.

Văn chương - “cái nghiệp đa mang”

.

Ở Đà Nẵng hiện nay có một thực tế không thể phủ nhận là các nhà thơ, nhà văn không ai sống bằng nghề viết văn, làm thơ, có chăng đó chỉ là “cái nghiệp”...

Mô tả ảnh.
Các nhà văn Đà Nẵng luôn nỗ lực trong các hoạt động nghiên cứu, sáng tác văn học của thành phố. TRONG ẢNH: Liên hiệp các hội Văn học-nghệ thuật thành phố Đà Nẵng phối hợp với NXB Kim Đồng gặp gỡ, trao đổi về sáng tác văn học thiếu nhi hôm 22-4-2011.

 

Gánh nặng áo cơm

Cây bút đã tạo dựng được tên tuổi trên văn đàn thành phố từ 10 năm nay - Bùi Tự Lực tâm niệm: “Mình không quá tôn sùng vật chất, của cải, nhưng gọi là bất kể “sự đời” vì văn chương thì là nói dối, nhất là trong thời buổi giá cả “lộng hành” như hiện nay”. Không trực tiếp quán xuyến chi tiêu trong gia đình bao giờ, nhưng anh không thể làm ngơ với mỗi sáng ăn tô bún 15 - 20 nghìn đồng, khi tiền nhuận bút mỗi bài thơ, trang truyện không đủ để mời bạn bè bữa cà-phê; anh càng không thể làm ngơ trước vẻ mặt thêm phần âu lo của vợ sau mỗi lần đi chợ… Thế nên, vị trí nhân viên Kho bạc Nhà nước mới là bát gạo, nồi cơm của anh và gia đình.

Không chỉ những cây bút trẻ mà ngay cả người làm thơ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ như nhà thơ Thanh Quế, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT thành phố kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Non Nước cũng không giấu giếm tâm sự: “Quả thực, nếu không có đồng lương công chức khi đương nhiệm cũng như khi về hưu thì tôi không biết làm thế nào để nuôi sống bản thân và gia đình”. Ông cũng không khắt khe khi mà các bạn trẻ hiện nay có phần “so đo” khi lựa chọn nghề nghiệp cho mình, có thể họ có tiềm năng thơ văn thật đấy, nhưng chẳng thể nào bảo họ quên cuộc mưu sinh để vùi đầu vào thế giới văn chương.
Với nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm, Chủ tịch Hội Nhà văn Đà Nẵng, Tổng Biên tập Tạp chí Non Nước, anh chỉ sáng tác thơ để nói thay tiếng lòng bên ly cà-phê đắng, hay trong khoảnh khắc thanh tịnh của đêm…; còn nhà thơ trẻ Nguyễn Thị Anh Đào là nhà báo, hay như nhà văn Bùi Tự Lực như chúng tôi đã nói là cán bộ kho bạc… và còn nhiều nhà văn, nhà thơ khác của Đà Nẵng đều phải sống bằng nghề của mình là công an, bộ đội, giáo viên, bác sĩ, doanh nhân… trước khi đến với thơ văn, vì trước khi viết người ta cần phải sống.

“Viết để biết mình đang sống”

“Thực tế hiện nay, hoạt động in ấn thơ văn rất khó khăn, bí nhất là đầu ra của tác phẩm khi mà văn hóa đọc đang dần xuống dốc, những cái tên thật nổi đình nổi đám may ra còn thu hút được chút ít sự chú ý của độc giả, còn những người trẻ còn lạ nước lạ cái thì thật khó có cơ hội được ghi tên mình trong lòng công chúng… nên không ít người viết văn, làm thơ bây giờ tự viết, tự bỏ tiền in và tự đọc (hay gửi tặng người thân, bạn bè nhờ đọc)… Chúng tôi cũng không biết làm thế nào vì không có kinh phí”, ông Nguyễn Kim Huy, Trưởng phòng Biên tập-Nhà xuất bản Đà Nẵng cho hay.

Chủ tịch Hội Nhà văn Đà Nẵng Nguyễn Nho Khiêm cũng khẳng định: “Chúng ta đang gặp khó ở vấn đề đầu ra của tác phẩm, dù biết rằng đây là một trong những động lực quan trọng cho những người sáng tác văn học-nghệ thuật”.

Có điều, dù đứng trước rất nhiều khó khăn, trở lực, thì lạ lùng sao, hằng ngày, các cây bút (từ già đến trẻ) vẫn viết văn và làm thơ, dù biết rằng viết ra “đôi khi chỉ để trong hộc bàn, thỉnh thoảng đem ra nhâm nhi với bạn bè hay may mắn lắm lọt vào một vài trang báo nào đó, là vui rồi”, như một nhà văn đã bày tỏ. Có nhiều ý kiến lý giải điều này gắn với tính đặc thù về mặt thời gian, không gian, tâm trạng… của văn thơ, nhưng không hiểu sao câu nói của nhà văn Bùi Tự Lực cứ khiến tôi ray rứt mãi: “Văn thơ với chúng tôi dường như là cái nghiệp đa mang, dù thế nào cũng phải viết thôi. Viết để thấy mình đang sống”.

Bài và ảnh: Tân Tân

;
.
.
.
.
.