Sông Hàn của danh họa Bùi Xuân Phái

.

Những ngày này, đến Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, người yêu mỹ thuật thành phố sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh Sông Hàn nguyên bản của danh họa Bùi Xuân Phái được lưu giữ trân trọng tại đây.

Bức tranh Sông Hàn nguyên bản của danh họa Bùi Xuân Phái tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng.
Bức tranh Sông Hàn nguyên bản của danh họa Bùi Xuân Phái tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng.

Theo họa sĩ Nguyễn Tường Vinh, họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ bức tranh Sông Hàn vào năm 1984 bằng chất liệu sơn dầu trên ván carton gai, kích thước không lớn (60cm x 80cm), lấy hòa sắc trắng làm chủ đạo; xuất phát từ tranh thuốc nước vẽ về sông Hàn trong trại sáng tác năm 1981.

Không gian trong tranh đưa người xem về thuở nguyên sơ của một dòng sông êm đềm trôi giữa lòng thành phố chỉ mới vừa thoát ra từ hai cuộc chiến tàn khốc và đang đi vào công cuộc xây dựng. Bức tranh thu gọn vào tầm mắt một non, nước, mây, trời và những con thuyền nhỏ mang hình dáng đặc trưng của xứ Quảng, bồng bềnh giữa mây nước tinh khôi trong cái nắng hưng hửng buổi sáng một ngày cuối hạ đầu thu.

“Tôi lặng ngắm và cảm nhận được hơi nước của dòng sông đang thoảng bay theo gió mây đưa tôi về thời trai trẻ và những kỷ niệm của những ngày tham dự trại sáng tác mỹ thuật do Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức 37 năm về trước (1981)”, họa sĩ Tường Vinh nhớ lại.

Năm ấy, họa sĩ Tường Vinh và những họa sĩ Quảng Nam - Đà Nẵng tham dự trại rất phấn khởi bởi sự có mặt của các họa sĩ bậc thầy như: Nguyễn Văn Tỵ, Bùi Xuân Phái, Phan Kế An và nữ họa sĩ tài năng Đặng Thu Hương. Trong thời gian hoạt động của trại, các họa sĩ này là khách mời của UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng nên được bố trí ăn, nghỉ và làm việc tại nhà khách của tỉnh ở đường Đống Đa (Đà Nẵng), còn các họa sĩ khác tùy điều kiện của mỗi người nên một số vẽ tại nhà, số khác tập trung vẽ tại Nhà chứng tích tội ác đế quốc Mỹ tại đường Bạch Đằng, nay là tòa nhà Indochina.

Các họa sĩ Trung ương ngoài việc đi thực tế và vẽ ở Hội An, Cù lao Chàm, Đà Nẵng còn thường xuyên tới gặp gỡ giao lưu nghề nghiệp với các họa sĩ địa phương trong bầu không khí chân tình, cởi mở không hề có sự phân biệt đẳng cấp trong nghệ thuật. Kết thúc trại sáng tác là cuộc triển lãm mỹ thuật lớn do Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh ngày đó phối hợp tổ chức tại khu triển lãm 84 Hùng Vương.

Trong triển lãm này, họa sĩ Phan Kế An trưng bày hai bức tranh lụa, một bức có tên Lưới trên sông Hàn, bức tranh kia vẽ những tàu cá đang đậu ở bến cũng trên sông Hàn và một số tranh màu nước vẽ phố cổ Hội An, sau này tác phẩm Lưới trên sông Hàn đã được đưa vào sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ và họa sĩ Bùi Xuân Phái trưng bày nhiều tranh thuốc nước vẽ về sông Hàn, phong cảnh biển Đà Nẵng và phố cổ Hội An. Nữ họa sĩ Đặng Thu Hương vẽ tranh bột màu về phong cảnh biển Thanh Bình, Mỹ Khê...

Về tác phẩm Sông Hàn của danh họa Bùi Xuân Phái, họa sĩ Tường Vinh cho biết, năm 1985, tại Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh (84 Hùng Vương) tổ chức triển lãm mỹ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng với quy mô lớn nhân kỷ niệm 10 năm giải phóng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và 40 năm Quốc khánh 2-9. Trong số tranh và tượng được trưng bày có 3 tác phẩm sơn dầu của họa sĩ Bùi Xuân Phái gồm 2 bức vẽ phong cảnh sông Hàn và 1 bức vẽ phố cổ Hội An.

Sau khi kết thúc triển lãm, nhà điêu khắc Phạm Hồng được sự đồng ý của họa sĩ Bùi Xuân Phái nên đã lưu giữ tác phẩm Sông Hàn và tác phẩm Hội An từ đó đến nay. Theo nhà điêu khắc Phạm Hồng, bức tranh Sông Hàn là một tác phẩm hội họa tuyệt đẹp được sáng tác từ tình yêu sâu lắng với sông Hàn, với Đà Nẵng của danh họa Bùi Xuân Phái.

Dù có nhiều người hỏi mua với giá rất cao nhưng ông không bán, đến khi Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đề nghị thì ông đã bàn với gia đình và đồng ý để lại cho bảo tàng. “Ngày ấy, tôi đã từng đề nghị mua lại tranh của những danh họa để dành cho mỹ thuật Đà Nẵng sau này nhưng không ai nghe.

May mắn đề nghị của tôi được danh họa Bùi Xuân Phái chấp nhận. Bây giờ, tác phẩm được đặt trân trọng ở Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, coi như tôi đã hoàn thành lời hứa với bác Bùi Xuân Phái là chia sẻ tác phẩm này đến với công chúng và những người yêu hội họa Đà Nẵng và tôi cũng thực hiện được ước nguyện của mình là đóng góp cái gì đó cho mỹ thuật thành phố. Tôi mong Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng lưu giữ, bảo quản tác phẩm này cho thành phố và con, cháu chúng ta mai sau”, nhà điêu khắc Phạm Hồng gửi gắm.      

NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.
.