.
NGÀY SÁCH VIỆT NAM 21-4-2014

Nguyễn Hiến Lê - tượng đài văn hóa đọc

.

Nguyễn Hiến Lê được giới cầm bút tôn vinh là “Tượng đài văn hóa đọc”, bởi sinh thời, đọc và viết là nếp sống hằng ngày của ông.

Tập sách Hồi ký Nguyễn Hiến Lê được ông viết và hoàn thành vào năm 1980.
Tập sách Hồi ký Nguyễn Hiến Lê được ông viết và hoàn thành vào năm 1980.

Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) là học giả, nhà văn hóa nổi tiếng của thế kỷ 20. Ông là tác giả của hơn một trăm bộ sách, về nhiều lĩnh vực: văn học, ngôn ngữ học, triết học, tiểu luận phê bình, giáo dục, chính trị, kinh tế, gương danh nhân, du ký, dịch tiểu thuyết, học làm người...

Lần đầu tiên tôi biết đến sách của Nguyễn Hiến Lê là tác phẩm 40 gương thành công (1968). Đến tận bây giờ, sau mấy chục năm rồi, tôi vẫn chưa quên được cái cảm xúc bồi hồi xúc động khi cầm trên tay tác phẩm ấy. Đó là cuốn sách viết về những cuộc đời cực kỳ gian khó, nhưng bằng nghị lực và tài năng, họ đã bước đến đỉnh cao vinh quang.

40 tấm gương bao gồm những nhân vật nổi tiếng trên mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn học-nghệ thuật… Trong đó, tôi thích nhất là chuyện kể về họa sĩ Walt Disney, người đã tạo ra hình con chuột Mickey và Ba con heo nhỏ nổi tiếng thế giới. Thế nhưng, khởi đầu sự nghiệp, Walt Disney làm việc chật vật mà không kiếm đủ ăn. Hồi trai trẻ, muốn thành một nghệ sĩ, có lần Walt Disney đến hãng Kansas City Star xin việc. Thế nhưng, vị giám đốc nơi này xem những bức vẽ của Walt Disney và bảo ông không có tài nên không nhận, làm ông thất vọng. Ông phải xin việc vẽ hình cho các nhà thờ. Hằng ngày tại xưởng vẽ ọp ẹp, thấy một chú chuột trèo lên bàn trộm thức ăn thừa, ông đã cho ra đời chú chuột Mickey trứ danh. Walt Disney tin rằng hễ yêu công việc mình làm thì tất thành công, không nên chỉ nghĩ tới việc kiếm tiền.

Một tấm gương thú vị khác, đó là chuyện kể về cuộc đời nhà văn của Charles Dickens, tác giả cuốn Christmas Carol (Bài hát lễ Giáng sinh), nhà văn viết nhiều nhất và được độc giả yêu thích nhất trong văn học sử Anh. Dickens đã trải qua một tuổi thơ đầy bi thảm. Năm Dickens 11 tuổi, cha bị giam, gia đình túng quẫn quá, không có gì ăn, nên mỗi buổi sáng, ông phải đến tiệm cầm đồ cầm vài đồ lặt vặt còn lại trong nhà. Lúc mới bắt đầu viết, Dickens sợ bị người ta chế nhạo đến nỗi phải lén lút bỏ bản thảo đầu tiên của mình vào thùng thư trong đêm tối.

Khi truyện đầu tiên được ra mắt, Dickens 22 tuổi, ông vui sướng quá đỗi đi lang thang trên phố, nước mắt chảy dài. Người ta không trả cho ông một xu nào về truyện đó. Nhiều truyện tiếp theo cũng không có đồng nào nhưng ông vẫn cố gắng viết, lấy sáng tác làm lẽ sống. Khi người ta chịu trả tiền, thì ông cũng chỉ được nhận một ngân phiếu là một Anh kim cho mỗi truyện. Thế nhưng, đến truyện cuối cùng, ông đã đem cho người thừa kế ông ba Anh kim một chữ, tức cái giá cao nhất từ xưa đến nay, chưa tác giả nào được nhận.

Dù bất cứ thể loại nào, tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê vẫn thường có giọng văn lưu loát mà lại đơn giản, mộc mạc như lời trò chuyện chân tình với bạn đọc. Đặc biệt, ở loại sách “Tự - luyện - học làm người”, ông thường đưa ra những phương pháp tự học cùng những tấm gương kiên nhẫn như động viên khích lệ những thế hệ sau trui rèn nghị lực, hướng đến tương lai tươi sáng để cống hiến cho xã hội. Bản thân ông cũng chính là một tấm gương mẫu mực trong cách sống, cách làm việc. Hằng ngày, “dù không có hứng cũng đúng giờ ngồi vào bàn viết, viết bừa vài câu, nửa trang, rồi hứng tự nhiên tới”.

Một đặc điểm nổi bật trong phương pháp làm việc của Nguyễn Hiến Lê là ghi chép. Ông ghi cẩn thận, không mệt mỏi, thường là ghi tại chỗ qua mỗi chuyến công vụ khi còn làm công chức (mà ông gọi là “đi kinh lý”) hoặc những lần chuyển dịch vì việc riêng. Từ khi bắt đầu cầm bút, ông đã có thiên hướng viết du ký, đi đến đâu ông cũng chịu khó ghi chép cảnh đẹp, tục lạ, cổ tích… Trở về nhà, ông ghi ngay lại cảm tưởng về chuyến đi.

GS Huỳnh Như Phương nhắc về ông: “Một điều nữa góp phần khẳng định Nguyễn Hiến Lê như một tượng đài của văn hóa đọc, đó là ông đã thể hiện tấm gương tự học để trở thành nhà văn hóa ở đỉnh cao. Ở Sài Gòn thời đó, ông thường xuyên nhận được những cuốn sách mới nhập về từ Âu Mỹ. Ông nắm bắt thông tin về khoa học, tư tưởng trên thế giới một cách nhạy bén, kịp thời; nhưng ông không vồ vập mà cân nhắc, chọn lọc để giới thiệu cái gì có ích cho dân tộc mình. Chưa thấy ai chê ông là người nệ cổ, cũng chưa thấy ai trách ông là người sùng ngoại, xu thời. Nguyễn Hiến Lê từng nói, để viết ra được một cuốn sách, cần phải đọc thật nhiều sách; viết là một cách học tập, học tập để mà viết. Muốn có gì để nói với mọi người, thì trước hết mình phải nạp năng lượng tri thức và tiêu hóa năng lượng. Nhờ thế, những hạt giống được gieo trong sách mới nẩy mầm và đơm hoa kết trái”.

Nguyễn Hiến Lê có lời khuyên các bạn trẻ, thoạt nghe như nghịch lý mà rất nghiêm trang: “Khi muốn học về một vấn đề nào thì cứ viết sách về vấn đề ấy… Viết sách tức là tự ra bài cho mình làm. Học mà không làm bài thì chỉ mới đọc qua chứ không phải học. Khi viết nên nhớ mục đích của ta là để tìm hiểu chứ không phải để cầu danh. Đừng cầu danh thì danh sẽ tới. Cầu nó, nó sẽ trốn...”.

TRẦN TRUNG SÁNG

;
.
.
.
.
.