.
Café sáng

Đói thông tin!

.

Chuyện nghe lạ! Thời đại Internet mà nói vậy thì lạ thật! Lại có người bảo là “bội thực thông tin” chớ sao lại đói! Nhưng suy xét kỹ, thì vẫn thấy còn đói.

Chuyện là thế này: Hôm qua tôi thử đưa 2 status về cái hiệu cà-phê bây giờ mang tên Memory mà trước đó là nhà hàng Kim Đình và hai cây cầu cũ nhất qua sông Hàn mà bây giờ ta đặt tên là cầu Trần Thị Lý và Nguyễn Văn Trỗi.

Đưa để làm phép đo lường mức thông tin mà bạn bè có được về vài địa chỉ mang dấu ấn văn hóa và lịch sử của Đà Nẵng từ trên dưới nửa thế kỷ đến nay... Kết quả là hàng trăm bạn bè đủ mọi giới, đa số là người Đà Nẵng đã có ý kiến. Nhưng rất không tập trung, có nhiều ý kiến sai lệch hoàn toàn hoặc nhầm lẫn đáng tiếc...

Chuyện hai cây cầu, trên Báo Đà Nẵng từng có bài viết kỹ lưỡng rồi. Nhưng lạ là ít ai đọc, mà toàn suy diễn theo hiểu biết của từng người hoặc theo nghe thấy đâu đó, thiếu bằng cớ thuyết phục.

Rõ ràng, chúng ta vẫn thiếu (hay đói) những thông tin về nhiều sự kiện văn hóa, về lịch sử ngay nơi chúng ta ở, chứ đừng nói đâu xa... Có thể dẫn ra đây vài ví dụ: Dọc đường Bạch Đằng, bến cảng Sông Hàn, chợ Hàn và nhà ga xe lửa, hiệu sách Việt Quảng, cơ quan Quan Thuế, bến phà ngang được xây dựng năm nào và hoạt động ra sao trong quá trình phát triển của thành phố?

Bên kia sông, một Đồi hài cốt gắn liền với cuộc chiến chống liên quân Pháp - Y Pha Nho lặng lẽ. Riêng hai chiếc cầu đầu tiên qua sông Hàn do quân đội Pháp và Mỹ xây dựng năm 1951 và 1966 cũng không được giới thiệu như một chỉ dấu của lịch sử chiến tranh... Và nhiều di tích về văn hóa khác...

Vậy vấn đề ở đây là gì? Đó chính là vai trò nào của truyền thông, của thông tin văn hóa và của quản lý đô thị chưa làm hết việc? Một thành phố trẻ như Đà Nẵng, chỉ hơn 100 năm thôi mà những chỉ dấu lịch sử, văn hóa khá phai nhạt. Cả những di tích lịch sử cách mạng mới được gắn biển, nhưng cũng còn rất sơ sài, chưa kết nối hết các sự kiện.

Cư dân lâu đời ở Đà Nẵng vẫn còn mù mờ về nhiều địa danh văn hóa, lịch sử, thì đòi hỏi gì ở những người vừa nhập cư vài chục năm, đòi hỏi gì ở du khách biết về một thành phố... Tất nhiên chúng ta có nhiều ấn phẩm về lịch sử Đà Nẵng, nhưng số bản in ít và không phải ai cũng có thể đọc!

Cũng nói thêm là, tôi cũng mù tịt về nhiều chuyện của Đà Nẵng và phải tự tìm đọc trong những tài liệu, những cuốn sách của các bậc đàn anh, mới hiểu thêm vài chuyện, vài địa danh ở thành phố này. Nhưng cũng thấy rất... đói!

Khi đến khách sạn Hội An chẳng hạn, vào cổng khách sạn ta đã thấy ngay hai tấm bia thể hiện đây là một nhà lao của Pháp và sau cải tạo, xây dựng lại làm tòa Tỉnh trưởng Quảng Nam. Ở nhiều nước như Úc, Mỹ chẳng hạn, ở những công viên, dù nhỏ, cũng có nhiều thông tin về lịch sử, danh nhân văn hóa của họ được giới thiệu.

Tại sân bay Incheon của Hàn Quốc, vẫn tìm thấy các sự kiện lịch sử, văn hóa xứ sở kim chi được trưng bày, giới thiệu... ở các phòng trưng bày trong khu đợi các chuyến bay... bằng tiếng Anh rất rõ ràng.

Từ kinh nghiệm đó, thiết nghĩ, Đà Nẵng có thể giảm đi những khẩu hiệu, những bảng quảng cáo không cần thiết để dồn nguồn lực cho một chương trình thông tin về các địa danh, các di tích lịch sử, văn hóa, kinh tế và các danh nhân của thành phố (bằng nhiều ngôn ngữ càng tốt) để không chỉ cư dân, du khách có thể tìm biết, mà cả học sinh cũng sẽ cảm thấy bổ ích trong những giờ ngoại khóa. Chính việc này sẽ xóa đi chuyện... đói thông tin mà tôi vừa đề cập!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
.
.
.
.
.