.

Rối loạn tâm thần ở các nước đang phát triển

.

Theo báo cáo khoa học mới nhất đăng trên tạp chí y tế The Lancet vào tuần qua, các nước đang phát triển chiếm khoảng ¾ số người mắc bệnh tâm thần trên toàn cầu. Trong đó, Ấn Độ chiếm 15% và Trung Quốc chiếm 17%.

Như vậy, chỉ tính Ấn Độ và Trung Quốc cộng lại chiếm gần 1/3 số người mắc bệnh này trên toàn thế giới. Các nhà nghiên cứu phân tích số liệu từ tổ chức Gánh nặng bệnh tật toàn cầu (GBD) công bố hồi năm 2013 để đi sâu vào Trung Quốc và Ấn Độ. Số liệu từ điều tra dân số quốc gia, điều tra hộ gia đình, hệ thống giám sát dịch bệnh và hệ thống báo tử.

Chất kích thích, rượu gây ra bệnh rối loạn tâm thần.
Chất kích thích, rượu gây ra bệnh rối loạn tâm thần.

Trầm cảm và lo âu quá mức là hai dạng bệnh chiếm tỷ lệ lớn nhất. Hai dạng bệnh tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực chiếm phần lớn chi phí điều trị các bệnh tâm thần. Ở cả hai nước này, rối loạn sử dụng chất kích thích ở nam nhiều hơn gấp đôi so với nữ và rối loạn do sử dụng rượu ở nam gấp 7 lần nữ. Sa sút trí tuệ đang là vấn đề nan giải cả ở Trung Quốc và Ấn Độ.

Dự kiến từ 2015 tới 2025 thì số năm khỏe mạnh của con người bị mất đi vì sa sút trí tuệ sẽ tăng 82% ở Ấn Độ (từ 1,7 triệu lên 3,2 triệu người) và tăng 56% ở Trung Quốc (từ 3,5 triệu lên 5,4 triệu người). Chỉ có 10% số người bị rối loạn tâm thần ở Ấn Độ nhận được sự can thiệp dựa trên bằng chứng; trong khi đó tỷ lệ điều trị tìm kiếm những bệnh như âu lo quá mức, sử dụng chất kích thích, sa sút trí tuệ hay động kinh chưa tới 6%.

Cả Trung Quốc và Ấn Độ có rất ít chuyên gia y tế về rối loạn tâm thần và khả năng tiếp cận với dịch vụ y tế về những căn bệnh này cũng rất tệ, đặc biệt là vùng nông thôn. Bên cạnh đó còn có sự kỳ thị của xã hội. Nghiên cứu nhận ra sự phối hợp của cộng đồng với những hình thức yoga ở Ấn Độ, y học cổ truyền ở Trung Quốc có thể thu ngắn quá trình điều trị. Cái khó của hai nước này là chiếm tới 1/3 số người bị rối loạn tâm thần trên thế giới nhưng chỉ có một số lượng người rất ít được điều trị.

Các nhà nghiên cứu cho rằng tình hình sẽ nặng nề hơn trong vài thập niên tới, đặc biệt ở Ấn Độ với dự báo tăng khoảng ¼ vào năm 2025. Trung Quốc đối diện với nguy cơ tăng tỷ lệ suy giảm trí tuệ vì dân số già. Michael Phillips, một trong những tác giả chính và là giáo sư tại Đại học Emory ở Atlanta và tại Đại học Thượng Hải cho biết, hơn một nửa trong số những người bị rối loạn tâm thần toàn diện như tâm thần phân liệt không được chẩn đoán, ít chăm sóc.

Nếu như ở các nước giàu, tỷ lệ điều trị bệnh tâm thần từ 70% thì ở hai nước này là một tỷ lệ rất nhỏ. Chỉ có chưa tới 1% trong ngân sách y tế của cả Ấn Độ và Trung Quốc dành cho các loại bệnh tâm thần, trong khi ở Mỹ là 6% và Đức, Pháp lên tới hơn 10%. Nhiều khi cần phải vài thập niên nữa mới có thể cải thiện ở mức có thể chấp nhận được về chăm sóc bệnh nhân tâm thần ở hai nước này. Các nhà nghiên cứu đề nghị những người hướng dẫn yoga ở Ấn Độ và các lương y ở Trung Quốc cần được đào tạo chuyên sâu hơn nữa để điều trị bệnh tâm thần một cách hiệu quả hơn.

ANH THƯ (Theo Japantimes, livemint)

;
.
.
.
.
.