Gìn giữ giá trị đình làng Thạc Gián

.

UBND thành phố Đà Nẵng vừa phê duyệt dự án Bảo tồn, tôn tạo di tích đình làng Thạc Gián, góp phần gìn giữ di tích cấp quốc gia này.

Trải qua biến thiên của thời gian, đình làng Thạc Gián vẫn còn nguyên giá trị độc đáo về kiến trúc, lịch sử.
Trải qua biến thiên của thời gian, đình làng Thạc Gián vẫn còn nguyên giá trị độc đáo về kiến trúc, lịch sử.

Nội dung trùng tu gồm: tháo dỡ mái ngói tại những vị trí hư hỏng, thấm dột, tu bổ từng phần; xử lý mối ở hệ thống khung cột, kèo; xử lý một số vị trí tường bị nứt nẻ tại đình chính và nhà hồi hương. Tổng kinh phí gần 900 triệu đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố và Sở Văn hóa - Thể thao làm chủ đầu tư điều hành dự án.

Dù chỉ là công trình trùng tu nhỏ, nhưng sự cẩn trọng luôn được bộ phận thực hiện đề cao. Những ngày tháng 5 vừa qua, các nghệ nhân và thợ lành nghề từ Huế được thuê vào tiến hành tôn tạo; đồng thời ở mỗi công đoạn đều có chuyên viên phụ trách kỹ thuật của Công ty CP Đầu tư và phát triển Vishnu Huế - đơn vị thi công đảm nhận trông coi. Ngoài ra, Sở Văn hóa - Thể thao, Phòng Văn hóa - Thể thao quận Thanh Khê, UBND phường cùng với Ban quản lý đình làng Thạc Gián giám sát chặt chẽ việc thi công.

Theo bà Nguyễn Thị Lệ Hoa, Phó Phòng Văn hóa - Thể thao quận Thanh Khê, di tích cấp quốc gia đình làng Thạc Gián đặc biệt quan trọng trong hệ thống thiết chế văn hóa của quận và được người dân giữ gìn từ bao đời nay. Do đó, trước khi khởi công trùng tu, tôn tạo, các đơn vị liên quan đã họp bàn đến ba lần, có lấy ý kiến của chính quyền địa phương, Ban quản lý đình làng.

“Điều may mắn là Ban quản lý đình làng có nhiều người am hiểu lịch sử, kiến trúc của ngôi đình nên thuận tiện trong việc giám sát thi công, tránh trường hợp làm mới di tích hay thi công không bảo đảm chất lượng. Tổ bảo vệ tại chỗ cũng là người trong tộc họ của làng nên khá yên tâm, cán bộ phường, cán bộ Phòng Văn hóa - Thể thao quận cũng thường xuyên lui tới kiểm tra”, bà Hoa nói.

Các vị cao niên trong làng kể rằng, đình Thạc Gián ban đầu được làm bằng tranh tre, nằm riêng trên một khu đất giáp với bàu sen, gọi là bàu Làng, nối với biển Thanh Bình bằng một con lạch nhỏ. Trải qua thời gian, ngôi đình rộng hơn 2.000m2 giờ đây lọt thỏm giữa khu dân cư đông đúc tại con hẻm nhỏ gần ngã ba Cai Lang (phường Thạc Gián, quận Thanh Khê).

Tuy nhiên, quần thể di tích gồm đình làng, nhà hồi hương, nhà trù, miếu âm linh - những nét độc đáo của văn hóa làng ở Đà Nẵng vẫn còn nguyên giá trị. Nhà hồi hương đấu lưng với đình làng, có ba bộ cửa thoáng đãng, từng là nơi hội họp của các bậc kỳ lão, hương thân, chức sắc trong làng. Khi đình còn tranh tre thì nhà hồi hương được gọi là dịch trạm - nơi dừng chân ngơi nghỉ của quân lính đưa văn thư hoặc các quan từ Huế vào.

Giếng làng đã trên 200 năm, nước rất tốt, mỗi khi có cúng giỗ, lễ Tết, dân làng gánh nước về nấu cúng.Chếch về phía hữu đình có miếu âm linh với tấm bia sa thạch ghi chữ Hán “Thạc Gián xã Nghĩa trủng” được lập năm Thành Thái thứ 19 (Đinh Mùi - 1907).

Di cốt của các anh hùng nghĩa sĩ an táng ở nghĩa trủng ngày xưa đã được dời lên Gò Cà. Đình làng hiện còn lưu giữ 18 sắc phong, 38 chiếu chỉ của các triều đại hậu Lê, Nguyễn. Tất cả đều được Ban quản lý đình làng giữ gìn cẩn thận và trưng bày tại khu nhà hồi hương nhằm giới thiệu đến những người muốn quan tâm, tìm hiểu về đình làng.

Nhiều năm nay, để phát huy giá trị đình làng Thạc Gián, UBND quận tổ chức lễ hội đình làng Thạc Gián quy mô hơn. Kể từ năm 2009, có thêm phần hội và tổ chức 2 năm/lần. Vào rằm tháng Giêng diễn ra đêm thơ Nguyên tiêu tại đình. Đặc biệt, Đoàn Thanh niên tổ chức tham quan, tìm hiểu đình làng... nhằm nỗ lực biến nơi đây trở thành không gian văn hóa gắn liền với đời sống tinh thần của người dân.

Bài và ảnh: LÊ PHẠM

;
.
.
.
.
.
.