.

Tính chuyên nghiệp và bản sắc bóng đá

.

Một thời từng có nhiều ý kiến từng phủ nhận tính bản sắc trong thể thao nói chung và bóng đá nói riêng.

Chính sự hiện diện trên sân của những cầu thủ trẻ như Hồ Ngọc Thắng (áo cam) đã góp phần tạo nên bản sắc cho bóng đá Đà Nẵng.
Chính sự hiện diện trên sân của những cầu thủ trẻ như Hồ Ngọc Thắng (áo cam) đã góp phần tạo nên bản sắc cho bóng đá Đà Nẵng.

Ngược lại, cũng có không ít ý kiến phản đối việc chuyển nhượng vận động viên (VĐV). Hẳn nhiên, mỗi bên đều có lý lẽ của riêng mình. Song, vấn đề cần được nhìn nhận theo chiều hướng “mở” và phù hợp với thực tiễn phát triển của bóng đá Việt Nam.

Những người phủ nhận tính bản sắc, biện giải, trong thể thao chuyên nghiệp, các địa phương, các đội bóng không thể “đóng cửa” và giữ mãi quan điểm cục bộ, địa phương khi các lĩnh vực khác đang “mở cửa”. Thậm chí, họ còn muốn các đội “mở toang cửa” để đón “làn gió mới”. Số còn lại muốn các đội bóng giữ được bản sắc địa phương và phải quan tâm nhiều hơn đến công tác đào tạo để tạo nguồn VĐV kế cận.

Thực tế, việc chuyển nhượng VĐV trong bóng đá Việt Nam không còn là chuyện lạ. Thế nhưng, giữa tính chuyên nghiệp (được nhìn nhận qua việc chuyển nhượng cầu thủ) và bản sắc bóng đá (đào tạo và sử dụng nguồn cầu thủ tại chỗ) phải có sự hài hòa cần thiết. Dĩ nhiên đòi hỏi những người làm công tác quản lý lẫn HLV ở từng đội bóng phải có được chiến lược phát triển lâu dài, có định hướng.

Sau trận đấu cùng Hà Nội T&T, “thuyền trưởng” của đội bóng thủ đô Phan Thanh Hùng thừa nhận, tình cảm của khán giả Đà Nẵng dành cho SHB Đà Nẵng rất đáng trân trọng. Bất chấp đội chủ sân Chi Lăng liên tiếp thất bại nhưng người hâm mộ vẫn đến sân để cổ vũ cho thầy trò HLV Lê Huỳnh Đức trong giai đoạn khó khăn nhất. Chính những sẻ chia ấy đã tiếp thêm rất nhiều động lực cho tập thể SHB Đà Nẵng để đội bóng sông Hàn từng bước gượng dậy sau khởi đầu tệ hại.

Trong khi đó, dù được đầu tư rất mạnh nhưng Cần Thơ hay Hà Nội T&T không thể có được tình yêu mà giới ủng hộ dành cho, như SHB Đà Nẵng.

HLV Nguyễn Văn Sỹ đã thực hiện cuộc “cách mạng” gần như triệt để khi thanh lý hơn 20 cầu thủ và tuyển mộ hàng loạt gương mặt mới cho Cần Thơ. Trong số những cầu thủ bị loại bỏ, không ít cầu thủ là người địa phương. Thiếu tính bản sắc cộng với thành tích không mỹ mãn, người hâm mộ Tây Đô đã thực sự thờ ơ với đội bóng. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, do chỉ là những cầu thủ “đánh thuê” nên phần lớn cầu thủ Cần Thơ hiện tại không toàn tâm, toàn lực để cải thiện thành tích của đội.

Trong khi đó, Hà Nội T&T từng được đánh giá là một trong những đội bóng đáng xem nhất V-League. Thế nhưng, số ủng hộ viên của đội cũng chưa đến vài trăm người. Đơn giản đội bóng này chưa bao giờ được xem là “đại diện của bóng đá thủ đô”. Hay nói cách khác, Hà Nội T&T không mang bản sắc của bóng đá Hà Nội.

Với SHB Đà Nẵng, dù đến từ nơi khác nhưng những Hải Lâm, Văn Học, Huy Toàn… đều trưởng thành từ “chiếc nôi” bóng đá Đà Nẵng. Bên cạnh, Phước Vĩnh, Hoàng Quãng, Nguyên Sa, Hùng Sơn, Ngọc Thắng, Minh Tâm, Ychaly Êban… là những “sản phẩm” của bóng đá sông Hàn.

Cùng với Sông Lam Nghệ An, Đồng Tháp…, SHB Đà Nẵng là một trong những CLB V-League giữ được bản sắc của mình trong tiến trình chuyên nghiệp hóa. Không ngẫu nhiên để Than Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đồng Tháp… đều đang chiêu mộ lại những cầu thủ bản địa, vốn đang khoác áo các đội bóng khác, nhằm tạo lại bản sắc bóng đá địa phương.

Vì thế, dù trong tiến trình chuyên nghiệp hóa, tính bản sắc vẫn là một yếu tố không thể tách rời. Bài học của một SHB Đà Nẵng đang được “truyền lửa” từ người hâm mộ có giá trị rất lớn và không của riêng ai.

Bài và ảnh: NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.