.

Hạ lưu sông Mekong mất 34 tỉ USD mỗi năm do biến đổi khí hậu

.

ĐNĐT - Mất mùa, hạ tầng bị tàn phá và các bệnh liên quan đến nắng nóng do biến đổi khí hậu gây ra có thể làm cho các quốc gia Đông Nam Á ở vùng hạ lưu sông Mekong mất đi khoảng 34 tỉ USD mỗi năm, các nhà nghiên cứu cho biết.

Thái Lan đang ngày càng hứng chịu lũ lụt trầm trọng hơn.  Ảnh: AFP
Thái Lan đang ngày càng hứng chịu lũ lụt trầm trọng hơn. Ảnh: AFP

Một báo cáo được Viện Tài nguyên thế giới tại Washington công bố hôm thứ hai (23-2) cho biết, biến đổi khí hậu có thể khiến Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam thiệt hại 16 tỉ USD mỗi năm, bao gồm tổn thất nhân lực, vụ mùa và các nguồn tài nguyên thiên nhiên cùng với 18 tỉ USD thiệt hại về cơ sở hạ tầng do lũ lụt, bão tố và nắng nóng khắc nghiệt.

Với mục đích giúp các quốc gia khu vực lập kế hoạch và đầu tư nhằm tranh thủ thời gian để ứng phó với biến đổi khí hậu, báo cáo của Viện trên đánh giá rằng, Đông Nam Á là một trong những khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất của tác động biến đổi khí hậu như lũ lụt, siêu bão, hạn hán và nhiễm mặn, khi nước biển tràn vào các cửa sông, đe dọa nông nghiệp và cơ sở hạ tầng.

Báo cáo trên đưa ra các số liệu nghiên cứu năm 2013 của USAID và dự báo rằng, nhiệt độ cao hơn, mưa sẽ nhiều hơn và mực nước biển dâng vào năm 2050.

Năng suất lao động sẽ chịu thiệt hại nặng nề với 18 tỉ USD mỗi năm về số ngày công lao động do ốm đau như nắng gắt, mệt mỏi và đột quỵ, đặc biệt là đối với nông dân và công nhân xây dựng.

Tác giả báo cáo, John Talberth, cho biết: “Có 10 triệu công nhân làm việc ngoài trời sẽ phải chịu đựng sự căng thẳng do nắng nóng, các bệnh liên quan tới nắng nóng khi mà nhiệt độ bắt đầu tăng trên 40 độ C”.

Trong khi nhiều nền kinh tế của châu thổ hạ lưu sông Mekong dựa vào lao động ngoài trời, năng suất lao động sẽ phải là tiền đề và trung tâm của mọi kế hoạch ứng phó và phải được thực hiện nhanh chóng.

Báo cáo trên cũng đề xuất các hành động phòng ngừa như thay đổi giờ làm việc và điều chỉnh lại việc chi tiêu cho tăng trưởng đô thị theo hướng các đô thị xanh hơn “nhằm làm cho cuộc sống dễ chịu hơn khi nhiệt độ gia tăng”.

Chi phí của việc mất mùa do bão tố, nước biển dâng, lũ lụt và nhiệt độ tăng cao được tính toán khoảng 2,5 tỉ USD, 430 triệu USD đối với sản xuất thủy điện.

Hầu hết lưu vực sông Mekong đều có các đập thủy điện đã hoặc sắp xây dựng, với 71 dự án dự kiến vận hành vào năm 2030, báo cáo cho biết. Trong đó, 11 nhà máy thủy điện đã xây dựng dự kiến làm gia tăng nhiệt độ và khả năng gây ra hạn hán.

Quang Hiển (Theo CNA)

;
.
.
.
.
.