.

Trục văn hóa, lễ hội dọc hai bờ sông Hàn: Người dân là chủ thể của hoạt động văn hóa, lễ hội

.

Xây dựng trục văn hóa, lễ hội dọc hai bờ sông Hàn; tổ chức hiệu ứng âm thanh và nhạc khi cầu Rồng phun lửa, phun nước; chủ trương kêu gọi xã hội hóa đầu tư khai thác cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi… là những nỗ lực của thành phố nhằm đánh thức tiềm năng sông Hàn. Tuy nhiên, tổ chức hoạt động văn hóa, lễ hội như thế nào cho hiệu quả được các ngành chức năng cân nhắc kỹ lưỡng.

Cần có nhiều chương trình như âm nhạc đường phố để đáp ứng đa dạng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân.
Cần có nhiều chương trình như âm nhạc đường phố để đáp ứng đa dạng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân.

Phong phú nhưng chưa có điểm nhấn!

Hiện các hoạt động vui chơi giải trí trên hai tuyến đường Bạch Đằng và Trần Hưng Đạo chưa được tổ chức có hệ thống, chưa đầu tư đồng bộ. Vì vậy, việc hình thành trục văn hóa - lễ hội ở hai bờ sông Hàn được các ngành chức năng xác định là cần thiết, vừa cấp bách, vừa lâu dài, nhằm đáp ứng sự phát triển cả về văn hóa và du lịch của Đà Nẵng.

Sau thời gian dài ấp ủ ý tưởng, Sở VH-TT&DL đã lên kế hoạch xây dựng trục đường văn hóa, lễ hội dọc hai bờ sông Hàn từ những tháng đầu năm 2015. Qua nhiều lần chỉnh sửa, thay đổi theo yêu cầu của UBND thành phố, bản dự thảo trình UBND tại cuộc họp ngày 30-10, do Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng chủ trì đã phác họa những nét cơ bản về hoạt động văn hóa, lễ hội tại hai tuyến đường này.

Theo đó, hoạt động văn hóa - lễ hội hai bên bờ sông Hàn bao gồm các hoạt động thường xuyên được tổ chức định kỳ vào dịp cuối tuần như “Âm nhạc đường phố” (tối thứ bảy, mỗi tháng 2 lần); biểu diễn nghệ thuật phục vụ khán giả xem cầu Rồng phun lửa, phun nước (tối thứ bảy hằng tuần); tổ chức thí điểm biểu diễn nhạc hơi (sáng chủ nhật hằng tuần); biểu diễn nghệ thuật truyền thống (tối chủ nhật hằng tuần); hoạt động “Sân chơi cuối tuần” (tối chủ nhật, mỗi tháng 2 lần) với nghệ thuật đường phố, trò chơi vận động.

Bên cạnh đó, hoạt động nghệ thuật, triển lãm diễn ra xuyên suốt năm 2016 với các ngày lễ lớn của thành phố và cả nước. Đặc biệt, các sự kiện quốc tế lớn diễn ra tại Đà Nẵng như cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Race 2015-2016 cập cảng Sông Hàn, Đại hội Thể thao bãi biển châu Á ABG 5; Đại hội Biển Đông Á như: triển lãm ảnh nghệ thuật, ca múa nhạc, giao lưu văn hóa nghệ thuật và ẩm thực, giới thiệu văn hóa truyền thống của đồng bào Cơtu, tổ chức “Ngày sách Đà Nẵng”, chợ phiên “Đồ xưa Đà thành”, liên hoan nghệ thuật dành cho người nước ngoài, lướt ván trên sông Hàn…

Phạm vi diễn ra các hoạt động văn hóa, sự kiện chủ yếu tập trung trên đường Bạch Đằng ở bờ Tây (từ Bảo tàng Điêu khắc Chăm đến giáp đường Đống Đa – Như Nguyệt) và đường Trần Hưng Đạo ở bờ Đông (từ cầu Rồng đến khu vực sân khấu thi trình diễn pháo hoa quốc tế).

