Mỹ giảm quân ở Iraq

.

Mỹ bắt đầu giảm quân ở Iraq sau khi Baghdad tuyên bố chiến thắng tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vào năm ngoái.

Binh sĩ Mỹ tại làng Abu Ghaddur, phía đông thành phố Tal Afar của Iraq. Ảnh: AP
Binh sĩ Mỹ tại làng Abu Ghaddur, phía đông thành phố Tal Afar của Iraq. Ảnh: AP

Tại thủ đô Baghdad, người phát ngôn chính phủ Iraq Saad al-Hadithi ngày 5-2 xác nhận với hãng AP về việc Mỹ giảm quân. “Cuộc chiến chống Daesh (tức IS) đã kết thúc và mức độ hiện diện của Mỹ sẽ giảm”, ông Al-Hadithi nói. Song, người phát ngôn này nhấn mạnh, lúc này vẫn là giai đoạn đầu và những gì đang diễn ra không đánh dấu việc Mỹ bắt đầu rút hết lực lượng khỏi Iraq.

Đây là lần đầu tiên Mỹ giảm quân kể từ khi bắt đầu cuộc chiến chống IS tại Iraq cách đây hơn 3 năm. Các nhà thầu phương Tây tại căn cứ liên quân do Mỹ dẫn đầu ở Iraq cho biết, trong tuần qua, hàng chục binh sĩ Mỹ đã di chuyển từ Iraq đến Afghanistan trên những chuyến bay, cùng vũ khí và thiết bị. Trong khi đó, theo người phát ngôn liên quân, Đại tá Ryan Dillon, việc liên quân tiếp tục hiện diện ở Iraq sẽ phụ thuộc vào các điều kiện, tỷ lệ thuận với nhu cầu và sự phối hợp với chính phủ Iraq.

Một quan chức cấp cao thân cận với Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cho hay, sẽ giảm 60% binh sĩ Mỹ đồn trú ở quốc gia Trung Đông này, theo thỏa thuận ban đầu giữa hai nước. Theo đó, khoảng 4.000 binh sĩ Mỹ vẫn lưu lại để tiếp tục làm nhiệm vụ huấn luyện các binh sĩ Iraq.

Tháng 11-2017, Lầu Năm Góc công bố báo cáo nêu rõ có gần 8.900 binh sĩ Mỹ tại Iraq (tính đến tháng 9-2017). Các cuộc không kích đầu tiên của Mỹ chống lại IS ở Iraq diễn ra vào tháng 8-2014. Lúc đó, sự can thiệp của quân đội Mỹ được mô tả là “hạn chế”, nhưng khi quân đội Iraq nỗ lực đánh bật các lực lượng Hồi giáo cực đoan thì sự hiện diện của Mỹ ngày càng gia tăng. 

Theo AP, việc Mỹ giảm quân diễn ra chỉ 3 tháng trước khi Iraq tiến hành tổng tuyển cử. Tại quốc gia Trung Đông này, sự hiện diện vô thời hạn của Mỹ vẫn là vấn đề gây chia rẽ.

Thủ tướng Haider al-Abadi, vốn đang tìm kiếm thêm một nhiệm kỳ, luôn muốn cân bằng lợi ích cạnh tranh của 2 đồng minh then chốt của Iraq: Iran và Mỹ. Trong lúc Mỹ ủng hộ các chiến thắng quan trọng của quân đội Iraq trong việc chống IS, chẳng hạn như chiếm lại thành phố Mosul, lực lượng bán quân sự của Iraq do người Shiite dẫn đầu có quan hệ chặt chẽ với Iran đã kêu gọi Washington rút quân. Song, ông Abadi nhấn mạnh rằng, quân đội Iraq cần sự huấn luyện của Mỹ trong những năm tới.

Iraq tuyên bố chiến thắng IS hồi tháng 12 năm ngoái sau một cuộc chiến kéo dài hơn 3 năm. Trước đó, IS đã kiểm soát gần 1/3 lãnh thổ Iraq. Tuy “vương quốc Hồi giáo” tại Iraq và Syria đã sụp đổ nhưng các quan chức Mỹ và Iraq cảnh báo, IS vẫn tiếp tục tạo ra mối đe dọa về an ninh, mà Tướng Hải quân Mỹ James Glynn từng cho rằng, lực lượng duy trì các tay súng - những kẻ thực hiện các vụ tấn công ở Iraq nhằm phá hoại an ninh địa phương. Mới đây, ngày 4-2, quân đội Iraq mở chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm tiêu diệt các tàn quân của IS tại tỉnh Diyala nhằm nhổ tận gốc mầm mống khủng bố. Các cơ quan an ninh Iraq cũng công bố danh tính của 60 người bị truy nã vì bị tình nghi có quan hệ với IS và các nhóm khủng bố Takfiri - lực lượng liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda.

Thời gian cao điểm nhất, năm 2007, có đến khoảng 170.000 binh sĩ Mỹ đồn trú tại Iraq nhằm đối phó với bạo lực sắc tộc, hệ lụy từ cuộc chiến của Mỹ ở quốc gia này. Sau đó, Mỹ giảm quân còn 40.000 binh sĩ và rồi hoàn tất việc rút quân vào năm 2011.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.