Non nước Tràng An

.

Tràng An đã được Việt Nam xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng và UNESCO công nhận là di sản thế giới. Tràng An với hệ thống dãy núi đá vôi có tuổi địa chất khoảng 250 triệu năm qua thời gian dài phong hóa đã mang trong mình hàng trăm thung lũng, hang động hồ đầm.

Hệ thống núi đá sông suối và hang động ở Tràng An rất hiểm trở nên được vua Đinh Tiên Hoàng chọn làm thành Nam bảo vệ kinh đô Hoa Lư ở thế kỷ X và sau đó nhà Trần sử dụng làm hành cung Vũ Lâm trong kháng chiến chống quân Nguyên-Mông. Hiện nay nơi đây còn nhiều di tích lịch sử thời Đinh và thời Trần.

Đoàn  thuyền xuôi trên sông nước Tràng An.
Đoàn thuyền xuôi trên sông nước Tràng An.

Nhà thơ Bình Nguyên, Hội Văn học-Nghệ thuật Ninh Bình đưa chúng tôi đến Thung Nham cách bến Tam Cốc 5km. Đó là vùng đất còn hoang sơ, nơi những cánh chim trời lựa chọn để bay về mỗi chiều.  Số lượng lúc đông lên tới hàng vạn con chủ yếu là cò, vạc, diệc, mồng két...

Ngoài ra còn có thể nhìn thấy đàn vịt trời, le le tung tăng bơi lội dưới khu đầm lầy. Điều đặc biệt là người ta đã phát hiện một số cá thể Hằng hạc và Phượng hoàng tại vùng Thung Nham. Đây chính là hai loài chim quý đã được ghi trong sách đỏ nằm trong bộ tứ linh (Long, ly, quy, phượng).

 Vừa mênh mông bồng bềnh trang trải với không gian kỳ thú Thung  Nham, chúng tôi tìm đến một  địa chỉ tâm linh: Đền Trần (hay còn gọi là đền Vũng Thắm – thắm máu với truyền thuyết ly kỳ), nơi gắn liền với “Vũng máu” của một 1.000 binh sĩ.

Khoảng hai giờ đồng hồ lênh đênh trên chiếc thuyền lá đi qua chín cửa hang trèo qua ngọn núi dựng đứng chừng 100m chúng tôi đến được đền Trần.  Theo truyền thuyết đêm 15-8-979 tên tiểu nhân gian thần Đỗ Thích đã dùng thuốc độc sát hại Vua Đinh và con trai là Nam Việt Vương Đinh Liễn.

Tướng Phạm Bạch Hổ - một người trung thành với triều đình nhà Đinh đã mang hơn 1.000 quân về cánh rừng này ẩn dật với mục đích khôi phục binh mã phục lại vị thế cho triều Đinh. Tuy nhiên nơi đây rừng sâu, quân yếu, lương mỏng địch  vây giáp 4 mặt.

Hai bên giao tranh quyết liệt, quân của Phạm Bạch Hổ không cầm cự được lâu và 1.000 binh sĩ đều thiệt mạng. Máu chảy ngập thung lũng, thế nên vũng nước quanh đền được gọi là Vũng Thắm. Sau này vua Trần Cảnh qua đây cho tu sửa và đổi tên là đền Trần.

Ở đây là cả bật ngàn rừng cây si rậm dính chặt vào nhau vì khi quân lính thiệt mạng, mỗi một nấm mộ người ta cắm lên một cây si.

Đền Trần là ngôi đền có kiến trúc khá độc đáo, nằm lặng lẽ giữa rừng sâu với sắc màu rêu phong bí ẩn. Đền được vua Đinh xây dựng là một trong bốn ngôi đền trấn 4 hướng đông-tây-nam-bắc. Hiện nay ngôi đền vẫn giữ được mười  hai cột đá toàn bộ  dầm xà  ngưỡng cửa ngạch mái trên đều bằng đá.

Sau khi dẹp quân Mông xâm lược (năm 1258) Vua Trần Thái Tông đã về đây tu hành. Đền được xây dựng theo kiểu chữ “nhị” gồm hai tòa liền nhau, mái lát cuốn đá xanh.

Tôi không thể tin được ngày xưa bằng cách nào mà các nghệ nhân đã chuyển chở được những khối đá nặng từ dưới chân núi lên đỉnh và xuống thung lũng này. Ở đền Trần các câu đối được chạm khắc luôn vào cột đá của đền.

Bên trên tòa hậu cung, bên trong long cung có tượng Quý Minh Đại Vương và phu nhân của Ngài là Minh Hoa Công Chúa. Theo ngọc phả hiện đang lưu giữ tại đền Cả (Hoa Lư – Ninh Bình) thì Quý Minh là một trong ba anh em, đồng thời là ba vị tướng có công dẹp giặc dưới thời vua Hùng thứ 18 đã được phong Thánh gồm  Sơn Thánh Tản Vương và Cao Sơn Đại Vương.

Nếu đền Trần với kiến trúc nhỏ và tinh xảo thì chùa Bái Đính là một quần thể lớn nhất Đông Nam Á. Tìm hiểu về lịch sử để có chùa Bái Đính đồ sộ hiện nay bắt đầu từ chùa Bái Đính Cổ tự. Tên gọi Bái Đính được dân gian giải thích rằng: Bái có nghĩa là lễ bái, còn đính nghĩa là đỉnh. Bái Đính có nghĩa là   cúng bái trời đất, phật thánh ở trên (đỉnh cao).

