.

Tục cưới của người Cơtu: Xưa... và nay

.

Vợ con... “là cái nợ nần”

Anh Đinh Văn Như (sinh năm 1980), Bí thư Chi bộ thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang thuộc thế hệ “sinh sau đẻ muộn” của làng kể những gì anh được nghe kể lại: Ngày xưa khi mẹ anh mới khoảng hơn 10 tuổi, chỉ biết “xách nước, nấu cơm” đã được ba anh (cũng người trong làng) chú ý. Và để giữ người con gái mình thương, ba anh đã bảo gia đình mình đem gạo sang nuôi “vợ sắp cưới chưa kịp lớn” của mình. Thỉnh thoảng đi rừng, đi suối, có thức gì ngon, lạ cũng đem sang; Tết đến thì đem gà, rượu sang biếu; mỗi năm may mấy bộ áo quần cho vợ tương lai mặc. Cứ nuôi như vậy cho đến khi mẹ khoảng 13-14 tuổi thì cưới... Những câu chuyện như vậy, không riêng ba mẹ anh Như, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, để cưới được vợ người Cơtu trước đây càng không đơn giản chút nào.

 

Mô tả ảnh.
Nhà trai đến nhà gái đón dâu - một nghi lễ không thể thiếu trong đám cưới của người Cơtu ở Tây Giang - Quảng Nam.

 

Theo lời kể của già làng Bùi Văn Cầm - người được coi là uy tín nhất trong làng, đã làm ông mai cho không biết bao nhiêu đám cưới trong làng và những làng lân cận, thì: “Ngày xưa không phải người con trai nào lớn lên cũng cưới được vợ, có người đẹp lừng lững nhưng đôi khi phải cưới cụ già đã còng lưng, có người phải ở giá suốt đời vì không có tiền của. Bởi lễ vật để cưới được vợ không hề đơn giản: Nào khiên, ché, tạ mỗi thứ một đôi tính đến nay trị giá phải vài chục cây vàng là bất di bất dịch; việc phải lo đủ trâu, bò, heo, rượu để thết đãi họ nhà trai, họ nhà gái, cả làng khoảng 2 - 3 ngày đêm. Ngoài ra, nhà trai còn phải chiều theo sự thách cưới, “đòi của” có khi rất ngược đời của nhà gái nếu muốn lấy được vợ. “Thành thử, với những ông mai có lương tâm thì việc khó nhất là làm sao “điều đình” được cái sự “đòi của” của nhà gái”, già làng Bùi Văn Cầm cười bảo.

“Dâu thay áo cưới, rể thay cau trầu”

Đó là cách nói của già làng Bùi Văn Cầm để chỉ sự đổi thay trong cách thức làm đám cưới của người Cơtu hiện nay: Cô dâu Cơtu cũng được mặc những bộ váy một màu trắng, hồng, vàng… như người miền xuôi; chú rể thì không còn phải quá nặng nề chuyện sính lễ. Tất nhiên, nét mới trong câu chuyện cưới hỏi của người Cơtu không chỉ dừng lại ở đổi thay hình thức bề ngoài, quan trọng là nhận thức của người dân đã không còn cổ hủ, lạc hậu như trước. Người ta không còn đem chuyện trăm năm của con cái (nhất là nhà gái) ra để kiếm của như một cuộc bán mua hàng hóa, cũng không còn chuyện “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” mà trai gái tự tìm hiểu rồi đi đến hôn nhân. Đây không chỉ là câu chuyện hỏi cưới trong thời hiện đại của người Cơtu ở Giàn Bí mà đó là lời chung của người Cơtu ở Tà Lang (thôn cạnh), Phú Túc (xã Hòa Phú) và của cả vùng núi Tây Giang, Đông Giang… vốn nặng nề hủ tục ở Quảng Nam.   

Anh Như nói đùa với chúng tôi: “Nếu chuyện cưới xin vẫn như thời ông bà, cha mẹ anh thì chắc không biết đến khi nào anh mới lấy được vợ”. Điều đáng quý là tục cưới của người Cơtu tuy đã khác nhiều, nhưng đó không phải là sự lên ngôi hoàn toàn của cái mới và phủ nhận sạch trơn cái cũ. Bên cạnh ngày cưới chính thức diễn ra một buổi giống người Kinh, thì trước đó những nét đẹp trong tục cưới của người dân nơi đây vẫn được duy trì như hai họ vẫn đối đáp, trao gửi lòng thành với nhau qua những điệu lý đặc trưng của dân tộc mình; bất kỳ một đôi trai gái nào muốn thành duyên cũng phải được sự chứng giám của bà con hai họ, nhất là của người già uy tín trong làng (có thể cùng hoặc khác họ); hay đôi trai gái phải thề nguyền trăm năm trước trời đất, trước dân làng…  “Ngày xưa, người làm mai như tôi được ngồi riêng một mâm, kèm theo nhiều quà cáp lắm. Còn bây giờ cũng như mọi người, mình đi giúp người ta là chính, đời sống mới mà, không còn cầu kỳ, phức tạp như trước. Tôi luôn vui và tự hào về công việc của mình”, vị già làng vui vẻ nói.

Bài và ảnh: Thanh Tân

;
.
.
.
.
.