Góp ý vào dự thảo của Sở VH-TT&DL, nhiều ý kiến cho rằng cần tạo điểm nhấn, chương trình “đinh” cho trục văn hóa, lễ hội. “Các hoạt động đề ra dường như duy trì hoạt động nghệ thuật đã diễn ra trong thời gian qua, đa phần là biểu diễn ca múa nhạc mang tính chất phục vụ các sự kiện. Liệu sẽ gây nhàm chán cho người xem? Tôi cho rằng tiếp tục suy nghĩ hoạt động mới đối với các hoạt động được tổ chức thường xuyên và các chương trình nghệ thuật, triển lãm phải đa dạng để tạo cảm giác mới, hấp dẫn người xem”, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Đà Nẵng nêu ý kiến.

Trong khi đó, ông Cao Tấn Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố băn khoăn về việc hô hát bài chòi không được đưa vào trục văn hóa, lễ hội. Bởi lẽ đây là loại hình diễn xướng dân gian được người dân và du khách ưa chuộng và rất thành công ở Hội An và là loại hình xã hội hóa dễ nhất?!

Phải là sản phẩm văn hóa của người dân

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng nêu rõ, mục đích của việc xây dựng trục văn hóa, lễ hội ở khu vực hai bên bờ sông Hàn là để giữ gìn, tôn tạo bản sắc văn hóa bản địa của Đà Nẵng và phát triển văn hóa đó trở thành động lực cho phát triển kinh tế. Đây là mục tiêu quan trọng nhất chứ không chỉ là hình thành nên các sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch. Vì thế, cần có cách hành xử đúng đắn khi xây dựng trục văn hóa - lễ hội này.

Sự hành xử đúng đắn ở đây, chính là xác định làm sao để người dân mới chính là chủ thể của hoạt động văn hóa, lễ hội. Ở đó, không phải chỉ là những người nghệ sĩ, các đơn vị biểu diễn mà phải làm cho người dân cùng tham gia vào các cuộc thi. Chẳng hạn người lớn thi “Tiếng hát mãi xanh”, trẻ nhỏ thi “Búp sen hồng”, thanh niên thi dân vũ, hit hop… Vì vậy, tỷ lệ các sự kiện trước mắt là Nhà nước 70, người dân 30; dần dần tiến đến 50/50; rồi 30/70 và đến một thời kỳ nào đó thì Nhà nước không làm mà chỉ định hướng, còn tự người dân làm. Trên trục đường văn hóa, lễ hội đó, phát động người dân dọc hai bờ sông Hàn trang trí nhà cửa, treo hoa, thắp đèn… vào các dịp cuối tuần. Hai quận Hải Châu, Sơn Trà cần bổ sung hoạt động phụ trợ của địa phương như: phố sách, đường hoa, khai thác yếu tố lịch sử.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Chánh văn phòng UBND thành phố, phải có quy hoạch đồng bộ không gian văn hóa hai bờ sông Hàn thì mới tăng hiệu quả như: khai thác không chỉ trên bờ mà cả dưới nước (nhạc nước, hoa đăng…), trang trí điện chiếu sáng, cân đối các hoạt động sao cho hài hòa, đánh thức hoạt động giải trí về đêm nhưng không làm mất đi sự yên bình, thơ mộng vốn có của sông Hàn. “Văn hóa là mảng tiêu tiền, thành phố làm sao phải quan tâm đầu tư, tìm cách đáp ứng, nếu bắt xã hội hóa, tìm nguồn thì e rằng khó mà thực hiện được kế hoạch phát triển văn hóa”, ông Nam nêu quan điểm.

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Đà Nẵng từng nhận định: “Không gian văn hóa thì phải “văn hóa”. Nếu như ở đó, người ta bị sách nhiễu, bị làm phiền, chèo kéo, bị trộm cắp… thì khó xem đó là không gian văn hóa”.

Vì thế, để trục văn hóa - lễ hội thật sự trở thành điểm nhấn của thành phố, làm tiền đề để xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn hóa, tu bổ và làm dày thêm bề dày văn hóa của thành phố thì các ngành chức năng cần có cách hành xử, nhìn nhận đúng đắn, kỹ lưỡng về xây dựng hoạt động văn hóa, lễ hội đặc sắc nhưng phải có sự tương tác với khán giả, bảo đảm cả yếu tố an ninh, trật tự…

Sau khi lắng nghe các ý kiến góp ý tại cuộc họp bàn về kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội hai bên bờ sông Hàn năm 2016 ngày 30-10, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng yêu cầu Sở VH-TT&DL hoàn chỉnh bản dự thảo và sớm trình UBND thành phố xem xét để nhanh chóng triển khai.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.