Quan hệ liên Triều "tan băng"?

.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã gửi thư mời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thăm Bình Nhưỡng “vào thời điểm sớm nhất có thể” để tham dự hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3. Đây là bước tiến đột phá hướng đến “tan băng”trong quan hệ liên Triều.

Bà Kim Yo Jong, em gái của nhà lãnh đạo Kim Jong-un gặp gỡ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (bìa trái) tại Nhà Xanh. 	Ảnh: AFP/Yonhap
Bà Kim Yo Jong, em gái của nhà lãnh đạo Kim Jong-un gặp gỡ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (bìa trái) tại Nhà Xanh. Ảnh: AFP/Yonhap

Hãng AP mô tả khoảng thời gian này là “hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”. Lá thư của nhà lãnh đạo Kim Jong-un được em gái của ông, bà Kim Yo Jong gửi đến Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc gặp lịch sử giữa các quan chức hai miền tại Nhà Xanh ngày 10-2. Các quan chức Hàn Quốc cho rằng, nếu cuộc gặp như thế diễn ra, đó sẽ là lần gặp đầu tiên giữa lãnh đạo hai miền kể từ năm 2007 đến nay.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, người phát ngôn Nhà Xanh Kim Eui-kyeom nói rằng, Tổng thống Moon khẳng định, hãy tạo môi trường cho cuộc gặp thượng đỉnh như thế có thể diễn ra. Có mặt tại Hàn Quốc, ông Kim Yong-nam, Chủ tịch đoàn Chủ tịch Hội nghị Nhân dân Tối cao Triều Tiên cũng khẳng định quyết tâm thúc đẩy “thời kỳ hoàng kim mới” trong quan hệ liên Triều.

Song, vẫn có nhiều nghi ngại từ phía Hàn Quốc. Đảng Tự do Hàn Quốc đối lập cảnh báo, đàm phán chẳng qua là để CHDCND Triều Tiên có thêm thời gian hoàn tất khả năng hạt nhân. Các báo Nhật Bản cũng đưa ra thông điệp tương tự, cho rằng đối thoại là vô nghĩa trừ khi đàm phán dẫn đến phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Theo báo Yomiuri, Tổng thống Moon nên tự mình thúc đẩy CHDCND Triều Tiên phi hạt nhân hóa, thay vì phụ thuộc vào đối thoại giữa Mỹ và Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha khẳng định, những nỗ lực nhất quán mà Seoul đang thực hiện nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên và thúc đẩy hòa bình trên bán đảo bằng việc hướng đến đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng. Nga cũng kêu gọi cả Washington lẫn Bình Nhưỡng tận dụng cơ hội căng thẳng tạm lắng và tham gia đối thoại mà không cần điều kiện tiên quyết.

Vấn đề đặt ra là Mỹ và CHDCND Triều Tiên không dễ cùng ngồi vào bàn nghị sự. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence trong chuyến bay từ Hàn Quốc về Mỹ nhấn mạnh, Washington, Seoul và Tokyo đang hoàn tất một thỏa thuận nhằm cô lập Bình Nhưỡng. Hôm khai mạc Thế vận hội mùa đông Pyeongchang (9-2), ông Pence bỏ về sớm trong tiệc chiêu đãi chào mừng vì không muốn ngồi chung bàn với phái đoàn Triều Tiên. Theo ông Troy Stangarone, Giám đốc Trung tâm Kinh tế Hàn Quốc có trụ sở tại Washington, Mỹ không công nhận chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, còn quốc gia châu Á này luôn giữ chiếc “chìa khóa” cho sự tồn tại của họ, đó là việc phải sở hữu vũ khí hạt nhân.

Đối với Tổng thống Moon Jae-in, người đứng đầu Nhà Xanh vẫn theo đuổi cách tiếp cận linh hoạt trong vấn đề Triều Tiên, với giấc mơ hòa giải, mặc dù Bình Nhưỡng đã phóng tên lửa ngay trong những tháng đầu ông mới nhậm chức, buộc ông phải có những tuyên bố cứng rắn. Giờ đây, ông xem Thế vận hội mùa đông Pyeongchang là sự bắt đầu quý giá của bước đi đầu tiên hướng tới nền hòa bình toàn cầu. Ông cũng tin rằng, việc lập đội tuyển khúc côn cầu trên băng nữ chung tại sự kiện thể thao quy mô lớn này sẽ được ghi nhận trong tim của người dân trên khắp thế giới như “một tiếng vang vọng của hòa bình”. Đồng thời, vị Tổng thống theo chủ trương ôn hòa cho rằng, không khí hòa dịu giữa hai miền Triều Tiên sẽ bảo đảm đối thoại và hòa bình trong thời gian tới.

Hiện ông Moon chưa chính thức nhận lời mời của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Mỹ có lẽ không thích đồng minh của mình đến thăm CHDCND Triều Tiên cho đến khi Bình Nhưỡng đưa vấn đề hạt nhân ra đàm phán. Trong lúc đó, nhiều người Hàn Quốc cũng quan ngại sâu sắc rằng, dù đạt được thỏa thuận nào đi nữa cũng sẽ không thật sự bảo đảm an ninh trên bán đảo Triều Tiên.

Chưa thể khẳng định quan hệ liên Triều sẽ “tan băng” dù cả hai bên đang nỗ lực thể hiện thiện chí tại Thế vận hội mùa đông Pyeongchang. Tuy nhiên, tất cả những gì đã và đang diễn ra, từ sự có mặt của phái đoàn CHDCND Triều Tiên tại Thế vận hội, sự hiện diện của bà Kim Yo Jong, ông Kim Yong-nam, hay cả lời mời của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, dù “mang tính biểu tượng” nhưng cũng là những tín hiệu tốt lành cho một bán đảo vốn luôn “nóng”.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.
.