Dạy con thói quen đọc sách

Cứ thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, khá đông các ông bố, bà mẹ lại đưa con đến Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố để nghe các đại sứ đọc sách, qua đó giúp hình thành thói quen đọc cho trẻ.

Là mẹ của hai con, chị Nguyễn Thị Kim Khuê (làm việc tại một công ty du lịch trên địa bàn thành phố), cho biết, để trẻ thích sách, chính ba mẹ phải yêu sách mới truyền được tình yêu đó cho con.

Từ khi mang thai, mỗi tối chị Khuê đều dành thời gian đọc sách cho con nghe để hình thành thói quen đọc sách cho con sau này và để duy trì niềm vui đọc cho chính mình.

Chị Khuê nói: “Từ nhỏ tôi đã thích sách nên khi có con, tôi cũng muốn hình thành tình yêu sách cho con. Đêm nào cũng vậy, dù bận rộn đến mấy tôi cũng dành 1-2 tiếng đọc sách cho con nghe. Đến nay, con tôi đã hơn 3 tuổi và rất thích sách, coi chuyện đọc sách là một phần không thể thiếu trong mỗi buổi tối”.

Theo chị Khuê, hiện nay, để trẻ hình thành thói quen đọc sách tích cực là một việc quá khó, bởi xung quanh bé có nhiều thứ lôi kéo hấp dẫn như ti-vi, điện thoại, trò chơi điên tử. Điều này đòi hỏi các ông bố, bà mẹ phải thực sự quan tâm đến việc đọc của con.

Chị Dương Thị Thu Hiền (phường Mân Thái, quận Sơn Trà), cũng cho biết: “Sinh con được 3 tháng, tôi bắt đầu đọc sách cho con nghe vào mỗi tối. Đến nay, con gái đã gần 4 tuổi và hầu như không có đêm nào chịu ngủ nếu chưa cùng mẹ đọc 1-2 cuốn sách”.

Theo chị Hiền, tùy từng lứa tuổi của con để phụ huynh chọn loại sách phù hợp. Ngoài sách Việt Nam, bố mẹ có thể chọn truyện tranh nước ngoài, sách tiếng Anh... để đọc và dạy trẻ.

Có thể trẻ không thể nhớ hết ngay nội dung bố mẹ đọc lúc đó, nhưng lâu dần việc nghe đọc sách và đọc sách sẽ giúp hình thành những kỹ năng, thói quen tốt cho trẻ.

“Xây dựng thói quen và tình yêu đọc sách” (We love reading) là mô hình dành cho trẻ em nổi tiếng thế giới, được thành lập từ năm 2006 ở Jordan và hiện có mặt tại 33 nước trên thế giới (welovereading.org). Mô hình này vừa được UNESCO trao giải thưởng “Dự án đọc hay nhất” và có mặt tại Việt Nam vào cuối năm 2017.

Ban điều hành dự án đọc phi lợi nhuận này tại Việt Nam đã tập hợp các chuyên gia trong ngành giáo dục đang công tác và nghiên cứu tại nhiều quốc gia như Pháp, Mỹ, Việt Nam để làm đại sứ đọc với mục tiêu có 20.000 đại sứ đọc, 20.000 tủ sách/thư viện và 500.000 trẻ em 4-11 tuổi được hưởng lợi.

Chị Vũ Thị Thùy An, Trưởng dự án đọc tại Đà Nẵng cho biết, chị biết đến dự án này từ tháng 11-2017 khi dự án về Việt Nam. Chị An vốn là cựu sinh viên tại Pháp, hiện giảng dạy tại Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) nên chị càng dễ dàng kết nối dự án với phụ huynh và trẻ em ở Đà Nẵng.

Chị An nói: “Mong muốn của mình cũng như các đại sứ đọc là giúp các bé tiếp cận nhiều hơn với sách. Nhưng trước hết, chính ba mẹ của các em phải là những đại sứ đọc cho con mình, phải hun đúc tình yêu sách và xây dựng thói quen đọc sách cho con. Tại Đà Nẵng, dự kiến dự án sẽ có 20 buổi đọc sách vào 20 ngày cuối tuần dành cho trẻ”.

Với cách dạy trẻ cầm sách, lật sách sao cho đúng, tôn trọng cuốn sách, xây dựng không gian đọc sách cho trẻ, nhóm đại sứ đọc tại Đà Nẵng mong muốn hình thành thói quen và tình yêu đọc sách cho trẻ.

“Ngoài đọc sách cho con nghe, bố mẹ còn nên kích thích trẻ tò mò, tìm hiểu về sách và các câu chuyện trong sách. Việc cho con tương tác với những câu chuyện, cuốn sách sẽ giúp xây dựng tình yêu sách cho trẻ một cách tự nhiên, không gượng ép”, chị An nói.

THANH TÌNH

;
.
.
.
.
.
.