Giáo dục

Giáo dục thể chất ở trường phổ thông: Không thể xem nhẹ

08:07, 11/10/2016 (GMT+7)

Thực tế tại Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, khi quy hoạch và xây dựng trường thường ít khi tính đến không gian dành cho học sinh tập thể dục. Trong khi đó, đối với các quốc gia phát triển, giáo dục thể chất cho học sinh được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Học sinh Trường THPT Trần Phú học môn thể dục tại sân trường.
Học sinh Trường THPT Trần Phú học môn thể dục tại sân trường.

Thiếu nhà đa năng

Giờ tập thể dục, ở sân Trường THPT Trần Phú, dưới cái nắng gay gắt, từng tốp học sinh mặc đồng phục thực hiện các động tác thể dục nhịp điệu. Vừa hướng dẫn các em thực hiện xong một động tác thể dục, thầy Cao Trung Kiên, giáo viên thể dục của nhà trường nói: “Do chưa có nhà đa năng nên học sinh phải học thể dục ở sân trường. Học ở đây có nhiều điều bất tiện và ảnh hưởng đến chất lượng dạy, học”.

Thầy Kiên cho biết, tất cả các môn thể dục trong nhà trường như: bóng đá, bóng rổ, cầu lông, bóng chuyền, chạy bộ... đều phải thực hiện ngay trong sân trường. Tuy nhiên, mỗi khi trời gió, môn cầu lông phải dừng lại, không thể học được. Đó là chưa kể khi trời mưa, các em phải vào dãy hành lang học “khởi động” tạm thời, chờ mưa ngớt. Còn khi trời nắng, cả thầy và trò đều phải “rèn luyện” thể thao dưới cái nắng chói chang, mồ hôi vã ra như tắm. Cũng do nơi học thể dục liền kề với các dãy phòng học nên tại Trường THPT Trần Phú, dãy tầng 2 cạnh sân trường không thể học được vì quá ồn.

Tình trạng thiếu nhà đa năng không chỉ ở Trường THPT Trần Phú, nơi được xem là có cơ sở vật chất khá khang trang, mà còn diễn ra ở nhiều trường khác. Đơn cử, tại quận Sơn Trà, trong 7 trường THCS trên địa bàn, chỉ có một trường THCS đang xây dựng nhà đa năng là Trường THCS Nguyễn Chí Thanh. Còn lại các trường như: THCS Lê Độ, THCS Cao Thắng... đều không có nhà đa năng.

Thầy Lê Đình Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lê Độ cho biết, do chưa có nhà đa năng nên học sinh vẫn học các môn chạy bộ, cầu lông, nhảy xa ở sân trường. Điều này rất bất tiện và ảnh hưởng lớn đến chất lượng học tập bởi nếu trời mưa thì không học được. “Nhà đa năng thực sự cần thiết bởi nếu có nhà đa năng, các em có thêm địa điểm để học kỹ năng sống, tổ chức các hoạt động tập thể, các trò chơi dân gian”, thầy Sơn nói. Cũng bởi thiếu nơi học thể dục, rèn luyện thể thao đúng nghĩa nên những giờ học thể dục ở nhiều trường chủ yếu mang ý nghĩa “khởi động” là chính, chứ chưa thực sự mang lại sự hấp dẫn, đam mê, giúp các em rèn luyện thể lực để phát triển toàn diện. Đồng thời, thực tế hiện nay, thể dục vẫn bị xem là môn “phụ” với 1-2 tiết/tuần cùng các bài tập nhàm chán.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Đà Nẵng, toàn ngành hiện có 362 trường ở các bậc học nhưng hiện chỉ có khoảng 55 nhà đa năng ở các cấp học. Trong đó, có những nhà đa năng sử dụng tốt nhưng có những nhà đa năng bị hư hỏng và phải sửa chữa hằng năm.

Đẩy mạnh phát triển giáo dục thể chất

Ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho rằng, xây dựng sân tập, sân chơi thể thao, hồ bơi trong các trường học là việc nên làm, bởi thể lực của thanh-thiếu niên chúng ta hiện nay so với các quốc gia khác còn quá yếu; nguyên nhân do từ nhỏ, học sinh không được tập luyện thể thao bài bản. “Nhà đa năng thực sự cần thiết bởi nó còn là nơi sinh hoạt của các câu lạc bộ âm nhạc, thể thao... Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn vốn Nhà nước còn hạn chế, cần có sự liên kết đầu tư để xây dựng thêm các nhà đa năng tại các trường nhằm giúp các em luyện tập thể thao tốt hơn, phát triển cả về trí lực lẫn thể lực”, ông Nghĩa nói.

Thực tế hiện nay, các trường học trên địa bàn Đà Nẵng còn rất thiếu thốn về cơ sở vật chất cho các môn thể thao, việc đầu tư gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, việc liên kết đầu tư trong trường học không phải dễ dàng do còn vướng cơ chế. “Trong lúc các trường thiếu nhà đa năng cho học sinh học thể dục thì một số trung tâm văn hóa-thể thao tại các địa phương lại bỏ không rất lãng phí. Do vậy, cần có sự phối hợp giữa ngành GD&ĐT và ngành Văn hóa-Thể thao để phát huy, tận dụng công năng của các công trình này phục vụ cho việc học tập của các em”, ông Nguyễn Thương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ nói.

Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Đình Vĩnh cho biết, đơn vị đang trình UBND thành phố Đề án phát triển giáo dục thể chất thể thao trong nhà trường với mục tiêu đến năm 2020 sẽ hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ phục vụ giáo dục thể chất trong nhà trường; đồng thời đa dạng hóa các hình thức tổ chức hoạt động thể thao, tổ chức dạy võ thuật cổ truyền Việt Nam cho học sinh.

Đề án “Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030” đã chỉ  rõ vai trò quan trọng của giáo dục thể chất và thể dục thể thao trong các trường học đối với sự phát triển thể lực tầm vóc người Việt Nam. Đồng thời, theo thông tin mới đây từ Viện Dinh dưỡng quốc gia, người Việt Nam hiện thấp nhất khu vực châu Á.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

.