.

32 đội giành vé đến Robocon toàn quốc

.

ĐNĐT - Chiều 5-4, vượt qua vòng đấu loại, 12 “gia đình” robot bước vào chung kết Robocon khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đã “chiến đấu” hết mình để chiếm 6 chiếc vé đại diện khu vực đến TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) tham gia Vòng chung kết Robocon toàn quốc, tổ chức vào đầu tháng 5-2014.

4 đội của Trường ĐH Duy Tân có thiết kế, chế tạo robot giống nhau đã giành quyền tham gia Vòng chung kết Robocon toàn quốc.
4 đội của Trường ĐH Duy Tân có thiết kế, chế tạo robot giống nhau đã giành quyền tham gia Vòng chung kết Robocon toàn quốc.

Điểm nổi bật của buổi chiều thi đấu chung kết chính là 2 chiến thắng tuyệt đối shabaash của đội HaTinh Tech Dragon (Trường CĐ Nghề Công nghệ Hà Tĩnh) trước đội DTU-Lighting và DTU-CĐN (cùng Trường ĐH Duy Tân) trong thời gian 2 phút 25 giây và 2 phút 37 giây.

Để có được chiến thắng ấn tượng này, đội đã tập trung chỉnh sửa, khắc phục những điểm yếu trong kỹ thuật và chiến thuật thi đấu trong thời gian rất ngắn. Đặc biệt, là những chỉnh sửa ở robot con với thiết kế dạng hình hộp và cơ cấu truyền động dạng băng chuyền (sử dụng lực nâng của khí nén và lực bám của nam châm điện) thường hay bị rớt xuống sàn thi đấu khi thực hiện những động tác cuối cùng của việc đi bộ trên cột và leo cầu thang vận động.

Giành được 4 trong 8 chiến thắng tuyệt đối shabaash tại vòng sơ loại Robocon khu vực miền Trung - Tây Nguyên, qua đó giành một chiếc vé đến Vòng chung kết Robocon toàn quốc, đội HaTinh Tech Dragon chắc chắn sẽ là đối thủ đáng gờm và đáng xem tại Nha Trang vào tháng tới. Kém cạnh hơn một chút, đội HaTinh Tech Tân Phát (cùng trường) cũng đã thi đấu đầy cố gắng và giành một chiếc vé đến Nha Trang.

6 đội robot của Trường ĐH Duy Tân có một buổi chiều thi đấu với nhiều giảm sút do mất sự ổn định, bộc lộ điểm yếu của việc thiết kế, chế tạo robot cùng chiến thuật thi đấu tốn quá lớn năng lượng và mỗi đội đã phải trải qua 7 trận thi đấu liên tục tại vòng loại. Nhất là ở robot con, chỉ với một bàn tay kẹp chặt vào cột đi bộ hoặc thanh ngang của cầu thang vận động cùng một khớp quay, phải chịu tải sức nặng toàn thân khi lật thân 180 độ để bám vào cột hoặc thanh ngang tiếp theo.      

Vì vậy, khác với những trận đấu thể hiện đầy sức mạnh, tốc độ cao ở vòng loại, các đội: DTU-Eros (3 lần giành chiến thắng tuyệt đối shabaash), DTU-Titan (1 lần giành shabaash), DTU-CĐN và DTU-CMU1 đều thi đấu rất khó khăn tại buổi chiều chung kết. Nhưng nhờ sự nhanh nhạy nắm bắt trận đấu và đối thủ cùng với những điều chỉnh chiến thuật thi đấu hợp lý, linh hoạt, 4 đội đã giành những trận thắng quý giá, qua đó giành 4 vé chiếc đến Nha Trang.

Điều đáng tiếc nhất là việc không có đội nào của Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng và Trường ĐH Thông tin và Liên lạc (tiền thân là Trường Sỹ quan Chỉ huy kỹ thuật thông tin Nha Trang) thi đấu ấn tượng, đạt kết quả đủ để kiếm được dù chỉ một chiếc vé đến Vòng chung kết Robocon toàn quốc, nhất là đại diện của thành phố chủ nhà. Tuy nhiên, đây cũng là kết quả dễ hiểu và hợp lý khi thiếu hẳn sự đầu tư cho Robocon ở các trường truyền thống này so với trước đây.

Cùng ngày, vòng loại Robocon khu vực miền Bắc cũng đã kết thúc với kết quả 16 “gia đình” robot giành vé đến Nha Trang gồm: UNETI 02, UNETIDT21 (cùng Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật - Công nghiệp); FEE HHT 02, HHT-TNCĐ 01, HHT-Thăng Long (CĐ Nghề Công nghệ cao Hà Nội); IME, White horse, VJC (ĐH Công nghiệp Hà Nội); SKH-Family2, SKH-FME, SKH-Fire Win (ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên); KTHC2 (ĐH Kỹ thuật - Hậu cần Công an Nhân dân), SAO ĐỎ-CĐT01 (ĐH Sao Đỏ), CKLK-02 (CĐ Cơ khí - Luyện kim), VTEC-Family (CĐ Kinh tế Kỹ thuật Vĩnh Phúc) và HNIVC1 (CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội).

Vòng loại Robocon khu vực miền Nam cũng đã kết thúc với kết quả là có đến 7 “gia đình” robot của Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) giành vé đến vòng chung kết toàn quốc là LH-Zues, LH-NVN, LH - DCN, LH - Fire, LH-Q, LH - 112 và LH-S. 3 đội còn lại đại diện khu vực tham gia vòng chung kết toàn quốc là SPK-KHT1, SPK-Vega (cùng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh) và HIT-CU (CĐ Công thương TP. Hồ Chí Minh).

HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.