Điều kỳ diệu của hội họa

.

Gần 60 trẻ khuyết tật vận động, trẻ câm điếc, trẻ tự kỷ, trẻ em là nạn nhân chất độc da cam... say sưa trong từng nét vẽ tại hội thi “Chắp cánh ước mơ” do Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng tổ chức mới đây, cho thấy điều kỳ diệu của hội họa là có thật.

Trong những nét vẽ còn ngây ngô, vẫn cảm nhận được tấm lòng giàu cảm xúc của các em thiểu năng trí tuệ về mọi vật xung quanh.
Trong những nét vẽ còn ngây ngô, vẫn cảm nhận được tấm lòng giàu cảm xúc của các em thiểu năng trí tuệ về mọi vật xung quanh.

Dù không nói được nhưng khuôn mặt Huyền Tr. (học sinh lớp Điếc 4, Trường chuyên biệt Tương Lai) luôn nở nụ cười khi mọi người nhắc đến vẽ. Qua ngôn ngữ ký hiệu với cô giáo chủ nhiệm, Tr. cho biết, ngoài giờ học các môn văn hóa, em còn dành tình yêu đặc biệt cho môn mỹ thuật từ khi em học lớp 1. Các bức tranh do em vẽ có nội dung chủ yếu về Đà Nẵng như cầu Sông Hàn, pháo hoa... 

“Nhà em ở quê, cách xa trung tâm thành phố (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang - PV) nên từ nhỏ em ít có cơ hội được xuống thành phố. Vì thế, mỗi khi được đi là em háo hức và về nhà vẽ lại những cảnh đẹp của thành phố mà em thích”, Huyền Tr. tâm sự bằng ký hiệu.

Trong khi đó, với cô bé Phương U. (12 tuổi, học sinh Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập - tiền thân là Trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu), điều khiến em tập trung duy nhất là màu sắc và nét vẽ. Bức tranh của em thể hiện một làng quê yên bình có hồ sen, đường làng...

Cô Võ Thị Trâm, giáo viên chủ nhiệm của Phương U. cho biết, đối với trẻ tự kỷ, việc dạy học phải dựa vào sở thích của mỗi em. Nếu đưa cho các em những đồ vật xung quanh thì các em sẽ không chú ý nhưng khi đúng sở thích, các em sẽ quan tâm và hiểu vấn đề nhanh hơn.

Ví dụ với trường hợp bé Phương U., khi phát hiện em rất thích những gì liên quan đến màu sắc, hình vẽ, giáo viên đã lựa chọn phương pháp hội họa để khuyến khích khả năng nhận biết của em. Và đúng như vậy, khi vẽ em tập trung hơn khi làm những việc khác.

Điều khiến những ai có mặt tại hội thi hôm ấy rưng rưng xúc động là hình ảnh các em nạn nhân của chất độc màu da cam đang miệt mài với những nét vẽ hồn nhiên. Không ít em đã hơn 20 tuổi nhưng hình hài và cả trí óc đều nhỏ hơn nhiều so với tuổi. Mỗi khi hoàn thành một công đoạn của bức tranh, các em biểu lộ sự phấn khích bằng những cái “đập tay” với cả người lạ.

Thầy Trương Tấn Dũng, giáo viên dạy bộ môn Tin học và Mỹ thuật của Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng chia sẻ, các em chủ yếu bị thiểu năng trí tuệ nên nhận thức rất hạn chế. Có nhiều em khi mới vào trung tâm với tình trạng không nhận thức được đồ vật, sự vật xung quanh, nhưng thông qua bộ môn mỹ thuật, các thầy cô dùng những bức tranh khơi gợi rồi giúp các em vừa tô màu, vẽ vừa nhận biết đồ vật, sự vật gần gũi với mình.

“Cao hơn một bước nữa là sau khi được tiếp xúc với hội họa, các em có thể bộc lộ bản thân một cách trực tiếp, qua đó cảm thấy vui vẻ, tự tin hơn”, thầy Dũng nói.

Với cô Nguyễn Thị Hồng Thu (giáo viên chủ nhiệm lớp Điếc 4, Trường chuyên biệt Tương Lai), dạy mỹ thuật trong trường phổ thông nói chung, trường chuyên biệt nói riêng, không phải là cách đào tạo học sinh trở thành họa sĩ mà là giúp các em biết cách cảm nhận cái đẹp của cuộc sống và biết cách tự tạo ra cái đẹp, đồng thời thể hiện tâm tư tình cảm của mình. Tại Trường chuyên biệt Tương Lai, bộ môn vẽ được đưa vào hoạt động buổi chiều, từ đó phát hiện sở trường cũng như năng khiếu của các em.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố, sân chơi hội họa cho trẻ em khiếm khuyết không nhiều. Cuộc thi “Chắp cánh ước mơ” do Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng phối hợp thương hiệu Áo dài Phương Nguyễn Silk tổ chức lần thứ 2 nhằm tạo ra sân chơi bổ ích cho các em. Theo ý kiến nhiều phụ huynh, trẻ em, đặc biệt là trẻ khiếm khuyết càng cần được quan tâm nhiều hơn.

“Những cuộc thi thế này không chỉ là dịp để các em thể hiện năng khiếu hội họa, gặp gỡ giao lưu mà còn là cơ hội để cộng đồng khích lệ, động viên, giúp các em vượt qua những rào cản, hòa nhập thật sự với cộng đồng”, mẹ em Hồ Gia B. (học sinh lớp Điếc 4, Trường chuyên biệt Tương Lai) chia sẻ.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.
.