.

Mỹ chỉ trích Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông

.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cho rằng, việc Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo trên Biển Đông là hành động hủy hoại hòa bình và sự ổn định, đồng thời tạo ra nguy cơ căng thẳng có thể dẫn đến xung đột.

Đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 			Ảnh: Reuters
Đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Reuters

Hãng Reuters cho biết, phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken được đưa ra trong cuộc họp báo ở thủ đô Jakarta (Indonesia) ngày 20-5. Ông Blinken nói rằng, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và vẽ lại biên giới trên biển đang làm xói mòn niềm tin của các nước trong khu vực và tổn hại đến niềm tin của các nhà đầu tư. “Động thái của Bắc Kinh đe dọa tạo ra một tiền lệ mới, theo đó các nước lớn được quyền đe dọa những nước nhỏ hơn, và điều này sẽ khơi mào căng thẳng, sự không ổn định, thậm chí có thể dẫn đến xung đột”, nhà ngoại giao này nói.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố video cho thấy diễn biến hoạt động xây dựng bồi đắp đảo nhân tạo tại Biển Đông và đoạn âm thanh cảnh cáo của Trung Quốc với máy bay Mỹ vào ngày 20-5. Đoạn video này được chiếc P8-A Poseidon của quân đội Mỹ thu và phát trên CNN. Đây cũng là lần đầu tiên Lầu Năm Góc công bố video về hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Theo đó, trong chuyến bay thị sát cùng lực lượng quân đội Mỹ, phóng viên CNN đã ghi nhận 8 lần hải quân Trung Quốc cảnh cáo, yêu cầu máy bay tuần tra Mỹ rời khu vực Biển Đông. CNN cho rằng, Lầu Năm Góc công bố video nhằm tăng cường truyền thông, qua đó minh chứng phản ứng của Mỹ trước các hành vi ngang nhiên xây đắp đảo của Trung Quốc.

P8-A Poseidon là loại máy bay tuần tra và săn ngầm hiện đại nhất của Mỹ. Trong chuyến tuần tra ngày 20-5, máy bay này chỉ bay ở độ cao thấp nhất là 4.572m. Mỹ đang cân nhắc sẽ tiến hành các chuyến bay tuần tra như thế ở độ cao gần hơn với các khu vực quần đảo.

Cuối tuần trước, Mỹ và Trung Quốc đã tranh cãi về vấn đề Biển Đông khi Ngoại trưởng John Kerry có chuyến thăm cường quốc châu Á này. Lúc đó, ông Kerry đã thúc giục Trung Quốc giảm căng thẳng trên Biển Đông. Song, phía Bắc Kinh vẫn khẳng định quyết tâm bảo vệ các lợi ích của mình, bất chấp những phản ứng của quốc tế.

Cũng theo Reuters, ngày 21-5, tại Bắc Kinh, nói về những phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi yêu cầu Washington tuân thủ nguyên tắc không đứng về phía nào trong vấn đề Biển Đông. Người phát ngôn Hồng Lỗi cáo buộc ngược lại rằng, những nhận định của ông Blinken đã hủy hoại niềm tin ở khu vực.

Trong khi đó, ông Blinken vẫn khẳng định Mỹ không đứng về bên nào nhưng “chúng tôi phản đối mạnh mẽ các hành động nhằm đạt được một tuyên bố bằng cách dùng vũ lực hoặc ép buộc”. Đồng thời, nhà ngoại giao đến từ cường quốc bên kia đại dương cho rằng, vấn đề Biển Đông nên được giải quyết bằng cách thức ngoại giao.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích tất cả các bên giải quyết bất đồng theo luật quốc tế”, ông Blinken nhấn mạnh. Phó Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ Michelle Howard cũng bày tỏ nghi ngờ về hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông và yêu cầu phía Bắc Kinh giải thích.

Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền trên khắp khu vực Biển Đông, nơi các đoàn tàu thương mại chở theo hàng hóa trị giá hơn 5.000 tỷ USD đi qua mỗi năm. Song, tuyên bố này vấp phải sự phản đối của các quốc gia láng giềng và quốc tế.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.