.

Những ngày kinh hoàng ở Nepal

.

Chưa hết bàng hoàng với trận động đất mạnh 7,9 độ Richter làm hơn 2.200 người chết, người Nepal tiếp tục hứng chịu thêm một trận động đất mạnh 6,7 độ Richter vào ngày 26-4.

Lực lượng cứu hộ đưa người bị thương ra khỏi một tòa nhà bị phá hủy ở Kathmandu ngày 26-4.                                          Ảnh: AP
Lực lượng cứu hộ đưa người bị thương ra khỏi một tòa nhà bị phá hủy ở Kathmandu ngày 26-4. Ảnh: AP

Trận động đất xảy ra ngày 25-4, cách thủ đô Kathmandu 81km về phía tây bắc, là trận động đất mạnh nhất ở Nepal trong hơn 80 năm qua. Các nhà chức trách cho biết, tính đến chiều 26-4, có ít nhất 2.169 người chết ở Nepal, 61 người chết ở Ấn Độ và một số người khác thiệt mạng tại các nước láng giềng. Riêng thủ đô Kathmandu có 721 người chết và ước tính tổng cộng 5.000 người bị thương. Các hoạt động cứu hộ vẫn đang diễn ra và chưa rõ số người thiệt mạng trong thảm họa này sẽ là bao nhiêu.

Theo Reuters, trong số những nơi bị động đất phá hủy có tòa tháp cổ Dharahara được xây dựng năm 1832. Tòa tháp màu trắng, cao 60m, gồm 9 tầng, đã bị sụp đổ, chỉ còn lại chân tháp. Đây là Di sản thế giới do UNESCO công nhận và là điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng của thành phố Kathmandu. Nhiều người có thể bị mắc kẹt dưới đống đổ nát của tòa tháp. Ngoài ra, một số công trình kiến trúc cổ khác cũng đã bị tàn phá tại Biratnagar, thành phố lớn thứ hai của Nepal, nhưng chưa rõ con số thương vong.

Hàng ngàn người Nepal đã trải qua một đêm 25-4 ngoài trời, hoặc ở trong các ô-tô, xe buýt công cộng. Song, họ bị đánh thức và lại hốt hoảng vì những cơn dư chấn mạnh vào sáng sớm 26-4. Hãng AP dẫn lời Sanjay Karki, người đứng đầu cơ quan viện trợ toàn cầu Mercy Corps. của Nepal xác nhận các cơn dư chấn vẫn tiếp tục. “Khi những cơn dư chấn xảy ra, bạn không thể hình dung được nỗi sợ hãi như thế nào. Bạn có thể nghe phụ nữ và trẻ em đang khóc”, Sanjay Karki nói.

Những con đường dẫn đến khu vực xảy ra thảm họa bị các trận lở đất phong tỏa, gây khó khăn cho lực lượng cứu hộ. Các nhân viên cứu hộ phải đi bộ qua các đường mòn trên núi để tiến đến những ngôi làng xa xôi. Song, trực thăng được cho là phương tiện duy nhất có thể tiếp cận được các ngôi làng.

Hầu hết các khu vực rơi vào tình trạng không điện và nước. Các bệnh viện ở thung lũng Kathmandu quá tải.

Các nhà quan sát cho rằng, động đất sẽ tạo ra thách thức cho Nepal, một đất nước nổi tiếng với dãy Everest, ngọn núi cao nhất thế giới. Nepal có 27,8 triệu dân, chủ yếu dựa vào du lịch.

Giới chức Nepal đã lên tiếng kêu gọi các nước nhanh chóng hỗ trợ nước này khắc phục hậu quả động đất. Bộ trưởng Thông tin Minendra Rijal nói rằng, Nepal đang trong thời điểm khủng hoảng và cần sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.

Chỉ vài giờ sau khi xảy ra thảm họa, Ấn Độ đã cử 2 đội tìm kiếm và cấp cứu gồm 96 nhân viên và 15 tấn hàng viện trợ tới Nepal. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cam kết nước ông sẽ làm hết sức mình để giúp nước láng giềng. Hơn 600 du khách từ Ấn Độ đang bị kẹt tại Nepal.

Nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Singapore, Pakistan cũng cam kết hỗ trợ Nepal. Mỹ tuyên bố viện trợ khẩn cấp 1 triệu USD, đồng thời cử đội tìm kiếm và cấp cứu tới Nepal. Trung Quốc nói rằng, nước này đã khởi động một kế hoạch viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho Nepal.

Ngày 26-4, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã gửi điện chia buồn tới Thủ tướng Nepal Sushil Koirala về những thiệt hại nghiêm trọng do trận động đất lớn xảy ra một ngày trước đó.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã gửi điện thăm hỏi tới Bộ trưởng Ngoại giao Nepal Mahendra Bahadur Pandey.

Trong các bức điện, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh bày tỏ cảm thông sâu sắc trước những tổn thất to lớn của Nepal; mong nhân dân Nepal sẽ vượt qua đau thương, mất mát và sớm ổn định cuộc sống.

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.