.
Thế giới sách

Phác họa "thế hệ vàng" của văn chương Việt Nam

.

Ở tuổi 76, GS Phong Lê vừa ra mắt cuốn sách Trăm năm trong cõi…, với mong muốn đây là cuốn sách “giúp các thế hệ sau biết được một lịch sử hình thành và phát triển của văn chương Việt hiện đại; qua đó trước hết như một cách tri ân, tiếp đó là chia sẻ với những khổ công, nỗ lực và thử thách, gồm cả những rủi ro, bất hạnh của một lớp người đi trước”.

GS Phong Lê. 			Ảnh: N.T.Bình
GS Phong Lê. Ảnh: N.T.Bình

Trăm năm trong cõi… (do Thái Hà Books và NXB Văn học ấn hành) tập hợp những tiểu luận của GS Phong Lê viết về 23 nhà văn, nhà văn hóa lớn mà ông gọi đó “thế hệ vàng của văn chương Việt hiện đại”. Đó là những người có năm sinh từ thập niên cuối thế kỷ 19 đến những năm đầu thế kỷ 20, những người có công đầu trong khai mở, hoàn thiện diện mạo hiện đại cho văn chương - học thuật dân tộc, được thể hiện một cách tập trung và nổi bật trong “mùa gặt” thời kỳ 1930-1945.

Với Tản Đà (1889-1939), người có nhu cầu canh tân văn học, GS Phong Lê nhấn mạnh đặc điểm thơ đi sâu vào “cái tôi”, công cuộc giải phóng cá nhân của tác giả Thề non nước. Từ đó, GS đánh giá Tản Đà là một nhà cách mạng văn chương, một sứ giả tiên phong: “Tản Đà chỉ làm thơ, chứ không làm thơ cách mạng, càng chưa làm cách mạng, nhưng thơ ông đã là một nhu cầu của đời sống tinh thần và tình cảm quần chúng.

Với Ngô Tất Tố (1893-1954) - nhà văn, nhà văn hóa lớn, Phong Lê cho rằng “nghiệp văn của Ngô Tất Tố nằm trọn trong nửa đầu thế kỷ, thế nhưng người đọc vẫn không một chút e dè khi đặt Ngô Tất Tố vào những văn gia của thế kỷ”. Từ nhận định này, tác giả ví Ngô Tất Tố là “người cùng thời với chúng ta”.

Cuốn sách Trăm năm trong cõi...
Cuốn sách Trăm năm trong cõi...

Còn trường hợp của Hoài Thanh, theo GS Phong Lê: “Tính từ tiểu luận Thơ mới đến hợp tuyển Thi nhân Việt Nam - khoảng thời gian mà ông cùng với Hoài Chân “đã đọc tất cả một vạn bài thơ, và trong số ấy có non một vạn bài dở”. Ở bài viết vào cuối năm 1934 này, Hoài Thanh đã nói đến những khởi động quan trọng rồi sẽ phát triển thành một phong trào thơ, một cuộc cách mạng trong thơ, một thời đại của thi ca. Ông đã đứng trên lập trường ủng hộ nó, khẳng định nó và ca ngợi nó, dẫu Thơ mới lúc này còn đang trên đường hình thành giữa một biển thơ cũ, và cố nhiên số người phản đối nó gồm cả những nhà cựu học có uy tín vẫn đang còn là một lực lượng áp đảo. Trong một buổi giao thời, giao tranh cũ mới, khi cái mới còn rất mong manh và lẻ loi, phải nói là Hoài Thanh đã làm được việc tiên đoán đầy tài năng và dũng cảm”.

Với các nhà văn khác như: Hoàng Ngọc Phách, Đặng Thai Mai, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Công Hoan, Hoài Thanh, Nguyễn Tuân, Thanh Tịnh, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Châu; Lưu Trọng Lư, Nguyễn Đình Lạp, Vũ Đình Liên, Đoàn Văn Cừ, Xuân Diệu..., GS Phong Lê đều đưa ra những nhận xét, cảm nhận vừa ấm áp về “tình”, vừa đúng mực về “nghề”.

Tập sách dày 320 trang, được hoàn thành từ những bài viết rời, nhân những dấu mốc kỷ niệm, hội thảo “trăm năm” của các nhà văn, nhà văn hóa lớn. Dễ nhận ra cảm hứng chính là khẳng định, tôn vinh và ngợi ca những đóng góp của các bậc thầy đi trước. Bởi vậy, đòi hỏi sự đánh giá một cách toàn bích, tuyệt đối khách quan là điều khó. Nhưng cuốn sách cũng thỏa lòng người, dù người đó là thân nhân những nhân vật được đề cập hay những độc giả sinh vào nửa cuối thế kỷ 20 - những người Việt trẻ muốn “biết được một lịch sử hình thành và phát triển của văn chương Việt hiện đại”.

Có thể nói, cuốn Trăm năm trong cõi… là những phác họa chất chứa cảm xúc, giúp độc giả thời nay có thêm góc nhìn về một thế hệ đã làm nên những trang sử vàng của văn chương - văn hóa Việt Nam.

GS Phong Lê từng giành Giải thưởng Nhà nước về Khoa học (2005), từng giữ chức Viện trưởng Viện Văn học kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Văn học (1988-1995).

NGUYỄN THANH BÌNH

;
.
.
.
.
.