.
Câu chuyện quốc tế

Biến phế tích thành chuỗi khách sạn hút khách

.

Trên nền kiến trúc đổ nát của pháo đài có từ thế kỷ 14 trên dãy Himalaya, doanh nhân Aman Nath đã “hô biến” thành chuỗi khách sạn thu hút đông đảo khách du lịch trong 2 thập kỷ qua.

Khu pháo đài cổ Neemrana và nay là nơi tọa lạc chuỗi khách sạn của doanh nhân Nath.  						               Ảnh: Rextarplus
Khu pháo đài cổ Neemrana và nay là nơi tọa lạc chuỗi khách sạn của doanh nhân Nath. Ảnh: Rextarplus

Theo NBC, người đàn ông 64 tuổi đứng sau chuỗi “khách sạn mà không phải là khách sạn” Neemrana ở Ấn Độ còn là một sử gia. Ông Nath là người đã hồi sinh các khu phế tích thuộc di sản kiến trúc của Ấn Độ, đem lại lợi nhuận lớn, tạo việc làm cho đông đảo người địa phương.

Ý tưởng đó có lẽ bắt đầu từ ý nghĩ của Nath: “Thật là thích nếu được ngủ, được mơ và được thức dậy trong những tòa nhà là chứng tích của lịch sử và rồi thưởng thức món kem dâu làm từ nguyên liệu nhà trồng được”.

Suốt những năm tháng thơ ấu, Nath đã có những buổi làm bài tập về nhà ở một khu di tích lịch sử tại thủ đô New Delhi, nơi có khu mộ của Hoàng đế Humayun - đế quốc Mogul có từ thế kỷ 16. Niềm đam mê những không gian cổ kính đã khiến Nath xây dựng 38 khách sạn di sản ở 10 bang trên toàn quốc, tạo cơ hội trải nghiệm về lịch sử Ấn Độ cho những đoàn khách của ông.

Tìm vàng giữa đống đổ nát

Cùng với người bạn quá cố là Francis Wacziarg, một nhân viên ngân hàng người Pháp đã nhập quốc tịch Ấn Độ, Nath khởi sự “phong trào Neemrana” vào những năm 1990 như cách nói của ngành công nghiệp khách sạn thời đó. Trên xa lộ nối giữa thủ đô New Delhi và thành phố Jaipur, họ đã phát hiện khu phế tích của pháo đài Neemrana và quyết định mua nó. Pháo đài cổ này từng được chào bán trong suốt 40 năm. Trong những người đã muốn mua nó có cả nhà tư bản công nghiệp và cũng là chủ khách sạn người Ấn Độ Jacqueline Kennedy Onassis. Tuy nhiên, sau đó, chẳng ai trong số họ bỏ ra 11.000 USD mua về một đống gạch đá. Nhưng nay “đống đổ nát” đã trở thành khu khách sạn nổi tiếng với 71 phòng, đáp ứng tất cả nhu cầu tổ chức tiệc tùng, hội thảo và cưới hỏi của khách hàng.

Tôn vinh và bảo tồn giá trị thực

Thành công của mô hình khách sạn Neemrana bắt nguồn từ tầm nhìn của những người sáng lập. Cả ông Nath và người bạn quá cố Francis Wacziarg đều đề cao sự trải nghiệm thực tế của khách hàng bên cạnh việc nâng cao những tiêu chuẩn để đạt chất lượng theo tiêu chuẩn các sao. Trên toàn hệ thống khách sạn của họ, 500 nhân viên đều là những người địa phương được tuyển dụng và đào tạo với mục tiêu gây dựng sự tự hào về văn hóa ẩm thực cũng như phong tục tập quán địa phương.

Doanh nhân Nath cho biết, ông chưa bao giờ lập chiến lược kinh doanh, mà luôn dựa vào trực cảm của mình và tập trung vào những gì ông thích. Ông cũng nói thêm: “Ngày nay, các khách sạn thường do những ông giám đốc xây dựng bằng tiền của người khác, họ hình dung những người giàu muốn gì rồi cứ thế đẩy cao những tiêu chuẩn lên mức 5, 6 và 7 sao. Chúng tôi không lôi kéo khách hàng bằng sự xa hoa. Lấy xa hoa để lôi kéo khách quả là điều rất thô thiển”.