Chuyện ngôi chùa cổ Bái Đính bắt nguồn từ việc cách đây từ 1.000 năm có một thiền sư tên là Nguyễn Minh  Không trên đường đi tìm thuốc chữa bệnh cho Hoàng Thái từ Triều Lý tên là Dương Hoán. Khi trở về Ngài tình cờ phát hiện hai hang động tuyệt đẹp nằm trên đỉnh núi với sự cảm ngộ tinh tường về vùng đất phật linh thiêng nơi đây nên sau khi chữa lành bệnh cho Dương Hoán, Ngài được vua Lý phong chức Lý Quốc Sư nhưng Ngài từ chối. Ngài chỉ xin vua cho về ngọn núi nơi đã tìm ra cây thuốc quý xây chùa, thỉnh phật về thờ để tạ ơn trời đất và Phật Thánh. Chúa Bái Đính ra đời từ đó.

Theo nhà thơ Bình Nguyên, người đã chi nghìn tỷ xây chùa Bái Đính  mới như hiện nay là ông Nguyễn Văn Trường (sinh 1963 quê ở thôn Chi Phong, xã Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình). Ông là người sùng đạo Phật có cuộc sống bình dị, ẩn mình ăn chay trường nhiều năm nay. Ông ít khi xuất hiện trên báo chí và thường từ chối chụp ảnh. Ông sống khiêm nhường nhã nhặn.

 Nhiều lúc tôi ngẩn ngơ trước những vẻ đẹp của Tràng An một vùng non nước mây trời hòa quyện. Mặt nước trong xanh soi bóng những vách núi điệp trùng của Tràng An tạo thành hành trình xuyên thủy khép kín mà không quay trở lại.

Các hồ nước được nối với nhau bởi các gạch nối là các động xuyên thủy có độ dài ngày khác nhau vừa tầm một chiếc thuyền con đi qua, vách đá cũng vừa tầm cho người ngồi. Chị lái thuyền chở chúng tôi đi nở nụ cười rất tươi tắn.

Nghề nghiệp cũng tạo cho họ một sự linh hoạt thật uyển chuyển và hồn hậu. Vừa chèo thuyền chị còn là hướng dẫn viên không chuyên giải thích nguồn gốc từng hang. Hang Tối với chiều dài 30m đi sự quanh co uốn khúc nên ánh sáng không vào được.

Chính bởi tên gọi đó càng tăng thêm sự hiếu kỳ muốn tìm hiểu khám phá vẻ đẹp từ người xưa vừa gần gũi xa xăm bí ẩn. Hang Sáng dù tên gọi là sáng nhưng vào đây du khách vẫn phải dùng đèn vì hang dài 112m.  rộng 12m và gấp khúc theo hình thước thợ.

Từ “hang Tối” đến “hang Sáng” chính là khát vọng của con người: Hết mưa lại nắng, tối rồi sẽ sáng, qua đông tàn là xuân sang. Có lẽ phong cảnh cũng thật hài hòa với lòng người do vậy mà người xưa đặt tên cho hang như muốn gửi gắm triết lý nhân văn sâu sắc.

Tôi thật bất ngờ và lý thú khi thuyền chèo vào hang Nấu Rượu dài khoảng 250m.  tương truyền trong hang có mạch nước ngầm sâu hơn 10m nối ra khu vực cố đô Hoa Lư, xưa kia các bậc tiền bối đã vào đây lấy nước nấu rượu tiến Vua.

Trong quá trình nghiên cứu khảo cổ học các nhà khoa học đã phát hiện nhiều bình gốm, hũ, vại và các dụng cụ nấu rượu ở đây. Hiện nay trên bãi cát của hang xếp nhiều dãy bình da lươn đựng rượu có nắp đậy bằng vải đỏ trông thật bắt mắt hấp dẫn.

Còn có những tên hang gọi tên lên ta đã hình dung ra được chức năng riêng của nó. Ví như hang Múa tương truyền ngày xưa là nơi biểu diễn văn nghệ hát múa của các cung nữ đời nhà Trần. Hay hang Bụt có một tấm nhụ đá cao 1,5m rộng 2m có hình thù giống một ông Bụt hiện ra.

Non nước Tràng An là một sự hài hòa giữa núi với sông, đá với nước  hang động với đền chùa. Tràng An đều gắn với bao tên tuổi danh nhân văn hóa và lịch sử. Không phải ngẫu nhiên mà tể tướng Nguyễn Nghiễm thân phụ của  Đại thi hào Nguyễn Du năm 1773 đã đặt cho Bích Động là động Xanh.

Một màu xanh phẳng lặng, nhấp nhô, xanh tươi tốt trong lòng người vừa mới trải ra bao la đã eo thắt đã uốn lượn. Có cảm giác hội tụ về đây những tinh túy của đất trời của hào khí một thời và mãi mãi.

Bên những kiến trúc hoành tráng do con người tạo dựng thì vẫn còn đó những nét tinh xảo chạm trổ của bàn tay tạo hóa thiên nhiên. Chiếc thuyền nhẹ trôi với mái chèo quẫy nước mộc mạc. Chúng tôi cũng như trôi theo bao ký ức của mình.

Và kìa, một đàn chim trời tự nhiên xuất hiện chao cánh lấp lánh ánh nắng. Và tôi nhìn xuống lòng sông xanh mát trong veo vẫn còn lưu lại bóng đàn chim lặn mất hút vào nền trời Trang An xanh thắm.

Nguyễn Ngọc Phú

;
.
.
.
.
.
.