Thận trọng trùng tu di tích

.

Đà Nẵng đang tiến hành phát lộ di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải để thực hiện giai đoạn 1 dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt này; đồng thời phối hợp tỉnh Thừa Thiên Huế khai quật khảo cổ học tại di tích quốc gia Hải Vân quan. Đây được xem là động thái tích cực, bước đi thận trọng trong công tác trùng tu di tích.

Dưới độ sâu hơn 2 mét, các nhà khảo cổ đã làm lộ diện bậc cấp bằng đá thanh, móng cổng và lối đi lên di tích Hải Vân quan.
Dưới độ sâu hơn 2 mét, các nhà khảo cổ đã làm lộ diện bậc cấp bằng đá thanh, móng cổng và lối đi lên di tích Hải Vân quan.

Đối với di tích thành Điện Hải, ngay sau khi được công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt, ngày 29-3, UBND thành phố Đà Nẵng đã triển khai giai đoạn 1 dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo để cứu di tích này. Sau hơn một tháng triển khai, nhiều dấu tích rất quan trọng ở phía tây thành Điện Hải được phát hiện gồm phần tường hào, phần móng gạch nối tường hào và tường thành phía tây thành Điện Hải.

Trong khi đó, đầu tháng 5, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiến hành khai quật khảo cổ tại di tích Hải Vân quan thuộc thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, với diện tích khai quật 600m2. Sau hơn 10 ngày khai quật khảo cổ, các nhà khảo cổ đã làm lộ diện bậc cấp bằng đá thanh, móng cổng và lối đi lên di tích Hải Vân quan được xây từ thời nhà Nguyễn mà thời gian qua chôn sâu dưới lòng đất.

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, cả hai di tích thành Điện Hải và Hải Vân quan đều là những công trình kiến trúc độc đáo, có giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt quan trọng, thể hiện tầm nhìn chiến lược về quân sự rất đúng đắn và hợp lý của triều Nguyễn.

Nếu như Hải Vân quan được xem là cửa ải quan trọng trấn giữ đường thiên lý bắc - nam và đứng từ Hải Vân quan có thể quan sát tàu thuyền ra vào cửa biển Đà Nẵng nên có vị trí chiến lược trong tổ chức phòng thủ bảo vệ kinh đô Huế; thì thành Điện Hải là điểm phòng thủ quan trọng bậc nhất tại cửa biển Đà Nẵng, có vai trò đặc biệt trong cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858 – 1860. Do đó, việc trùng tu hai di tích này cần hết sức thận trọng và bảo đảm tính chân xác.

Ông Hoàng Văn Thưởng (cán bộ Phòng Nghiên cứu sưu tầm, Bảo tàng Lịch sử quốc gia), phụ trách công tác khai quật tại Hải Vân quan cho biết, bao giờ muốn trùng tu một di tích thì công tác khảo cổ học phải đi trước một bước bởi khảo cổ học là tìm những vết tích nguyên gốc, cực kỳ quan trọng đối với công tác trùng tu.

“Những người làm công tác trùng tu sau này bắt buộc phải dựa vào vết tích khảo cổ học để lập hồ sơ dự án. Thứ nhất là đúng với nguyên tắc của UNESCO về trùng tu di tích, thứ hai bảo đảm tính nguyên gốc và tính lịch sử của di tích, chứ không thể ngồi bàn giấy phác họa khi chưa có chứng cứ cụ thể nào để làm cơ sở lên phương án trùng tu”, ông Thưởng nói.

TS, KTS Hoàng Đạo Cương, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng nhấn mạnh, tính nguyên gốc của di tích là yếu tố cần được quan tâm hàng đầu trong quá trình triển khai các dự án tu bổ di tích.

Do đó, một yêu cầu bắt buộc luôn được đặt ra trong quá trình trùng tu di tích là hạn chế đến mức thấp nhất tác động vào giá trị gốc của di tích. Vì thế, ở những hạng mục trùng tu cần có những dấu hiệu riêng để phân biệt phần phục dựng và phần gốc. Với dự án trùng tu, tu bổ thành Điện Hải cần phải thực hiện nghiêm nguyên tắc này. Phần xây thêm, chúng ta phải lùi vào so với phần gốc 1 đến 2cm để phân biệt cái cũ và cái mới.

Trong khi đó, Th.s Nguyễn Quang Trung Tiến, Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Huế khuyến cáo, trong giai đoạn tiếp theo của việc trùng tu, tôn tạo di tích thành Điện Hải buộc phải đầu tư kỹ hơn, tránh việc làm mới di tích hoặc làm sai di tích, tránh tình trạng làm mới hoàn toàn di tích như đã xảy ra ở nhiều địa phương trong thời gian qua.

Trao đổi thêm về công tác trùng tu hai di tích đặc biệt quan trọng này, ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao thành phố Đà Nẵng cho biết, những phát lộ cùng với việc thám sát tại di tích thành Điện Hải là bước đi thận trọng trong công tác trùng tu. Trên cơ sở đó, sẽ có những giải pháp tính toán, cân đối lại hồ sơ thiết kế và tiếp tục thực hiện việc trùng tu, tôn tạo.

Trong khi đó, di tích Hải Vân quan đang được tiếp tục mở rộng phạm vi khai quật nhằm mục đích làm phát lộ các dấu vết của tường thành, bậc cấp, đồn phòng thủ của Hải Vân quan, phục vụ cho việc nghiên cứu và xây dựng dự án quy hoạch trùng tu tổng thể công trình.

Bài và ảnh: HÀ THU

;
.
.
.
.
.
.