.

Đau thương tràn ngập Pakistan

.

Việc 148 người, trong đó có 132 học sinh, bị Taliban giết hại, cùng 124 người khác bị thương trong vụ tấn công vào trường học ở thành phố Peshawar, tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Tây Bắc Pakistan, là một thảm kịch đối với quốc gia Nam Á này.

Hàng loạt tang lễ diễn ra ở Pakistan vào ngày 17-12. 		      Ảnh: THX
Hàng loạt tang lễ diễn ra ở Pakistan vào ngày 17-12. Ảnh: THX

Ngày 17-12, không khí đau thương tràn ngập Pakistan với hàng loạt tang lễ ở Peshawar và xung quanh thành phố này. Những ngọn nến được thắp lên cùng với các lễ cầu nguyện trên khắp cả nước để tưởng niệm các nạn nhân. Nhiều người gào khóc bên linh cữu của con mình. Họ nhớ lại sự kiện khủng khiếp như “cơn ác mộng” và an ủi lẫn nhau. Những câu chuyện của các nhân chứng được chia sẻ trong nước mắt…

Các nhân viên an ninh tiến hành thu dọn hiện trường, dò tìm những thiết bị nổ mà Taliban đã cài đặt. Toàn bộ 7 tay súng đã bị tiêu diệt nhưng cơ quan chức năng vẫn phải tiến hành xác định danh tính của những kẻ này, bởi có một vài tên nói tiếng Arab.

Reuters cho biết, người dân Pakistan vẫn chưa hết bàng hoàng mặc dù họ thường đối mặt với các cuộc tấn công của lực lượng Hồi giáo cực đoan. Vụ việc ngày 16-12 nhằm vào ngôi trường dành cho trẻ từ 7-9 tuổi, có cha mẹ phục vụ trong quân đội Pakistan, thật sự gây sốc và đặt ra áp lực đối với chính phủ trong việc phải nỗ lực hơn nữa để đối phó với lực lượng nổi dậy. Đây cũng là vụ tấn công đẫm máu nhất xảy ra trong nhiều năm qua ở Pakistan.

Chính phủ của Thủ tướng Nawaz Sharif công bố 3 ngày quốc tang, kể từ ngày 17-12. Trong lúc này, điều mà người dân Pakistan mong mỏi nhất là các nhà chức trách cần làm gì để bảo vệ đất nước. Ông Sharif cam kết trả thù cho “thảm kịch quốc gia do những kẻ man rợ gây ra”.

“Chúng ta sẽ trả thù cho mỗi người và mỗi giọt máu mà trẻ em đã đổ”, ông Sharif tuyên bố. Trong cuộc họp với các quan chức cấp cao tại Peshawar vào ngày 17-12, nhà lãnh đạo Pakistan còn khẳng định người dân nước ông không được quên những cảnh tượng đau thương này.

Ông Sharif lên nắm quyền vào năm ngoái, cam kết đàm phán hòa bình với lực lượng Taliban ở Pakistan nhưng nỗ lực này thất bại trong năm nay. Đồng thời, quân đội cũng gia tăng các hoạt động chống lại quân nổi dậy ở dọc biên giới với Afghanistan.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, Thủ tướng Sharif đã bàn thảo về việc cả hai nước cần làm những gì hơn nữa để chống khủng bố. AP cho biết, hai bên đã thống nhất sẽ tiến hành các hoạt động mới và cam kết “quét sạch khủng bố ra khỏi khu vực”.

AP dẫn lời Taliban nói rằng, vụ tấn công nhằm trả đũa hoạt động quân sự từ tháng 6 vừa qua chống lại “nơi trú ẩn an toàn” của lực lượng này ở khu vực tây bắc, dọc biên giới với Afghanistan. Song, theo các nhà phân tích, thảm kịch mới nhất cho thấy, dù hoạt động quân sự giảm đi thì nhóm chiến binh vẫn có thể gây ra các cuộc tàn sát khủng khiếp.

Vụ tấn công của Taliban vấp phải chỉ trích của cộng đồng quốc tế. Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi đây là “cuộc tấn công ghê tởm” và lên án “hành động đồi bại của những kẻ khủng bố”. Người đứng đầu Nhà Trắng nhấn mạnh Washington tiếp tục hỗ trợ những nỗ lực của Pakistan trong việc chống lại chủ nghĩa khủng bố và cực đoan, thúc đẩy hòa bình và sự ổn định ở khu vực.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cũng gay gắt chỉ trích vụ thảm sát. “Không điều gì có thể biện minh cho hành động tàn bạo như thế. Không có sự oán hận nào có thể bào chữa được cho nỗi kinh hoàng này”, ông Ban Ki-moon lên tiếng.

Trong khi đó, chủ nhân của giải Nobel Hòa bình Malala Yousafzai, một công dân Pakistan bị Taliban bắn trọng thương vào năm 2012, bày tỏ sự đau lòng trước “hành động phi lý và máu lạnh của khủng bố” ở Peshawar. Theo Malala, trẻ em vô tội lẽ ra không đáng chịu sự kinh hoàng như thế. Thậm chí, ngay cả các chiến binh Taliban ở nước láng giềng Afghanistan cũng mô tả việc thảm sát ở trường học tại Peshawar là hành động “phi Hồi  giáo”.

Nước láng giềng Ấn Độ, từng chỉ trích Pakistan dung dưỡng khủng bố, cũng dành 2 phút để tưởng niệm các nạn nhân. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gọi vụ tấn công là “hành động tàn bạo vô nghĩa”.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.
.