần suất ngày càng cao trên các phương tiện truyền thông.

Dù chịu nhiều điều tiếng nhưng trận thắng Sông Lam Nghệ An ở vòng đấu vừa qua vẫn giúp Hoàng Anh Gia Lai (áo xanh) nuôi hy vọng trước khi V-League 2015 khép lại.
Dù chịu nhiều điều tiếng nhưng trận thắng Sông Lam Nghệ An ở vòng đấu vừa qua vẫn giúp Hoàng Anh Gia Lai (áo xanh) nuôi hy vọng trước khi V-League 2015 khép lại.

Ngay trong cuộc đua vô địch, không phải lúc nào, trận đấu nào, những đội có cơ hội như Bình Dương, FLC Thanh Hóa… cũng đều quyết thắng. Khi cần, ngay như Bình Dương cũng sẵn sàng thua trận, dù đối thủ chỉ là đội bóng nằm ở nhóm cuối bảng. Thậm chí, với những đội bóng có thực lực như Than Quảng Ninh, từng có cơ hội rất lớn để bứt phá nhưng bỗng chốc, họ buông xuôi.

Chọn lựa này không mới bởi nếu vô địch, việc tham gia đấu trường châu lục - cùng với V-League và Cúp Quốc gia - luôn là một gánh nặng cho rất nhiều đội bóng. Ngay như SHB Đà Nẵng, với lực lượng có chiều sâu tương đối, cũng hết sức vất vả khi phải “phân thân” ở mùa giải 2013. Gần đây nhất, Hải Phòng sẵn sàng chịu phạt để không phải tham gia AFC Cup. Khát vọng vô địch với sự nghiêm túc nhất, vẫn chỉ là cuộc chạy đua của Bình Dương cùng Hà Nội T&T, những đội bóng có cả tiềm lực tài chính lẫn chiều sâu nhân sự. Vì thế, sự cạnh tranh nhằm hướng đến ngôi vô địch, thực chất chỉ mang giá trị “ảo” khi không nhiều đội bóng muốn ôm lấy “gánh nặng” này.

Cho nên, sức nóng của V-League 2015 vẫn chủ yếu là cuộc đua “chống xuống hạng” của hàng loạt cái tên như Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), Đồng Nai, Xổ số kiến thiết (XSKT) Cần Thơ hay Đồng Tháp.
Và cũng chính ở “cuộc chiến đảy bảng”, sau giai đoạn kịch tính ban đầu, tính kịch bắt đầu xuất hiện khi cuộc chiến dần đi vào giai đoạn cuối.

Sau trận thua của Hải Phòng tại Cần Thơ (lượt trận 18), lại đến thất bại nặng nề của FLC Thanh Hóa trên sân Đồng Nai (lượt trận 21) và mới đây nhất, chiến thắng 3-1 của HAGL khi tiếp Sông Lam Nghệ An (SLNA, lượt trận 22) đã đẩy sự hoài nghi lên đỉnh điểm.

Oái oăm thay, Ban tổ chức chẳng có động thái cần thiết nào để chấn chỉnh khi ông Trưởng Ban tổ chức Nguyễn Minh Ngọc vẫn chỉ căn cứ vào giải trình của CLB Hải Phòng để khẳng định, “trận đấu diễn ra bình thường”!

Có lẽ chính cách xử lý như thế khiến SLNA dễ dàng thua HAGL trong một trận đấu mà “... cầu thủ SLNA cũng vẫn tích cực nhưng là tích cực trong… hòa bình... Bản tính của con người xứ Nghệ là hay thương người bên ngoài. Với những CLB đang bị ngã ngựa, SLNA đã thi đấu không được 100% phong độ, tinh thần thi đấu không tốt”, như cách lý giải của ông Trưởng đoàn Bóng đá SLNA Nguyễn Hồng Thanh!

Càng đáng lưu ý hơn bởi cũng ở lượt trận 22, việc HAGL liên tiếp ghi bàn vào lưới SLNA ngay sau khi XSKT Cần Thơ dẫn Đồng Tâm Long An 2-1, ngay tại Tân An. Và cũng chẳng ai biết Bình Dương sẽ ứng xử thế nào trước Đồng Nai trong chiều 23-8 nếu FLC Thanh Hóa không giành trọn 3 điểm trước Đồng Tháp.

Lúc này đây, tất cả đang chờ đợi SLNA sẽ “thương người” thế nào khi gặp XSKT Cần Thơ ở vòng đấu thứ 24. Tất cả lại hồi hộp trước những “vở diễn” mới khi HAGL, Đồng Nai, Cần Thơ vẫn còn gặp không ít các đối thủ không còn động lực. Có một điều chắc chắn, tính kịch sẽ đến hồi cao trào cho đến vòng đấu cuối!

Bài và ảnh: BẢO AN

;
.
.
.
.
.