.

Cuộc đời của Yến - đẹp như áng thơ

.

Là tác phẩm thứ hai của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ, chàng trai trẻ 8x từng gây ấn tượng với Và anh sẽ trở lại, bộ phim Cuộc đời của Yến đang được công chiếu ở các rạp trên toàn quốc khiến người xem nao lòng với câu chuyện xúc động về thân phận của người phụ nữ.

Thúy Hằng trong vai Yến. (Ảnh do đoàn làm phim cung cấp)
Thúy Hằng trong vai Yến. (Ảnh do đoàn làm phim cung cấp)

Với Cuộc đời của Yến, khán giả không chỉ bắt gặp sự tảo tần, hy sinh, chịu thương chịu khó của nhân vật Yến, mà còn là một tâm hồn đầy chất thơ luôn sẵn sàng thi vị hóa, yêu thương cuộc đời, bất chấp sóng gió bủa vây. Hình tượng người phụ nữ Việt luôn là vậy.

Cuộc đời của Yến mở đầu bằng những cảnh quay mát mắt và đẹp đẽ của vùng làng quê yên bình Việt Nam, nơi có sóng lúa dạt dào, con trâu thửa ruộng, nơi có những đứa trẻ ríu rít vui đùa. Cảm giác thanh bình là điều đầu tiên mà đạo diễn mang đến với người xem.

Rồi ngay sau đó, câu chuyện đột ngột rẽ sang một hướng khác, gai góc và dữ dội hơn: bé Yến bị gả về nhà chồng khi chỉ mới 10 tuổi. Thế nhưng, việc làm vợ cho “ông giáo trẻ con” tên Hạnh trong những ngày thơ ấu chưa phải là biến cố lớn nhất đời Yến.

Dù cực khổ, mệt mỏi, sớm hôm làm việc nhưng Yến vẫn luôn tìm được niềm vui cho bản thân mình thông qua những công việc hằng ngày, thông qua việc học chữ, tìm hiểu về cuộc sống và khám phá những điều mới mẻ.

Bước ngoặt thực sự chỉ diễn ra khi Yến trưởng thành, có 3 con với người chồng và gia đình bị vu oan nghiêm trọng. Ông giáo Hạnh phải bỏ xứ mà đi để làm kinh tế mới, một mình Yến phải tảo tần nuôi con và ngóng mong chồng. Ai có ngờ, chồng cô đã có vợ lẽ nơi phương khác, đặt ra cho Yến một tình huống nan giải mà một khi muốn giải quyết nó, cô phải đi qua một chặng đường dài nhiều nước mắt.

Cái hay của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ là anh đã kể một câu chuyện khá cũ và quen thuộc với người Việt Nam bằng ngôn ngữ hiện đại và tươi mới. Vấn nạn tảo hôn, ngoại tình, phản bội không còn xa lạ, nhưng qua lăng kính điện ảnh bỗng trở nên mang tính thời cuộc và đáng suy ngẫm hơn.

Cuộc đời của Yến cứ thế trôi chảy như một dòng suối, thoạt trông có vẻ rất nhẹ nhàng nhưng lại có sức mạnh đủ để bào mòn cả đá. Những chi tiết xúc động trong phim cũng thế, nó rất thầm lặng, dịu dàng và rải rác khắp tác phẩm nhưng khi khép lại, người ta thấy trái tim mình bị một vết cắt lúc nào không biết.

Đó chính là vết cắt tiếc thương cho câu chuyện của Yến, cho một mẫu người phụ nữ hy sinh hết mình và là điển hình của người phụ nữ Việt Nam.

Diễn xuất của diễn viên Thúy Hằng trong vai Yến lúc trưởng thành đạt độ chín tuyệt đối. Cô thể hiện được cả thế giới nội tâm phong phú của nhân vật chỉ bằng cách sử dụng ánh mắt, cơ mặt và những cử chỉ vô cùng tinh tế.

Bên cạnh đó, sự hỗ trợ hết mình của chất nhạc bay bổng do Lê Cát Trọng Lý thể hiện cũng làm bộ phim trở nên trọn vẹn hơn. Cả hai ca khúc Tám chữ cóĐi qua bóng đêm đều mang lại cảm giác như có điều gì đó giằng xé, chực chờ bùng nổ nhưng rồi lại thôi, rất đúng với tinh thần và câu chuyện của nhân vật Yến trong phim.

Cuộc đời của Yến là một áng thơ buồn, nhưng cũng không phải vì thế mà sau khi xem, khán giả có cảm giác ủy mị. Ngược lại, đằng sau cái u sầu phảng phất đó, tác phẩm này là một bộ phim truyền cảm hứng mãnh liệt đến những người phụ nữ Việt Nam.

Nó cho thấy sức mạnh của con người khi đứng trước những khó khăn bao giờ cũng trở nên vĩ đại hơn chúng ta tưởng. Và dù đường đời có sóng gió thế nào, chỉ cần chúng ta có niềm tin như cô Yến đã từng, thì mọi chuyện sớm muộn cũng vượt qua được. Xem phim xong, nhiều khán giả có lẽ sẽ muốn cảm ơn nhân vật chính, cảm ơn đạo diễn vì đã mang lại cho mình một tác phẩm xúc động đến vậy.

HÀ ANH

;
.
.
.
.
.