Khởi sắc văn hóa đọc

.

Thời gian qua, những nỗ lực của chính quyền thành phố cùng sự vào cuộc của các tổ chức, đơn vị phát hành sách, cá nhân yêu thích sách đã góp phần đáng kể khơi dậy văn hóa đọc tại Đà Nẵng.

Việc tổ chức các hội sách, phiên chợ sách tạo điều kiện cho bạn đọc tiếp cận với văn hóa đọc.
Việc tổ chức các hội sách, phiên chợ sách tạo điều kiện cho bạn đọc tiếp cận với văn hóa đọc.

Đầu tư cho văn hóa đọc

Những năm gần đây, việc phát triển văn hóa đọc trở thành một trong những chủ trương quan trọng của thành phố Đà Nẵng. Nhiều đề án liên quan đến phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng được UBND thành phố phê duyệt như:

“Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, “Xây dựng thư viện công cộng đến năm 2020”, “Khuyến khích văn hóa đọc hướng đến đối tượng chính là học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, hay kế hoạch thực hiện thẻ thư viện liên thông cho hệ thống thư viện công cộng thành phố đến năm 2020...

UBND thành phố cũng giao Sở Văn hóa-Thể thao phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phong trào đọc sách, phát triển văn hóa đọc, gắn kết phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và các công việc liên quan phát triển văn hóa đọc trên địa bàn.

Theo đánh giá của ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng, những đề án này sẽ góp phần “hồi sinh” thói quen đọc sách của các tầng lớp nhân dân.

Cụ thể, chỉ riêng triển khai đề án “Xây dựng thư viện công cộng đến năm 2020” sẽ giúp Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng trở thành thư viện công cộng điện tử hàng đầu cả nước và đến năm 2020, hệ thống thư viện trên toàn thành phố bảo đảm mỗi người dân Đà Nẵng có trên 1 bản sách (kể cả sách điện tử) trong thư viện công cộng, nghĩa là bằng hoặc vượt so với chỉ tiêu Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đặt ra trong đề án là 1 bản sách/đầu người và 50% dân số thành phố sử dụng dịch vụ của thư viện.

Với đề án “Khuyến khích văn hóa đọc hướng đến đối tượng chính là học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” thì mục tiêu đến năm 2025 có 70-80% học sinh, sinh viên có thói quen đọc sách và sử dụng thư viện…

Đề án cũng triển khai một số hoạt động “chưa từng có” tại Đà Nẵng như: tổ chức cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” dành cho học sinh các cấp, xe thư viện lưu động, tổ chức hội sách định kỳ tại 7 quận, huyện của thành phố thay vì các quận trung tâm như trước đây…

Chung tay của toàn xã hội

Đến nay, vẫn chưa có con số thống kê đầy đủ nhưng không khó để bắt gặp nhiều quán cà-phê trên địa bàn thành phố bắt đầu chú trọng trưng bày các tủ sách một cách đẹp mắt để phục vụ khách hàng.

Đặc biệt, hiện Đà Nẵng có hai dự án đọc sách kết hợp không gian thư giãn, giải trí do Hàn Quốc tài trợ một phần gồm: Công viên cà-phê sách Đà Nẵng - Daegu (góc ngã ba đường Lê Cơ và Lê Bá Trinh, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) và dự án công viên vui chơi công cộng cho trẻ em kết hợp phòng đọc và cà-phê sách thuộc khu dân cư An Hòa, phường An Hải Bắc do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ.

Nhiều mô hình thư viện tư nhân, các câu lạc bộ đọc sách, mô hình “Tủ sách cộng đồng” lần lượt ra đời như: Câu lạc bộ đọc sách miễn phí cho sinh viên tại ký túc xá phía tây thành phố (tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), thư viện tư nhân của thầy Đặng Văn Mười (giáo viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên thành phố số 1) tại phường An Hải Đông, quận Sơn Trà…

Mới đây nhất, mô hình “Xây dựng thói quen và tình yêu đọc sách” (We love reading) được thành lập từ năm 2006 ở Jordan và có mặt tại 33 nước trên thế giới (welovereading.org) cũng đã “đến” Đà Nẵng, do chị Vũ Thị Thùy An, hiện giảng dạy tại Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) làm trưởng dự án.

Tại Đà Nẵng, dự kiến dự án sẽ có 20 buổi đọc sách vào 20 ngày cuối tuần dành cho trẻ với mục đích hình thành thói quen và tình yêu đọc sách cho trẻ. “Với dự án này, bất cứ ai, ở ngành nghề nào cũng có thể làm đại sứ đọc, miễn là yêu thích đọc sách và mong muốn truyền cảm hứng đọc sách đến trẻ em. Khi trẻ đã say mê đọc sách thì tự khắc khám phá sách theo một thói quen”, chị Thùy An nói.

Đóng góp vào làn gió mới cho văn hóa đọc thành phố phải kể đến hội sách hình thành nhiều năm qua và mới đây nhất là phiên chợ sách đầu tiên tại Đà Nẵng, trong đó có sự tham gia tổ chức của các công ty phát hành sách như: Công ty Văn hóa Phương Nam, Công ty Sách - Huế C&C…

Việc xã hội hóa này không chỉ giảm gánh nặng ngân sách mà còn nâng cao tính chuyên nghiệp trong tổ chức bởi các doanh nghiệp lấy người đọc làm trung tâm để phục vụ và thậm chí lấy ý kiến của các độc giả để cung cấp loại sách họ cần tìm đọc, biết các hoạt động phụ trợ độc giả thích…

Bà Nguyễn Thị Hội An, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao thành phố cho biết, thông qua các hội sách, phiên chợ sách, có thể thấy người Đà Nẵng rất quan tâm đến sách và sự đầu tư mạnh mẽ của thành phố cũng như các tổ chức, cá nhân đã hội tụ điều kiện cần để phát triển văn hóa đọc.

“Điều quan trọng là cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa đọc đối với mọi tầng lớp nhân dân. Do đó, hưởng ứng Ngày sách Việt Nam, sở tổ chức lễ phát động hưởng ứng phong trào văn hóa đọc và khai trương Tủ sách Đà Nẵng nhằm đánh thức tình yêu với sách, làm quen với sách, đặc biệt tìm hiểu sách của các tác giả Quảng Nam, Đà Nẵng”, bà Hội An cho hay.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.
.