Đa dạng về lựa chọn

Các khách sạn Neemrana không thuộc hạng sang, nhưng khác biệt và theo các chuyên gia trong ngành dịch vụ khách hàng, chúng cũng không trùng khít với các tiêu chí của hạng mục khách sạn cao cấp hay trung bình. Giá thuê phòng rất đa dạng. Bạn có thể chỉ trả 39 USD/đêm/phòng ở một trong những khách sạn tại vùng Shekhavati thuộc bang Rajasthan phía tây Ấn. Tuy nhiên, với một phòng ở thành phố cảng Kochi, bạn có thể phải trả tới 490 USD/đêm trong mùa nghỉ dưỡng. Mức giá thuê phòng trung bình ở khu cung điện - pháo đài Neemrana hạng nhất luôn cao hơn hầu hết các khách sạn 5 sao tại thủ đô New Delhi.

Tổng Giám đốc điều hành chuỗi khách sạn Neemrana, bà Sonavi Kaicker, cho biết doanh thu năm tài chính vừa qua tính đến ngày 31-3-2015 của chuỗi khách sạn đã tăng 25%. Theo Uttam Dave, một chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn 30 năm qua: “Rất khó để “dán nhãn” cho mô hình khách sạn của họ. Họ phải xây dựng thương hiệu nhưng lại không là đối thủ quá quyết liệt trong lĩnh vực này. Họ không bị hối thúc vì lợi nhuận, nhưng lợi nhuận là kết quả của những việc họ đã làm rất tốt”.

Khai thác tiềm năng nội tại

Ngay khi hai doanh nhân Nath và Wacziarg quyết theo đuổi một lựa chọn nhiều rủi ro vào những năm 1990, họ đã được ủng hộ với quá trình tự do hóa của nền kinh tế Ấn Độ. Quốc gia Nam Á này đã mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài và thị trường việc làm, tạo đà cho ngành kinh doanh dịch vụ khách hàng, trong đó có kinh doanh khách sạn.

Theo hãng tư vấn trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ khách hàng HVS, mặc dù vẫn chỉ là “người mới” trên sân chơi này với 113.000 phòng, nhưng ngành kinh doanh khách sạn của Ấn Độ đã đạt mức lợi nhuận cao nhất, khoảng 30-45% so với mức lợi nhuận trung bình toàn cầu là 15-25%.

Giám đốc điều hành phụ trách tư vấn và định giá của HVS ở Nam Á, Achin Khanna nói: “Trong 8-10 năm qua, động lực phát triển trong lĩnh vực dịch vụ khách hàng của Ấn Độ là lượng khách du lịch trong nước. Những người này đang chi rất mạnh tay”.

Trong khi lượng khách ngoại cũng gia tăng và dự kiến đạt 10 triệu lượt khách trong 3 năm tới, giúp thúc đẩy phân khúc khách sạn di sản và khách sạn hạng sang, lượng du khách người Ấn cũng sẽ tiêu thụ gần hết 45.000 phòng mới dự kiến sẽ tung lên mạng trong 5 năm tới. “Người Ấn Độ đang giàu có hơn và tại sao họ lại không thích trải nghiệm với những di sản của chính đất nước mình chứ”, ông Nath nói.

Theo các chuyên gia, chuỗi khách sạn Neemrana đã chọn được đúng điểm rơi khi giới thượng lưu trong nước này đang muốn tìm chỗ để… tiêu tiền. Nếu vào đầu những năm 1990, 40% du khách đến với Neemrana là người Ấn thì con số này hiện nay là 75%.

Nhìn về xu hướng phát triển trong tương lai, ông Nath cho biết: “Mọi người khuyên chúng tôi nên vươn ra nước ngoài, nhưng không cần như vậy… Trước tiên, chúng tôi phải đi cho hết ở Ấn Độ đã”. Ông đang tiếp tục tìm kiếm những khu di sản quyến rũ, cổ kính của đất nước mình để chăm sóc rồi biến nó thành những điểm đến hấp dẫn du khách bằng nhiều giá trị văn hóa Ấn Độ thực chất nhất.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.