.

Chưa "tâm phục, khẩu phục"!

.

Chiều 3-2, Ban Kỷ luật (VFF) liên tiếp có 2 quyết định kỷ luật dành cho bóng đá Đà Nẵng.

Trong đó, quyết định số 30 xử phạt 15 triệu đồng với Ban tổ chức (BTC) trận đấu của CLB Bóng đá SHB Đà Nẵng do vi phạm khoản 2 Điều 68 “Vi phạm công tác tổ chức” trong trận đấu SHB Đà Nẵng - Hải Phòng, ngày 1-2-2015 trên sân vận động Chi Lăng.

Quyết định số 31 xử phạt cầu thủ Gomez C. Melquiades (SHB Đà Nẵng) 10 triệu đồng và đình chỉ thi đấu 3 trận kế tiếp do vi phạm khoản 1 và 3 Điều 39 “Hành vi xâm phạm thân thể”, cũng ở trận đấu nói trên.

Có hợp lý chăng khi Ban tổ chức địa phương phải chịu trách nhiệm về hành vi đốt pháo sáng của các CĐV Hải Phòng?
Có hợp lý chăng khi Ban tổ chức địa phương phải chịu trách nhiệm về hành vi đốt pháo sáng của các CĐV Hải Phòng?

Ở đây, việc vi phạm sẽ bị xử lý, chẳng ai bàn cãi. Thế nhưng, đằng sau những quyết định ấy vẫn bộc lộ những bất cập, cần được xem xét thấu đáo.

Theo ông Nguyễn Hải Hường - Trưởng Ban Kỷ luật (VFF), hiện tượng CĐV Hải Phòng đốt pháo sáng đã được BTC giải và Ban Kỷ luật khuyến cáo nhiều lần đối với các địa phương nhưng BTC sân Chi Lăng vẫn không bảo đảm an toàn, để sự việc xảy ra. Không những thế, phải mất 2 phút pháo sáng trên khán đài mới được dập tắt hoàn toàn.

Thực tế, không ai có thể kiểm soát việc các CĐV mang pháo sáng vào sân nếu không có những biện pháp kiểm tra gắt gao, bởi không một BTC nào có thể kiểm tra… thân thể của các CĐV nếu ai đó giấu pháo sáng trong người.

Chưa kể, với việc hàng trăm, thậm chí hàng nghìn CĐV vào sân, nếu không được sự hỗ trợ của các thiết bị kỹ thuật, việc phát hiện, thu giữ pháo sáng là không thể với bất kỳ BTC sân nào. Không những thế, việc đốt pháo sáng do CĐV Hải Phòng gây ra nhưng người chịu án phạt là BTC sân Chi Lăng, liệu có hợp lý?

Sau này, nếu muốn “phá rối” chủ nhà, CĐV đội khách cứ thoải mái đốt pháo sáng hoặc gây rối, sẽ đạt… hiệu quả tức thì! Đáng nói hơn, “tác giả” của vụ đốt pháo sáng trên sân Chi Lăng là hai nữ CĐV Hải Phòng. Thử hỏi, để kiểm tra những khán giả nữ này, liệu VFF lẫn BTC giải có giải pháp kiểm tra nào hợp lý nhất, giúp BTC các địa phương tránh bị những án phạt oan uổng như thế này hay không?

Với tiền đạo Gomez C.Melquiades, việc đánh nguội Văn Nhiên dẫn đến bị thẻ đỏ trực tiếp cùng án phạt nói trên là hoàn toàn chính xác. Song ở đây, cần nói đến sự hợp lý khi đưa ra quyết định của Ban Kỷ luật (VFF).

Ông Nguyễn Hải Hường cũng cho biết, theo báo cáo của BTC và đề nghị của Hội đồng Trọng tài, Ban Kỷ luật đã xem lại toàn bộ băng hình vụ việc. Theo đó, chính Văn Nhiên là người khiêu khích, khiến Melquiades có hành vi trả đũa. Khi va chạm xảy ra, Văn Nhiên bị ngã và tái phát chấn thương, chứ không phải Gomez trực tiếp gây ra chấn thương cho đối thủ.

Ở đây bộc lộ sai sót của trọng tài Hoàng Anh Tuấn khi Văn Nhiên tránh được thẻ phạt do chính hành vi khiêu khích của mình. Ngay cả khi xem lại băng hình, Ban Kỷ luật (VFF) cũng bỏ qua lỗi hành vi của cầu thủ Hải Phòng và chỉ nâng khung phạt dành cho tiền đạo của SHB Đà Nẵng! Hay việc bỏ sót lỗi khiêu khích cùng chiếc thẻ phạt dành cho Văn Nhiên, đâu là trách nhiệm của trọng tài Hoàng Anh Tuấn?

Dù Ban Kỷ luật (VFF) đưa ra cách xử lý chưa thực sự “thấu tình, đạt lý” nhưng CLB SHB Đà Nẵng và cầu thủ Melquiades vẫn phải thi hành án phạt. Nhưng để “tâm phục, khẩu phục” lại là chuyện khác! Đó sẽ là bài học của VFF nếu muốn đưa bóng đá Việt Nam trở thành chuyên nghiệp thực sự.

Bài và ảnh: NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.