Bảo tồn văn hóa làng biển

.

Ngày 1-4, trên địa bàn thành phố diễn ra hai lễ hội cầu ngư đặc trưng của ngư dân miền biển Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) và làng Nam Thọ (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà).

Trong bối cảnh nhiều làng chài bị mai một trước cơn lốc đô thị hóa thì việc duy trì lễ hội cầu ngư là nỗ lực không nhỏ của người dân làng biển và chính quyền địa phương.

Lễ nghinh thần là một trong những nghi lễ đặc sắc của lễ hội cầu ngư, thể hiện lòng thành kính của ngư dân đối với vị thần của biển cả, đức Ngư Ông.
Lễ nghinh thần là một trong những nghi lễ đặc sắc của lễ hội cầu ngư, thể hiện lòng thành kính của ngư dân đối với vị thần của biển cả, đức Ngư Ông.

Ăn sâu vào tâm khảm…

Có mặt từ rất sớm tại lăng Ông Vạn Đồng Hiệp (đường Hoàng Sa, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), những vị cao niên trong làng cùng nhau ôn lại chuyện đời, chuyện nghề. Ông Nguyễn Quốc Trị, năm nay 63 tuổi đã có hơn 40 năm theo nghề, kỷ niệm nhiều không nhớ hết.

“Bây giờ phương tiện đi biển hiện đại hơn, nhưng trong tâm thức người đi biển, cá Ông vẫn là vị thần biển cả giúp đỡ và phù hộ cho ngư dân mỗi chuyến ra khơi. Đạo lý ấy đã ăn sâu vào tâm khảm mỗi người”, ông Trí nói.

Ông Trí còn đọc vài câu trong lời hát bả trạo ca ngợi cá Ông: Ngó lên Bắc Đẩu Nam Tào/ Kìa con cá Liệt nọ sao Ông Chài/Ngó ra biển bạc nước săn/Mồi neo sửa lót neo quen dừng chèo/Thuyền nan gặp sóng ba đào/Kêu Ngài, Ngài đã đưa vào cứu con…

Tín ngưỡng này dẫn đến tục thờ cá Ông và ai phát hiện cá Ông mắc cạn, tục gọi là “ông lụy” thì có bổn phận chôn cất, để tang Ông như để tang chính cha mẹ mình. Ông Dương Thụy (76 tuổi, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) là một trong những trường hợp để tang cá Ông.

Ông Thụy kể: “Lúc đó còn trai trẻ, tôi vừa đi biển về thì thấy Ông đang dạt vào gần vùng Nam Ô. Tôi đã gọi dân làng ra làm lễ và rước Ông vào, tôi để tang Ông 3 năm. Sau đó, dân làng cải táng, xương cốt Ông được bỏ vào hòm đưa vào lăng thờ. Hiện nay, trong lăng có rất nhiều bộ hài cốt của cá Ông và phía trước lăng vẫn còn một ngôi mộ chưa cải táng”.

Tùy theo tục lệ mỗi địa phương, việc tổ chức ngày lễ kỵ Ông gắn với ngày hội ra quân đánh bắt cá. Hiện tại, lễ hội cầu ngư trên địa bàn thành phố Đà Nẵng diễn ra từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch tại các lăng/miếu thờ cá Ông được phân bố chủ yếu tại các vùng ven biển quận Sơn Trà, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu và trở thành văn hóa truyền thống của cư dân miền biển.

Trưởng ban Vạn Đồng Hiệp (phường Thọ Quang) Nguyễn Trường Sơn chia sẻ, mỗi năm, dân làng đều thành kính tổ chức lễ cúng Ngư Ông không chỉ để cầu xin thần ban cho ngư dân được mùa biển mà còn nhằm tưởng nhớ những vị tiền hiền lập làng, lập ấp, nhắc nhở bản thân và con cháu mình nghề biển là nghề chính nuôi sống bao thế hệ của làng.

Khó khăn trong bảo tồn

Thực hiện đề án Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vùng biển Sơn Trà, quận Sơn Trà tổ chức lễ hội cầu ngư cấp quận và từ năm 2016 đến nay tổ chức luân phiên giữa hai phường Thọ Quang và Mân Thái.

Đặc biệt năm 2018, từ nguồn xã hội hóa, lễ hội cầu ngư Sơn Trà được tổ chức khá quy mô. Thay vì hai ngày như trước đây, lễ hội diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 1 đến 5-4 (tức từ ngày 16 đến 20-2 âm lịch) với hàng loạt hoạt động văn hóa-nghệ thuật như: hô hát bài chòi, hát bả trạo, hát tuồng...; các môn thể thao biển truyền thống như: thi đan lưới, kéo co, ngoáy thúng, gánh cá...

Theo ông Nguyễn Đắc Xứng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, tại lễ hội cầu ngư, UBND quận phát động bà con ra khơi đánh bắt hải sản. Trên địa bàn quận Sơn Trà có 1.183 tàu thuyền và thúng máy; trong đó nhiều tàu được hỗ trợ kinh phí đóng mới với công suất lớn, có điều kiện đánh bắt xa bờ, kết hợp phát triển kinh tế với bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

“Mỗi chiếc tàu gắn lá cờ đỏ sao vàng trên nóc chính là một cột mốc chủ quyền của Tổ quốc trên biển. Vì thế, lễ hội cầu ngư không chỉ mang ý nghĩa bảo tồn tín ngưỡng dân gian, mang đậm tính nhân văn của người Việt mà còn là cơ hội phát huy giá trị văn hóa biển, đảo”, ông Xứng nói.

Dẫu có nhiều nỗ lực, song câu chuyện bảo tồn văn hóa làng biển trên địa bàn thành phố đang gặp nhiều trở ngại trước cơn lốc đô thị hóa. Đơn cử mới đây, trong vệt giải tỏa để xây dựng Khu du lịch sinh thái Nam Ô có các di tích thờ phụng mà nhân dân và các chư phái tộc làng Nam Ô đang gìn giữ, như miếu Âm linh, lăng Ông và miếu bà Liễu Hạnh.

Mặc dù cuối tháng 3-2018, UBND thành phố chỉ đạo yêu cầu giữ nguyên hiện trạng, thực hiện việc trùng tu, tôn tạo các công trình di tích lịch sử tại khu vực này, song nhiều vị cao niên làng Nam Ô vẫn đau đáu nỗi niềm.

Ông Trần Ngọc Vinh, một lão ngư lâu năm của làng, Trưởng ban Tế lễ cho biết, giữ đúng phong tục, lễ hội cầu ngư làng Nam Ô sáng 1-4 (16 âm lịch), dù không có phần hội linh đình nhưng các vị cao niên vẫn bày biện những bàn thiết lễ chu đáo, thực hiện các nghi lễ truyền thống đầy trang nghiêm.

“Mấy mươi năm nay, lễ cầu ngư được coi như phong tục mang nét truyền thống đại diện cho người dân Nam Ô. Mỗi năm chúng tôi đều cố gắng tổ chức lễ hội hoành tráng, nghiêm trang nhất và coi đó như một lời tạ ơn gửi đến biển và đặc biệt là đức Ngư Ông đã mang đến cuộc sống ấm no và những chuyến đi an toàn cho dân làng chúng tôi.

Đây có thể là lần cuối chúng tôi tổ chức lễ hội cầu ngư tại miếu Ông này nhưng dù có chuyển đi đâu chúng tôi vẫn sẽ mang lễ hội này đi theo”, ông Vinh bùi ngùi nói.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.
.