Mỹ sẽ "mạnh tay" với Syria?

.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington có “rất nhiều lựa chọn” về quân sự đối với Syria và sẽ hành động nhanh chóng, mạnh mẽ nhằm đáp trả vụ tấn công sử dụng vũ khí hóa học.

Sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở thị trấn Douma, nhiều em nhỏ phải thở bằng oxy.  Ảnh: AP
Sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở thị trấn Douma, nhiều em nhỏ phải thở bằng oxy. Ảnh: AP

Hãng AP dẫn lời Tổng thống Donald Trump mô tả vụ tấn công bằng vũ khí hóa học xảy ra tại thị trấn Douma, khu vực do lực lượng nổi dậy kiểm soát gần thủ đô Damascus của Syria làm nhiều người chết, là “tàn ác” và “ghê tởm”.

Nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ phải trả “giá đắt”, đồng thời đề xuất khả năng Washington phải có hành động trừng phạt Syria cũng như các nước đồng minh của Damascus là Nga và Iran.

Mặc dù ông Trump nói rõ rằng, Mỹ đang cân nhắc rất nhiều lựa chọn hành động khác nhau, nhưng vẫn chưa xác định cụ thể sẽ chọn giải pháp nào. Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về các phương án cụ thể hoặc liệu hành động quân sự nào có thể được thực hiện.

Cũng thời điểm này cách đây 1 năm, Tổng thống Donald Trump ra lệnh bắn hàng loạt tên lửa hành trình Tomahawk vào một căn cứ quân sự ở Syria để “đáp trả” một vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học ở Idlib ngày 4-4-2017, làm hơn 80 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.

Tuy nhiên, Tổng thống Syria không lo ngại và vẫn tiếp tục “mạnh tay” với các lực lượng nổi dậy. Vì vậy, trong lúc này, có thể thấy nước Mỹ đang đứng “giữa hai dòng nước”: hoặc ông Trump sẽ “bấm nút” phát động một loạt tấn công khác để tiếp tục trừng phạt ông Assad, hoặc “tỏ ra nguy hiểm” như một con hổ giấy khi không thể làm gì hơn ngoài những tuyên bố đe dọa, trừng phạt.

Tình hình Syria trở nên phức tạp hơn bởi sau vụ tấn công vũ khí hóa học, các chiến đấu cơ của Israel sáng 9-4 ném bom vào một căn cứ không quân của chính phủ Damascus ở tỉnh phía bắc Homs. Cả Syria lẫn Nga đều cáo buộc Israel gây ra vụ việc này.

Cũng có những giả thuyết cho rằng, vụ không kích là sản phẩm hợp tác giữa Mỹ và đồng minh Israel, nhưng vẫn có những chứng cứ cho thấy Tel Aviv hành động một mình vì những lý do chẳng liên quan đến vụ tấn công bằng vũ khí hóa học vừa xảy ra.

Giới phân tích cũng cho rằng, nếu đây là vụ tấn công hóa học do chính phủ của Tổng thống Assad gây ra thì quả thực là chiến lược không mấy thông minh của ông. Tổng thống Assad gần như chắc chắn sẽ giành lại được vùng Douma mà không cần phải sử dụng vũ khí hóa học.

Ông hoàn toàn có thể “lấy mạng” những kẻ nổi dậy bằng bom không kích mà không cần gây ra phản ứng dữ dội của cộng đồng quốc tế. Vậy thì phải chăng đây là “con bài” của Mỹ nhằm có lý do đưa quân can thiệp Syria và đẩy Nga ra khỏi quốc gia Trung Đông này?

Tại cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học nói trên, đại diện của Nga và Mỹ đã lời qua tiếng lại, “ăn miếng trả miếng”. Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia khẳng định, không có vụ tấn công bằng vũ khí hóa học, đồng thời cảnh báo Mỹ về “những hậu quả nghiêm trọng” nếu Washington tấn công nhằm vào các lực lượng chính phủ Syria.

Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley đáp rằng, Washington sẽ hành động tại Syria mà không cần thông qua LHQ. “Chúng ta đã tới một thời điểm mà thế giới phải chứng kiến công lý được thực thi”, bà Haley phát biểu.

Thực tế, trong nhiều năm qua, nghị sĩ cả hai đảng của Mỹ vẫn liên tục hối thúc chính phủ của Tổng thống Trump can thiệp quân sự cụ thể ở Syria. Đây từng là một vấn đề khúc mắc dưới thời Tổng thống Barack Obama vì ông Obama quyết định không can thiệp quân sự vào Syria.

Một số người muốn Mỹ phác ra cái gọi là “lằn ranh đỏ” để gây áp lực mạnh mẽ nhất có thể lên Tổng thống Assad, cũng như gửi thông điệp cảnh báo tới phần còn lại của thế giới về các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học.

Căng thẳng ở Syria đang được Mỹ và phương Tây đẩy lên một nấc thang mới. Nhưng sự can thiệp quân sự của Mỹ vào Syria lúc này không thể làm thay đổi cục diện xung đột, mà chỉ càng làm quốc gia này và Trung Đông thêm khủng hoảng.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.
.