.

Nga chống khủng bố ở Syria

.

Điện Kremlin khẳng định: Các cuộc không kích của Nga ở Syria nhằm vào các tổ chức khủng bố, chứ không chỉ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Hình ảnh do Trung tâm Báo chí Homs cung cấp cho thấy, khói bốc lên sau các cuộc không kích ở tỉnh Homs, phía tây Syria, ngày 30-9.   		                   Ảnh: AP
Hình ảnh do Trung tâm Báo chí Homs cung cấp cho thấy, khói bốc lên sau các cuộc không kích ở tỉnh Homs, phía tây Syria, ngày 30-9. Ảnh: AP

Các cuộc không kích của Nga đã được tiến hành ở Syria ngay sau khi Thượng viện Nga đồng ý cho Tổng thống Vladimir Putin sử dụng quân đội ở nước ngoài. Quân đội Nga cho biết, lực lượng này đã thực hiện 20 cuộc không kích trong ngày 30-9, bắn phá 8 mục tiêu IS, trong đó có 1 vị trí chỉ huy, và nhằm vào các chiến binh Hồi giáo cực đoan - tương tự mục tiêu của Mỹ. Tổng thống Putin gọi đây là các cuộc tấn công phủ đầu chống lại các chiến binh.

Không có thông tin cho biết vị trí cụ thể của những mục tiêu tấn công nhưng theo Đại sứ Nga tại Pháp Alexander Orlov, chiến dịch không kích nhằm vào các cơ sở của IS và Nusra Front, một chi nhánh Al-Qaeda tại Syria. Nhật báo Kommersant của Nga dẫn một nguồn tin quân sự cho hay, Mátxcơva đã triển khai các máy bay ném bom Su-24M và Su-34, các máy bay chiến đấu Su-30, trực thăng chiến đấu Mi-24…

Phát biểu tại thủ đô Mátxcơva, người phát ngôn của Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov, xác nhận các cuộc không kích nhằm vào lực lượng Hồi giáo cực đoan bên trong lãnh thổ Syria. Ông Peskov bác bỏ những thông tin chỉ trích các cuộc không kích không nhằm vào IS.

Người phát ngôn Tổng thống nói rằng, Mátxcơva đang hỗ trợ Syria chống IS cũng như các nhóm khủng bố và cực đoan khác. Trong khi đó, tại New York, trao đổi với báo chí, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng tuyên bố: “Những cáo buộc về việc mục tiêu không kích của Nga không nhằm vào vị trí của IS là vô căn cứ”.

Ngày 1-10, chiến dịch không kích của Nga bước sang ngày thứ hai ở khu vực gần thị trấn chiến lược Jisr al-Shughour cũng như khu vực tại các tỉnh Idlib và Hama. Mỹ lo ngại Nga hướng đến mục tiêu là lực lượng đối lập với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đồng minh thân thiết của Mátxcơva. Theo Mỹ, đây là phiến quân ôn hòa chống lại ông Assad.

Tuy nhiên, theo AFP, Mátxcơva bác bỏ các cáo buộc này và khẳng định sẵn sàng đối thoại quân sự khẩn cấp với Washington để tránh các cuộc xung đột giữa hai lực lượng. Ngoại trưởng Lavrov đòi Washington phải cung cấp bằng chứng để chứng minh cáo buộc của mình. Nhà ngoại giao hàng đầu trong chính phủ của ông Putin cũng bác bỏ cáo buộc của phe đối lập ở Syria rằng, bom và tên lửa Nga đã sát hại 36 thường dân, bao gồm 5 trẻ em, tại tỉnh Homs.

Mỹ và Nga đã thống nhất cần thiết phải chống IS nhưng không tìm được tiếng nói chung đối với tương lai chính trị của Tổng thống Assad. Các nhà quan sát nhận định: Việc Nga mở chiến dịch không kích chống khủng bố ở Syria đánh dấu sự can thiệp lớn nhất của Mátxcơva tại Trung Đông.

Song, động thái đó có thể làm mối quan hệ giữa Nga với Mỹ trở nên phức tạp hơn, trong lúc hai nước đang có những bất đồng xung quanh cuộc nội chiến kéo dài hơn 4 năm ở Syria. Mỹ lo ngại Nga muốn tranh giành ảnh hưởng ở khu vực vốn không ổn định này, còn Nga muốn bảo vệ đồng minh Assad. Điện Kremlin chưa bao giờ chỉ trích ông Assad đối với cái chết của thường dân Syria trong cuộc nội chiến và ủng hộ nhà lãnh đạo này phải tham gia trong một giải pháp chính trị giải quyết cuộc xung đột.

Đại sứ Alexander Orlov cho rằng, sự can thiệp của Nga diễn ra sau khi Mỹ và các đối tác tiến hành không kích ở Syria trong 1 năm nhưng thất bại. “Chúng ta thấy liên minh đã hoạt động ở Syria trong 1 năm. 5.000 cuộc không kích đã được thực hiện và IS vẫn còn đó”, ông Orlov nói. Nhà ngoại giao này còn dự đoán, Syria sẽ có thể có các cuộc bầu cử tự do trong vòng 1 năm.   

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.