.

Chính thức khởi động vòng loại Robocon Việt Nam 2014

.

Vòng loại khu vực của cuộc thi Robocon Việt Nam 2014 sẽ diễn ra từ ngày 2 đến 6-4-2014 tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh với tổng số 161 đội đến từ 33 trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên ngành kỹ thuật trên cả nước.

Đề thi năm nay được đánh giá rất khó, đòi hỏi robot có kỹ thuật cao.
Đề thi năm nay được đánh giá rất khó, đòi hỏi robot có kỹ thuật cao.

Ngày 2-4, vòng loại của Robocon Việt Nam 2014 đã chính thức khai mạc tại 3 khu vực: miền Bắc được tổ chức tại Hà Nội (110 đội), miền Trung - Tây Nguyên tổ chức tại Đà Nẵng (31 đội) và miền Nam tổ chức tại TP.HCM (20 đội).

Thống kê của Ban tổ chức Robocon Vietnam 2014 cho thấy, có 161 đội tuyển đến từ các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên ngành kỹ thuật trên cả nước tham gia. Những trường có phong trào tham gia mạnh mẽ trong 5 năm trở lại đây vẫn tiếp tục tham gia với số lượng đội gia tăng, đặc biệt là khu vực phía Bắc.

Sau Vòng loại, 32 đội thi xuất sắc nhất sẽ tham gia vòng chung kết từ ngày 5-5 đến ngày 11-5-2014 tại Nha Trang (Khánh Hòa). Đội giành giải cao nhất sẽ đại diện cho Việt Nam tham dự Robocon Châu Á - Thái Bình Dương (ABU Robocon 2014) được tổ chức tại Ấn Độ vào tháng 8-2014.

Các đội thi tại khu vực miền Bắc.
Các đội thi tại khu vực miền Bắc.

Với chủ đề “Gia đình Robot”, đề thi năm nay được đánh giá là rất khó, yêu cầu việc thiết kế chế tạo phần cơ khí cho robot phức tạp hơn, đòi hỏi sinh viên phải đầu tư nhiều công sức. Cụ thể, các đội thi đấu sẽ phải thiết kế chế tạo một “Gia đình robot”, sân thi đấu là một công viên để hai đội (hai gia đình robot) thực hiện 3 trò chơi: Seesaw (cầu bập bênh), Pole walk (đi bộ trên cột) và Swing (xích đu).

Khi robot con hoàn thành 3 nhiệm vụ thì có thể thực hiện nhiệm vụ thứ 4 được đặt giữa công viên. Đội hoàn thành nhiệm vụ thứ 4 đầu tiên, sẽ đạt được “Shabaash” và thắng cuộc.

Thử thách lớn là việc thực hiện các bước chuyển tiếp của robot trên sân thi đấu sẽ phức tạp hơn bởi robot tự động không có bánh xe hay bánh xích, việc chuyển động, leo cầu thang dựa vào các cánh tay hoặc chân, đòi hỏi sự phối hợp hoàn hảo.

Robot con sau khi tách khỏi robot mẹ (nơi cầu thang) phải thực hiện nhiều nhiệm vụ một cách độc lập như leo lên đỉnh cầu thang mà không được chạm vào hai bên thành cầu thang, vẫy lá cờ ở điểm cao nhất của robot để ghi được điểm cao nhất. Như vậy, vai trò của Robot con rất lớn trong cuộc thi giữa hai đội, việc chế tạo và điều khiển robot con là thử thách không hề nhỏ dành cho các đội thi.

Ông Daisuke Bando - Giám đốc Ban hoạch định chiến lược, Công ty Toyota Việt Nam tại lễ khai mạc.
Ông Daisuke Bando - Giám đốc Ban hoạch định chiến lược, Công ty Toyota Việt Nam tại lễ khai mạc.

Năm nay, cuộc thi Sáng tạo Robot Việt Nam (Robocon Việt Nam 2014) cũng bước sang năm thứ 13 và Toyota Việt Nam tiếp tục là nhà tài trợ chính.

Dưới đây là một số hình ảnh tại vòng loại khu vực phía Bắc được tổ chức tại Nhà thi đấu Tây Hồ (Hà Nội):

Điều khiển robot vào cầu bập bênh.
Điều khiển robot vào cầu bập bênh.
Đòi hỏi sự tập trung cao độ.
Đòi hỏi sự tập trung cao độ.
Việc chế tạo và điều khiển robot con là thử thách không hề nhỏ dành cho các đội thi.
Việc chế tạo và điều khiển robot con là thử thách không hề nhỏ dành cho các đội thi.
Ban Giám khảo.
Ban Giám khảo.
Lực lượng cổ động viên của nhiều trường.
Lực lượng cổ động viên của nhiều trường.

 ICTNews

;
.
.
.
.
.