.

Năm 2020, Triều Tiên có 100 vũ khí nguyên tử

.

Mỹ bày tỏ “quan ngại sâu sắc” khi cho rằng, đến năm 2020, CHDCND Triều Tiên có thể có 100 vũ khí nguyên tử.

Hình ảnh do Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA công bố cho thấy tên lửa của Bình Nhưỡng trong một cuộc diễn tập.      				     Ảnh: AFP
Hình ảnh do Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA công bố cho thấy tên lửa của Bình Nhưỡng trong một cuộc diễn tập. Ảnh: AFP

Cảnh báo việc CHDCND Triều Tiên có thể có 100 vũ khí nguyên tử trong vòng 5 năm tới được các nhà nghiên cứu Mỹ đưa ra. Ông Joel Wit, một thành viên cao cấp tại Viện Mỹ - Hàn ở Đại học Johns Hopkins, nói rằng đây là kết quả đầu tiên được công bố sau một nghiên cứu kéo dài 15 tháng.

Cụ thể, các nhà nghiên cứu đưa ra 3 kịch bản lý giải cho khả năng vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên vào năm 2020. Thứ nhất, Bình Nhưỡng sẽ tăng gấp đôi số vũ khí hạt nhân hiện tại lên khoảng 20 đơn vị. Thứ hai, số đơn vị này sẽ tăng lên 50 vào năm 2020. Thứ ba, Bình Nhưỡng sẽ tăng nhanh chóng kho dự trữ hạt nhân của mình lên đến 100 vũ khí. “Đây là một kịch bản rất đáng sợ khi chúng ta chứng kiến sự mở rộng đáng kể kho dự trữ vũ khí của CHDCND Triều Tiên”, ông Wit nói.

Viện Mỹ - Hàn kết luận: 5 năm qua (2009-2014), CHDCND Triều Tiên đã có những tiến triển quan trọng trong chương trình vũ khí hạt nhân của mình. Những chương trình này “dường như sẽ được mở rộng đáng kể trong vòng 5 năm tới, là một thách thức nghiêm trọng đối với Mỹ, Đông Bắc Á và cộng đồng quốc tế”. Cũng theo ông Wit, các công ty công nghệ hàng đầu của châu Âu có thể đang vô tình đóng góp cho chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng khi các thiết bị được tuồn sang quốc gia phía Bắc trên bán đảo Triều Tiên qua đường Trung Quốc.

AP cho biết, Viện Mỹ - Hàn công bố nghiên cứu nói trên ngày sau khi Mỹ và Hàn Quốc công bố sẽ bắt đầu các cuộc tập trận chung thường niên vào đầu tháng 3 tới, một động thái có thể làm CHDCND Triều Tiên tức giận. Phát biểu tại Quốc hội Mỹ ngày 24-2, Ngoại trưởng John Kerry khẳng định: Washington vẫn giữ cam kết giải giáp hạt nhân hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và cùng các đồng minh gây áp lực để Bình Nhưỡng ủng hộ mục tiêu này.

Ông Sung Kim, đại diện đặc biệt của Mỹ về chính sách CHDCND Triều Tiên, không bình luận về công bố nói trên của Viện Mỹ - Hàn, nhưng bày tỏ “quan ngại sâu sắc”.

Hiện CHDCND Triều Tiên được cho là có một kho vũ khí với 10-16 vũ khí hạt nhân cấp độ plutonium hoặc uranium. Quốc gia này đã tiến hành các vụ thử hạt nhân vào năm 2006, 2009 và 2013, cũng như thực hiện các vụ thử tên lửa, làm dấy lên quan ngại và chỉ trích của quốc tế.

Hồi đầu tháng này, các nghị sĩ Mỹ muốn thắt chặt các biện pháp cấm vận CHDCND Triều Tiên, trong đó có việc áp đặt hình phạt nghiêm khắc với những công ty nước ngoài có giao dịch với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, ông Wit nhận định: Những biện pháp trừng phạt ít hoặc không có tác động để Bình Nhưỡng ngừng chương trình hạt nhân.

Trong khi đó, hãng Yonhap dẫn lời một quan chức tình báo Hàn Quốc cho rằng, CHDCND Triều Tiên có thể tiến hành vụ thử hạt nhân thứ tư và vụ thử sẽ có quy mô cũng như sức công phá lớn hơn nhiều so với các vụ thử trước đó. Cũng theo quan chức này, tuy không có dấu hiệu bất thường nào ở trong và xung quanh bãi thử hạt nhân Punggye-ri thuộc tỉnh Bắc Hamkyong, nhưng CHDCND Triều Tiên sẵn sàng tiến hành thử hạt nhân khi nước này muốn.

Sau khi bị đổ vỡ vào năm 2008, đàm phán 6 bên với sự tham gia của Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và hai miền Triều Tiên đến nay vẫn chưa được nối lại. Nguyên nhân do các nước liên quan vẫn nghi ngờ thiện chí của Bình Nhưỡng trong vấn đề phi hạt nhân hóa. Trưởng đoàn đàm phán 6 bên của Hàn Quốc Hwang Joon-kook nói rằng, cần thăm dò thiện chí của Bình Nhưỡng để thúc đẩy việc các bên ngồi vào bàn nghị sự. Hiện Nga và Hàn Quốc bày tỏ ủng hộ nối lại đàm phán.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.