Chờ một thế hệ sáng tác rộn ràng hơn

.

Sự vắng bóng các tác giả trẻ Đà Nẵng trong một số giải thưởng văn học thời gian gần đây cho thấy công việc thường nhật dường như đã lấy đi rất nhiều cảm xúc và nội lực sáng tác của họ. Còn nhớ, năm 2010, văn học trẻ thành phố Đà Nẵng đánh dấu giai đoạn phát triển mới bằng sự ra đời cuốn sách Giao hưởng và đốm lửa (NXB Đà Nẵng) - tuyển tập thơ, văn xuôi của 15 tác giả văn học trẻ đang sinh sống và làm việc trên địa bàn thành phố. Đây cũng là ấn phẩm in chung đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này của những cây bút trẻ.

Các tác giả trẻ Đà Nẵng giao lưu, chụp hình lưu niệm.
Các tác giả trẻ Đà Nẵng giao lưu, chụp hình lưu niệm.

Một, hai năm trở lại đây, ngoài một số cây bút có nội lực sáng tác như Nguyễn Thị Anh Đào, Lê Nguyễn Quốc Việt, Đoàn Minh Châu, Đinh Lê Vũ, Huỳnh Lê Nhật Tấn, Hạo Nhiên (Lê Trung Kiên)..., đã có một số cây bút trẻ xuất hiện.

Theo đánh giá của Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng Nguyễn Nho Khiêm, tuy không phải là hiện tượng văn học nhưng ít nhiều họ đã để lại ấn tượng. Đơn cử như Trương Thị Bách Mỵ với tập thơ Đêm chảy dài trên tóc, Lê Hồng Mận với Có một chuyện tình trên những ngón tay êm, Về ăn một bữa cơm nhà, Ngô Võ Giang Trung với Câu trả lời nằm ở cuộc yêu sau, Nguyễn Đỗ Văn Quốc với Màu vẽ cuộc sống, cùng một số tác giả triển vọng như Phan Nam, Lê Thị Thúy Ái, Trần Nguyên Hạnh, Hồ Diễm Kiều...

Để tự khẳng định mình, các tác giả trẻ không ngừng tìm lối đi riêng. Ngô Võ Giang Trung, tác giả tập thơ Câu trả lời nằm ở cuộc yêu sau, với những câu thơ đậm chất ngôn tình: “Khi người con gái ta thương gục khóc trên vai ta... vì người khác/Từng giọt nước mắt rơi trên hõm vai mà thấy ngực tim mình bỏng rát/Ta thương em nhiều/Và... ta xót cho ta.

Đến với thơ như một cuộc dạo chơi nhưng Giang Trung - một kiến trúc sư và chủ quán cà-phê lại luôn suy nghĩ việc phải làm thế nào để tác phẩm tới được tay người đọc. Vì vậy, anh chọn cách tiếp cận bạn đọc qua mạng xã hội, trang web cá nhân; đồng thời cố gắng giao lưu, trao đổi với bạn đọc càng nhiều càng tốt. Đôi khi chính những câu nói bâng quơ của bạn bè đã giúp Trung có thêm cảm xúc để gầy dựng nên một câu chuyện thơ.

Theo ý kiến của một số tác giả tên tuổi như Thái Bá Lợi, Bùi Tự Lực, Nguyễn Kim Huy, sau thời gian dài trầm lắng, gần đây các tác giả văn học trẻ ở thành phố Đà Nẵng bắt đầu tìm hướng đi mới. Một số cây bút không còn đơn độc trên hành trình sáng tạo bởi đằng sau mỗi tác phẩm của họ đã có những “cánh tay” nâng đỡ, với niềm hy vọng sẽ tạo nên một thế hệ sáng tác rộn ràng, chất lượng hơn.

Là người theo sát dòng chảy văn học trẻ thành phố nhiều năm qua, ông Nguyễn Nho Khiêm nhìn nhận, văn học trẻ Đà Nẵng đang đứng trước những thử thách và đòi hỏi lớn từ phía người đọc và sứ mệnh của văn chương.

Nghệ thuật viết tiểu thuyết, truyện ngắn, ngôn ngữ thơ... luôn yêu cầu mỗi nhà văn, nhà thơ phải nỗ lực không ngừng. Theo ông Nguyễn Nho Khiêm, năng khiếu, tài năng văn học của các bạn trẻ hiện nay rất nhiều, nhưng quá ít người chọn “nghề văn”, đơn giản là không ai có thể sống được bằng nghề này.

Thời gian tới, Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng sẵn sàng làm cầu nối giữa cây bút trẻ với các nhà xuất bản khi tìm thấy những tác phẩm hay, giá trị. Đồng thời, Tạp chí Non Nước sẽ là nơi giới thiệu tác phẩm đến đông đảo bạn đọc, tạo điều kiện để mỗi tác giả có thêm động lực và cảm hứng sáng tác.

Cùng với đó, đầu năm 2018, Hội Nhà văn sẽ tập hợp một số tác phẩm có chất lượng để in tuyển tập mới. Trong khi đó, nhà thơ Nguyễn Kim Huy, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Đà Nẵng nhắn nhủ, dù là phản ánh bức tranh cuộc sống hay thiên về cảm xúc yêu thương thì mỗi tác giả trẻ cần phải luôn tìm tòi, định hình phong cách viết. Có như thế mới tạo nên một gam màu mới cho bức tranh văn học trẻ thành phố thời gian tới.

Dù không quá kỳ vọng sẽ nhanh chóng tìm thấy đội ngũ kế cận có tác phẩm với chất lượng vượt trội, nhưng nhà thơ Nguyễn Kho Khiêm tin rằng, với tình yêu dành cho văn học vẫn luôn có thế hệ mới tiếp nối, từng bước khẳng định bản thân qua những tác phẩm.

Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng hiện có 116 hội viên, trong đó 37 nhà văn tuổi đời từ 75 đến hơn 80. Trong năm 2017, 4 tác phẩm được Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật và Hội Nhà văn thành phố trao thưởng gồm Chó hoang, tập truyện thiếu nhi của nhà văn Bùi Tự Lực; tập thơ Kéo co với mùa xuân của nhà thơ Nguyễn Kim Huy; tập truyện ngắn và ký Trầm của nhà thơ Phạm Phát và tập truyện ngắn Những câu chuyện bên lề của nhà văn Trần Trung Sáng.

Bài và ảnh: TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.
.