.

Indonesia và Malaysia: Tháo gỡ khủng hoảng di cư

.

Malaysia và Indonesia thống nhất cung cấp nơi ở tạm cho 7.000 người di cư trái phép đang lênh đênh trên biển nhưng những người này sẽ được tái định cư hoặc cho hồi hương trong vòng một năm.

Những người di cư ở ngoài khơi biển Aceh (Indonesia) chờ được các ngư dân đưa vào bờ. 							           Ảnh: AFP
Những người di cư ở ngoài khơi biển Aceh (Indonesia) chờ được các ngư dân đưa vào bờ. Ảnh: AFP

Tuyên bố của Malaysia và Indonesia được đưa ra vào ngày 20-5, sau khi hai nước này và Thái Lan bị cộng đồng quốc tế chỉ trích về việc đã không cho những người di cư lên bờ, mặc dù cả ba nước chưa tham gia Hiệp định 1951 của Liên Hợp Quốc (LHQ) về người tị nạn. Những người di cư này chủ yếu là cộng đồng người Rohingya thiểu số ở Myanmar và Bangladesh, trong đó có cả phụ nữ lẫn trẻ em, đã tìm cách vượt biển để đến Indonesia, Malaysia, Thái Lan.

Họ muốn rời quê nhà để thoát cảnh đói nghèo, có những người bị những kẻ buôn người bắt cóc và đang đối mặt với bệnh tật, thiếu lương thực, nước uống ở ngoài khơi. Reuters cho rằng, quyết định của Malaysia và Indonesia là bước đi đầu tiên, cũng là bước đột phá lớn trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư đang làm đau đầu các nhà chức trách ở Đông Nam Á.

Tại cuộc họp ở Putrajaya (Malaysia) cùng những người đồng cấp Indonesia và Thái Lan, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman khẳng định Kuala Lumpur và Jakarta nhất trí hỗ trợ nhân đạo cho 7.000 người di cư đang kẹt trên biển. Ông nói rằng, các cơ quan thực thi pháp luật của các nước liên quan sẽ tiếp tục chia sẻ thông tin tình báo với nỗ lực đấu tranh chống nạn buôn người. Nhà ngoại giao này thúc giục cộng đồng quốc tế tiếp tục có trách nhiệm và chia sẻ gánh nặng với Malaysia, Indonesia, Thái Lan để tháo gỡ cuộc khủng hoảng.

Song, AP cho biết, Ngoại trưởng Aman không nói rõ những người tị nạn có được chấp nhận hay không nếu không có sự hợp tác của cộng đồng quốc tế, hoặc khi nào tiến trình nhân đạo bắt đầu. Đồng thời, cũng không rõ từ đâu mà 3 chính phủ Indonesia, Malaysia và Thái Lan có con số thống kê 7.000 người tị nạn nói trên. Trong khi đó, cơ quan tị nạn của LHQ xác nhận có khoảng 4.000 người đang lênh đênh trên biển. Một số nhà hoạt động ước tính con số này là 6.000 người. Còn theo người phát ngôn của Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) Joe Lowry, có đến 8.000 người vẫn ở ngoài biển.

Một ngày trước khi đến Putrajaya, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho rằng, cuộc khủng hoảng người di cư hiện nay là vấn đề của cả khu vực Đông Nam Á và ủng hộ việc chung tay tìm giải pháp tháo gỡ. Ngày 20-5, hơn 400 người di cư được ngư dân Indonesia giải cứu ở ngoài khơi bờ biển Aceh sau khi bị bọn buôn người bỏ rơi.

Riêng phía Thái Lan không tham gia cung cấp nơi ở tạm thời cho những người di cư trái phép. Theo các quan chức Thái Lan, nước này sẽ kiểm tra những người di cư trên biển và chỉ cho phép những người ốm đau lên bờ để chăm sóc y tế. Nước này đang kêu gọi một hội nghị quốc tế tại thủ đô Bangkok vào ngày 29-5 tới, với sự tham dự của 15 nước, trong đó có Bangladesh, Indonesia, Malaysia, Lào, Việt Nam, Úc và Mỹ.

“Việc chúng tôi chấp nhận hay không chấp nhận thêm người tị nạn thì phải đợi đến ngày 29-5, khi các nước và các tổ chức quốc tế nhóm họp”, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-Ocha nói với báo giới tại Bangkok.

Theo Hiệp định của LHQ, các nước tham gia ký kết phải tổ chức tái định cư cho một số lượng nhất định người di cư. LHQ đang kêu gọi Indonesia, Malaysia và Thái Lan đẩy mạnh chiến dịch giải cứu người di cư đang lênh đênh trên biển và không ngăn cản các thuyền di cư cập bến. Vì vậy, LHQ hoan nghênh động thái của Malaysia và Indonesia, đồng thời thúc giục việc đưa người tị nạn lên bờ “mà không trì hoãn nữa”.

Trong những ngày qua, gần 3.000 người di cư đã cập bờ ở Indonesia, Thái Lan và Malaysia.

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.
.